| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư vào lâm nghiệp Nghệ An: Đường đi còn lắm lùng nhùng

Thứ Năm 09/09/2021 , 13:30 (GMT+7)

Lớn về quy mô diện tích, nhưng rừng Nghệ An chủ yếu là gỗ nhỏ, giá trị thấp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp theo kiểu nửa vời, lấy lệ...

Muốn cất cánh, ngành lâm nghiệp Nghệ An cần thu hút những doanh nghiệp lớn mạnh tham gia đầu tư, điển hình như Tập đoàn Thiên Minh Đức. Ảnh: Việt Khánh.

Muốn cất cánh, ngành lâm nghiệp Nghệ An cần thu hút những doanh nghiệp lớn mạnh tham gia đầu tư, điển hình như Tập đoàn Thiên Minh Đức. Ảnh: Việt Khánh.

Gỗ nhỏ làm dăm chiếm 70%

5 năm qua, ngành lâm nghiệp Nghệ An đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng năm 2019 đạt 5,39%; kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2016 đạt 119,730 triệu USD, năm 2018 tăng gần gấp đôi lên mức 221 triệu USD; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 58,5%; công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có nhiều bước chuyển…

Công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gắn với các nhà máy chế biến được quan tâm, chú trọng, đi đôi với quản lý và cấp chứng chỉ rừng nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng trồng...

Đời sống của người trồng rừng trên địa bàn Nghệ An những năm qua đã có bước chuyển đáng kể. Ảnh: Bá Hậu.

Đời sống của người trồng rừng trên địa bàn Nghệ An những năm qua đã có bước chuyển đáng kể. Ảnh: Bá Hậu.

Nghệ An đã chủ động, thu hút được một số dự án lớn về lâm nghiệp nhằm tạo nền móng vững chắc về sau. Nổi bật phải kể đến Nhà máy Chế biến gỗ Nghĩa Đàn với hệ thống dây chuyền gỗ ghép thanh công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền sản xuất ván MDF công suất 130.000 m3/năm, chính thức đi vào vận hành từ 2016. Năm 2018, Nhà máy chế biến ván sợi MDF tiếp tục được đầu tư tại huyện Anh Sơn, công suất 400.000m3/năm, hiện đang trong quá trình san lấp mặt bằng…

Từ cơ sở này, một số nhà đầu tư lớn khác đã chủ động đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ của Nghệ An, riêng 2 nhà máy viên nén sinh khối của Công ty TNHH Biomas Fuel Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức cũng đã đi vào hoạt động, tín hiệu bước đầu rất tốt.

Song song với đó, lĩnh vực chế biến gỗ dăm cũng cho thấy tốc độ phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt là phục vụ nhu cầu xuất khẩu thông qua các dây chuyền sản xuất quy mô, sản lượng ước từ 700.000 đến 1 triệu tấn/năm. Tương tự là chế biến giấy và bột giấy, hiện Nhà máy giấy Sông Lam đáp ứng công suất 12.000 tấn/năm, Nhà máy giấy Thiên Phú công suất 3.000 tấn/năm, sản phẩm chủ yếu là giấy Kraft…

Nhà máy viên nén sinh khối của Tập đoàn Thiên Minh Đức đang hoạt động rất tốt. Ảnh: Võ Dũng.

Nhà máy viên nén sinh khối của Tập đoàn Thiên Minh Đức đang hoạt động rất tốt. Ảnh: Võ Dũng.

Mặc dù vậy, diện tích rừng trồng toàn tỉnh tăng nhanh nhưng năng suất, chất lượng lại thấp, trung bình chỉ đạt 15 - 25m³/ha/năm, sản lượng khai thác bình quân dao động từ 70 m3/ha - 180m3/ha, giá bán cây đứng chỉ xoay quanh 70 - 100 triệu đồng/ha.

Sản lượng khai thác gỗ toàn tỉnh hiện đạt khoảng 1,5 triệu m3/năm, cung cấp nguyên liệu sản xuất dăm gỗ, ván MDF, ván ghép thanh… Tuy nhiên, gỗ nhỏ làm nguyên liệu dăm gỗ chiếm hơn 70%.

