Tranh nhau bắt ong thăm
Vào ngày nắng lên sau những đợt mưa kéo dài, hay ngày “động trời” trước khi gió mùa về, ong mật thường di chuyển từ núi cao xuống chân núi để tránh rét. Dịp này, những người nuôi ong, mê ong các huyện miền núi Nghệ An – Hà Tĩnh thường mang ống mồi vào rừng để săn các đàn ong di trú. Các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông (Nghệ An), Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) là những địa phương có nhiều người đi săn ong nhất.
Người đi săn ong giống thường mang theo ống mồi và vợt. Vợt được may từ màn tuyn có đường kính khoảng 0,25m dài 0,8m. Ống mồi là một ống gỗ khoét rỗng để nhử ong, dài khoảng 0,7m, đường kính từ 0,2 – 0,25m, có 1 - 2 cửa ra vào.
Đối với dân săn ong, ống mồi là thứ vô cùng quan trọng, được họ dụng công tìm kiếm, chế tác hoặc mua về. Một ống mồi được chọn để đi săn phải là ống cũ, nghĩa là đã nuôi ong một vài năm, được vệ sinh sạch sẽ bằng nước sôi, kỳ cọ, đánh sáp, phơi nắng, thảy sương nhiều lần.
Ống mồi “chuẩn” là ống bắt được nhiều ong, chủ nhân thường giữ gìn rất cẩn thận. Có những ống mồi tồn tại gần cả trăm năm, được truyền từ đời này sang đời khác. Những ống mồi “xịn” được trả giá cả chục triệu đồng, thậm chí 15 -17 triệu đồng.
Mùa săn ong giống, dân đi săn thường tập kết ở các bãi đá, trang trại bỏ hoang... Mỗi người thường mang từ 1 - 5 ống mồi, có người chở luôn một xe ống đi săn ong. Sau khi chọn điểm tập kết, người đi săn ong thường cố bắt được một vài con “ong thăm” - những con ong thăm làm nhiệm vụ “trinh sát” bỏ vào ống mồi, mời ong thăm ống, hi vọng đàn ong sẽ “đổ bộ” vào ống của mình.
Khi ong đã đến thăm ống, người ta cho nhau, giúp nhau bắt “ong thăm”. Phát hiện nơi nào có “ong thăm”, chỉ cần một cú điện thoại, ngay lập tức các “tay săn” sẽ chở hàng chục, hàng trăm ống mồi đến treo khắp nơi. Việc bắt ong thăm nếu cư xử không khéo sẽ xảy ra cãi vã, mâu thuẫn.
Một số người trèo cây, trèo cột điện bắt ong thăm đã bị rớt gãy xương, thậm chí bị điện giật nguy kịch như ông Nguyễn Văn Chính ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương (11/2021).
Đấu trường đầy kịch tính
Quá trình “thăm ống” của ong khá phức tạp. Ong kéo quân đến xem xét nhiều lần, mỗi lần mang một số quân nhất định. Tùy vào điều kiện thời tiết và số ống mồi mà thời gian thăm ống sẽ dài hay ngắn, có khi chỉ mấy chục phút, có khi kéo dài 3 – 4 ngày. Nhìn chung càng nhiều ống mồi thì thời gian thăm ống càng lâu.
Ong chưa “đổ bộ” thì người săn chưa về, tất cả đều hi vọng. Họ kiên trì, nhịn ăn, ngồi theo dõi giữa nắng trưa, quên cả đói, khát. Với người đi săn ong giống, việc nhịn đói qua bữa là chuyện bình thường. Những người cẩn thận, trước lúc vào rừng có thể chuẩn bị một số kẹo, bánh, hoa quả, nước uống...
Tại một địa điểm săn ong có hàng chục, thậm chí cả trăm người đi săn ong cùng tham gia đấu ống, ai cũng mong phần thắng sẽ về mình. Đây cũng là thời gian căng thẳng, thấp thỏm nhất của người săn ong.
