| Hotline: 0983.970.780

Trong 3 năm, Đắk Lắk tái canh hơn 10 nghìn ha cà phê

Thứ Tư 10/07/2024 , 18:38 (GMT+7)

Từ năm 2021 - 2023, Đắk Lắk thực hiện tái canh 10.755ha cà phê, bình quân mỗi năm đạt 3.585 ha, năng suất từ 4,2 - 7 tấn cà phê nhân/ha.

Ngày 10/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 24) về phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Nghị quyết số 24 đề ra 17 mục tiêu, trong đó 16 mục tiêu có thời gian thực hiện đến năm 2020 và một mục tiêu có thời gian thực hiện đến năm 2030. Đến nay có 10 mục tiêu thực hiện đạt và vượt; 6 mục tiêu chưa đạt Nghị quyết đề ra; một mục tiêu đến năm 2030 đang tiếp tục tổ chức thực hiện.

Người dân tại TP Buôn Ma Thuột mua giống cà phê về tái canh. Ảnh: Quang Yên.

Người dân tại TP Buôn Ma Thuột mua giống cà phê về tái canh. Ảnh: Quang Yên.

Triển khai Nghị quyết 24, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn cho người dân về sản xuất, kinh doanh cà phê bền vững góp phần nâng cao nhận thức cho người sản xuất cà phê và cả cơ sở thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn, do đó năng suất, chất lượng cà phê từng bước ổn định, bền vững.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Đắk Lắk thực hiện tái canh cà phê với diện tích 10.755ha, bình quân mỗi năm đạt 3.585ha, tăng hơn 2.000ha/năm so với mục tiêu của Nghị quyết; năng suất từ 4,2 - 7 tấn nhân/ha, chiếm khoảng 80% diện tích cà phê tái canh trên địa bàn tỉnh; có khoảng 90% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật; 100% các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật, cà phê đạt điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường đã được các cơ quan chức năng quan tâm chú trọng, giúp quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới; sản lượng cà phê xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 760,9 triệu USD, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 24 vẫn còn hạn chế như: Một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt; công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 24 có lúc chưa kịp thời; triển khai kế hoạch, đề án chưa đồng bộ; tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện Nghị quyết chưa sâu rộng.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Đắk Lắk thực hiện tái canh 10.755ha cà phê, bình quân mỗi năm đạt 3.585ha. Ảnh: Quang Yên.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Đắk Lắk thực hiện tái canh 10.755ha cà phê, bình quân mỗi năm đạt 3.585ha. Ảnh: Quang Yên.

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng xem xét, đánh giá nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; đồng thời đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, vận động nhân dân tuân thủ quy trình tái canh cà phê; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích cà phê không đảm bảo nguồn nước tưới, không phù hợp để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả, kinh tế cao hơn.

UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 24 cũng như các đề án, kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 và các văn bản của các bộ, ngành liên quan; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về tín dụng của trung ương trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo điều kiện cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư tái canh cà phê, đầu tư máy móc thiết bị chế biến nhằm nâng cao năng suất và giá trị cà phê trên địa bàn tỉnh…

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.