Chưa sẵn sàng đón sóng đầu tư

UBND tỉnh Nghệ An hiện đã phê duyệt 12 quy hoạch dự án phát triển rừng trồng nguyên liệu gắn với công tác chế biến, tổng quy mô hơn 208.449 ha, áp dụng theo 2 hình thức quy hoạch sử dụng đất là: Thuê đất (70.294 ha) và liên doanh liên kết (138.155 ha).

Trong đó, diện tích chính thức đảm bảo hành lang pháp lý (có quyết định cho thuê đất) chỉ hơn 9.695 ha, đạt 13,8% quy hoạch. Theo kết quả điều tra, phần lớn các doanh nghiệp đều chưa có chính sách đầu tư trên diện tích liên doanh liên kết để phát triển rừng trồng nguyên liệu, rất đáng lo ngại.

Diện tích lớn, nhưng đa số rừng Nghệ An vẫn là rừng gỗ nhỏ, giá trị thấp. Ảnh: VK.

Diện tích lớn, nhưng đa số rừng Nghệ An vẫn là rừng gỗ nhỏ, giá trị thấp. Ảnh: VK.

Nghệ An dẫu sở hữu diện tích quy mô, nhưng nhược điểm là địa hình chia cắt, nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn, kết hợp với điều kiện kinh tế khá eo hẹp của phần đa chủ rừng nên hiệu quả không cao. Trên thực tế, việc trồng rừng thâm canh của tỉnh chỉ đạt 200 ha/năm, chiếm 1,1% diện tích trồng rừng hàng năm. 

Về tổng quan, Nghệ An đã có sự chủ động nhất định trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp trong những năm qua. Dù vậy, muốn tạo bước đột phá trong thời gian tới, cần có những kế sách mang tính định hướng để “làm mới môi trường đầu tư”, trước nhất là những giải pháp căn cơ nhằm xử lý tận gốc những dự án “treo”.

Một cái tên để lại nhiều tiếc nuối là Dự án nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu (CP XNK) Tân Hồng. Theo dự toán ban đầu, tổng vốn dự án khoảng 1.255 tỷ đồng, áp dụng dây chuyền công nghệ Trung Quốc với công suất khoảng 45.000 tấn/năm.

Mục tiêu là hình thành vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đầy đủ nguồn đầu vào, qua đó thu hút lao động địa phương cùng tham gia phát triển vùng nguyên liệu nhằm thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đầu tư của các doanh nghiệp vào Nghệ An vẫn còn rất nhiều sự 'bùng nhùng'. Ảnh: VD.

Đầu tư của các doanh nghiệp vào Nghệ An vẫn còn rất nhiều sự "bùng nhùng". Ảnh: VD.

Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy của dự án này tại 26 xã (127 tiểu khu), thuộc 2 huyện Tương Dương và Con Cuông. Tổng diện tích quy hoạch trên 21.737 ha, hiện trạng chủ yếu là đất trống. Nghệ An còn phê duyệt quy hoạch mở rộng thêm 25.381 ha vùng nguyên liệu, trải dài khắp 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ, nâng tổng diện tích liên doanh liên kết lên 47.118 ha.

Ngay khi hoàn tất các thủ tục, năm 2010, Công ty CP XNK Tân Hồng bắt tay đầu tư vốn, hỗ trợ cây giống và công nghệ để người dân tiến hành trồng mới trên một số điểm. Ngoài ra, đơn vị này cũng gấp rút xây dựng nhà máy tại địa bàn xã Chi Khê, huyện Con Cuông.

Diễn tiến tình hình đang xuôi chèo mát mái thì bất chợt đổ bể, đẩy dự án vào tình cảnh "chết lâm sàng". Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc người đại diện pháp luật là ông Trịnh Khánh Hồng, Chủ tịch HĐQT bị khởi tố vào năm 2012 do vướng vòng lao lý.