Tuy nhiên, ong chỉ có một đàn mà có hàng chục, hàng trăm ống mồi chờ đợi, cuối cùng thì ong vẫn chọn ra một ống thích hợp nhất để “đổ bộ”. Từ trên cao, ong kéo về như mưa và “đổ bộ” ngay vào chiếc ống đã chọn. Dù ống mồi này gác trong nhà hay ngoài vườn, xen giữa hàng trăm ống mồi khác, thì ong vẫn “hạ cánh” hoàn toàn chính xác.
Kinh nghiệm cho thấy, khi ong đang đổ bộ vào ống mồi đã chọn, nếu người đi săn thay ống mồi khác có chất lượng kém hơn, ong sẽ không vào ống mồi nữa mà bay vòng quanh và vụt lên cây. Xem ong “đổ bộ” là khảnh khắc vô cùng phấn khích của người đi săn ong.
Chủ nhân của ống mồi chỉ việc chờ ong vào hết, nút ống mang về. Ông Phan Hữu Mai (53 tuổi) – một người có nhiều kinh nghiệm săn ong ở xã Thanh Khê (Thanh Chương) cho biết: “Đi săn ong giống, chẳng khác nào tham gia chương trình "Đấu trường 100", kết thúc cuộc chơi, chỉ có 1 người thắng cuộc. Cả mùa ong có người được hàng chục đàn, nhưng có người chỉ được một vài đàn”.
Kiếm hàng chục triệu đồng nhờ săn ong giống
Theo những người trong nghề, tùy vào chất lượng ống mồi tốt hay xấu, mà người đi săn ong sẽ chọn cách đi “săn lẻ” hay “săn hội đồng”. Đi “săn hội đồng” là đi săn theo nhóm 5 – 7 người. Khi có ong thăm ống, họ thường tập trung ống mồi để đấu chung. Cách này khá vui, nhưng xác suất được ong thấp, vì quá đông người.
Đi “săn lẻ” là kiểu “tập kích” đơn lẻ, một mình một xe, tuy buồn, nhưng xác suất được ong cao. Anh Ngô Trí Nam (46 tuổi) – “trùm” săn ong ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương) cho hay: Ngày “động trời” sắp mưa hay những ngày bừng nắng sau một thời gian dài rét mướt, ong sẽ di cư nhiều hơn, đây là ngày “hot” của người đi săn ong giống.
Vào ngày này, hầu hết các điểm có người săn ong đều được ong. Quá trình ong thăm ống diễn ra liên tục, hết đàn nọ đến đàn kia. Có khi ong “trinh sát” của nhiều đàn cùng thăm 1 ống mồi dẫn đến việc cắn nhau đến chết. Đàn ong này vừa “đổ bộ” lại có đàn ong khác “về bầy”.
Ông Nguyễn Đình Thịnh ở xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) cho hay: Mùa săn ong năm nay đến sớm. Ngày “trúng ong”, mỗi người đi săn ong có thể kiếm được 3 – 4 đàn ong. Người có ống mồi “xịn” có thể giật 5 – 7 đàn.
Những hộ dân sống gần “bãi ong” treo ống mồi trong vườn nhà cũng có thể bắt được ong. Số ong săn được, họ có thể để nuôi hoặc bán giống cho người nuôi ong. Dân đi săn ong thường định lượng số ong giống bằng cách đong vào bát. Trung bình mỗi đàn ong đong được 3 – 5 bát. Những đàn ong đông quân có thể đong được 8 -10 bát. Giá mỗi bát ong hiện được bán khoảng 100 nghìn đồng.
Vào rừng đi săn ong có người được, kẻ thua, nhưng kết thúc một ngày "chọi ống" dù được hay thua, họ lên xe ra về đều vui vẻ. Anh Nguyễn Trung Hiếu (35 tuổi) ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương) cho biết: “Mỗi mùa săn ong giống, tôi thường bắt được từ 50 - 100 đàn ong, bán cho dân nuôi ong cũng kiếm được hàng chục triệu đồng”.
Với người dân miền núi xứ Nghệ, săn ong mật giống không chỉ là công việc khởi đầu cho một mùa nuôi ong, mà còn là một thú chơi đầy hấp dẫn. Người chơi vừa được khám phá, trải nghiệm, vừa có tiền tiêu.