| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư 1.778 tỉ đồng cho việc khó nhất

Thứ Hai 04/11/2019 , 09:12 (GMT+7)

Hàng chục năm nay, nhiều tỉnh, thành phố vẫn lúng túng như gà mắc tóc với việc dồn điền đổi thửa.

10-06-05_dsc_4864
Dồn điền đổi thửa giúp máy móc xuống đồng được dễ dàng hơn.

Bởi lẽ, chỉ thí điểm trên diện nhỏ mà đơn từ, khiếu nại đã liên tiếp xảy ra bởi đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân trong khi phần lớn vẫn chưa hiểu được ích lợi trước mắt và lâu dài của nó.

Mặt khác chính quyền cơ sở cũng ngại dồn điền đổi thửa bởi phải tiến hành một khối lượng công việc rất lớn từ xây dựng phương án, kế hoạch triển khai, đến tổ chức tuyên truyền, họp ở nhiều cấp, đo đạc, lên bản đồ, gắp thăm, chia đất, cấp hồ sơ giấy tờ...

Tuy nhiên, lợi ích của dồn điền đổi thửa đối với những nơi có diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, mỗi hộ dân canh tác nhiều mảnh trên nhiều cánh đồng như hầu hết các xã của Hà Nội thì lại rất cần thiết.

Xác định nếu tiến hành thành công việc này sẽ tác động tích cực tới hầu hết 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nên thành phố quyết tâm tháo gỡ bằng sự vào cuộc đồng loạt của các huyện thị, bằng sự đầu tư lớn từ năm 2015 đến nay tới 1.778 tỉ đồng và đã đạt thành công lớn.

79.454 ha được dồn điền đổi thửa giúp cho diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa của Hà Nội là 1.836 ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM).

Từ trung bình 7-10 thửa mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Sau dồn điền đổi thửa, để cho dân yên tâm đầu tư vào sản xuất trên mảnh đất mới của mình, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, được 617.964, đạt tỷ lệ 99,21%. 

Nhờ có đồn diền, đổi thửa máy móc xuống đồng ruộng dễ dàng hơn, tạo tiền đề cho việc tích tụ, tập trung đất đai, khiến giá trị sản xuất thực tế trên 1 ha tăng nhanh, năm 2018 đạt 259 triệu đồng, tăng 26 triệu so với năm 2015.

Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh lớn như vùng lúa chất lượng cao giá trị thu nhập tăng thêm so với lúa thường 25-30%, vùng rau an toàn giá trị từ 400-500 triệu đồng/ha, vùng trồng cây ăn quả giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ/ha, vùng trồng hoa, cây cảnh giá trị từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ.

Về chăn nuôi đã hình thành 101 mô hình trang trại tập trung áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi khép kín từ giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ. Phát triển 15 vùng chăn nuôi gồm 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn, 9 vùng chăn nuôi gia cầm và thủy cầm, 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn.

Về thủy sản đã hình thành 56 vùng nuôi trồng tập trung và có 28 hợp tác xã (HTX) để làm dịch vụ cho hộ các khâu cung cấp con giống, thức ăn, máy móc thiết bị, thuốc thú y. Nhiều HTX, cá nhân còn đứng ra thu gom đất như HTX Minh Đức của huyện Ứng Hòa đã thuê đất của các hộ thành cánh đồng rộng 40 ha để sản xuất lúa chất lượng cao; HTX Thắng Lợi của huyện Mê Linh tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, ông Chu Trọng Nhung ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai của các hộ với quy mô 12 ha để trồng cây ăn quả.

Ngoài ra còn có các hiệp hội cũng tham gia tích tụ, tập trung đất để sản xuất như hội thủy sản thôn Kim Giang, xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa tham gia ương nuôi cá giống, cá thịt, cung cấp thức ăn; Hội nông dân xã Thanh Xuân thành lập liên nhóm để sản xuất rau hữu cơ.

Mô hình chung của nhóm là các thành viên có ruộng gần nhau góp lại hình thành một nhóm làm theo kế hoạch sản xuất chung nhưng diện tích của từng nhà lại tự chăm sóc và thu hoạch riêng. Trung bình mỗi tháng nhóm sản xuất rau hữu cơ Sóc Sơn đưa ra thị trường 40-50 tấn, bình quân thu nhập của từng thành viên đạt 4-6 triệu đồng.

Đối với doanh nghiệp, trên địa bàn Hà Nội có trên 40 doanh nghiệp đã liên kết với các hộ nông dân để sản xuất rau hàng hóa với quy mô khoảng 150 ha. Với hai hình thức tập trung đất là góp cổ phần đất và thuê đất, một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu đạt hiệu quả khá.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.