Trong nỗ lực hồi sinh lại nguồn tài nguyên quý, các cấp ngành tỉnh Nghệ An đang có những động thái để cơ cấu lại dự án nhà máy giấy “ngàn tỷ” này, dù vậy mọi thứ vẫn đang hết sức rối rắm.

Những dự án 'treo' như Nhà máy Sản xuất và Chế biến bột giấy Tân Hồng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Việt Khánh.

Những dự án "treo" như Nhà máy Sản xuất và Chế biến bột giấy Tân Hồng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Việt Khánh.

Đau đầu những "dự án ma"

Thực trạng đáng buồn về công tác thu hút đầu tư cũng đang đọa đày huyện miền núi Quế Phong hết năm này sang năm khác. Trên lý thuyết, các dự án trồng rừng “ngốn” của địa phương không dưới 6.000 ha, qua ghi nhận sơ bộ (đến tháng 6/2020 – PV) tất thảy đều để lại điều tiếng chẳng mấy hay ho.

Đơn cử như dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Sau khi điều chỉnh, diện tích thực tế được cho thuê là 1.324,07 ha, tuy nhiên doanh nghiệp này chỉ triển khai trồng keo trên quy mô 550 ha.

Việc đầu tư, chăm sóc rừng của công ty này cũng chẳng đến đầu đến đũa. Riêng 200 ha tại xã Nậm Giải không được bảo vệ thường xuyên nên bị trâu, bò phá hoại khá nhiều, đến nay mật độ còn lại khá thưa thớt. Trong khi đó, quy mô tại xã Quang Phong lớn hơn gấp bội nhưng có đến 73 ha trồng ngoài quy hoạch (thuộc vùng quy hoạch khoanh nuôi bảo vệ).

Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH Innov Green còn thê thảm hơn nhiều. Mặc dù UBND tỉnh đã cho thuê khoảng 978 ha tại xã Cắm Muộn, nhưng đơn vị này lại triển khai “lấy lệ”. Chi tiết hơn, năm 2010 công ty có tiến hành làm đường công vụ và trồng được 294,3 ha, dù vậy từ 2011 đến nay lại bỏ bẵng hoàn toàn.

Hiện tại huyện Quế Phong đang rất đau đầu bởi những dự án 'nửa vời'. Ảnh: Võ Dũng.

Hiện tại huyện Quế Phong đang rất đau đầu bởi những dự án "nửa vời". Ảnh: Võ Dũng.

Tương tự là dự án “ma” của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt, sau nhiều đợt kiểm tra, rà soát, tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh lại diện tích quy hoạch từ 3.642 ha xuống 1.178 ha. Đến lúc này, chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục thuê đất…

Chủ trương, đường hướng “nửa vời” của các doanh nghiệp kể trên đã trực tiếp kìm hãm tốc độ phát triển của huyện Quế Phong, đồng thời giảm thiểu hi vọng của các nhà đầu tư khác. Lấy Thiên Minh Đức làm ví dụ, Tập đoàn này đang có ý tưởng liên kết với người dân bản địa cùng tiến hành khoanh nuôi bảo vệ, trồng dược liệu dưới tán rừng trên quy mô 500 ha, dù vậy do thiếu hụt quỹ đất nên mới cơ bản đáp ứng được 300 ha.

Cũng bởi lý do này, thời gian qua, huyện Quế Phong buộc phải chối từ hàng loạt đối tác tiềm năng. Phó Chủ tịch UBND huyện này, ông Bùi Văn Hiền chia sẻ thẳng thắn: Quỹ đất của huyện cơ bản không còn nữa, một số dự án điểm chiếm nhiều đất nhưng không triển khai, hoặc chậm tiến độ đã dẫn đến những hệ lụy. Muốn đầu tư có hiệu quả ở khu vực miền núi, ngoài tiềm lực tài chính, nhất thiết phải có tâm huyết thực sự mới mong thành công, nếu theo hình thức ăn xổi, cốt "ôm đất" sẽ rất khó.

    Tags:
Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.