Lắp đặt thiết bị VMS là điều kiện bắt buộc đối với chủ tàu trước khi ra khơi. |
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung việc chấp hành quy định này của ngư dân đang rất hạn chế.
“Không có hỗ trợ cũng phải trang bị”
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến giữa tháng 12/2019, cả nước mới chỉ có 4.876/28.923 tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (chiếm 16,8%); riêng tỉnh Hà Tĩnh mới 10/141 chiếc từ 15 m trở lên tàu lắp đặt thiết bị này.
Theo một cán bộ thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, việc chậm trễ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (viết tắt là thiết bị VMS) không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý tàu cá của cơ quan chức năng mà còn ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc hải sản, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Vị cán bộ này phân tích, việc lắp thiết bị VMS là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc của chủ tàu, đã được quy định rõ trong Luật Thủy sản số 18/2017/QH15; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Nghị định 42/2019/NĐ-CP năm 2019.
Trước khi Nghị định 26 ra đời, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND, ngày 13/12/2018, về việc hỗ trợ máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, với mức hỗ trợ 70% kinh phí mua máy mới và không quá 30 triệu đồng/máy.
Tuy nhiên, so với thiết bị giám sát hành trình quy định tại khoản 1 điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 123 chưa thể tự động truyền thông tin về vị trí, thời gian, chưa được kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển.
“Vì vậy, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi điểm b, khoản 2 điều 6, Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND: “Hỗ trợ một lần 70% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá (máy mới) cho tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, tối đa không quá 20 triệu đồng/thiết bị. Thiết bị được hỗ trợ phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thủy sản và Nghị định 26/2019/NĐ-CP”, tờ trình của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu.
Việc địa phương ban hành chính sách kịp thời là rất cần thiết và đáng ghi nhận, góp phần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá. Tuy nhiên, nếu ngư dân chỉ trông chờ vào chính sách mà không thực thi quy định của pháp luật, chắc chắn Việt Nam sẽ rất khó để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thậm chí nếu bị rút “thẻ đỏ”.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có gần 2.900 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên; trong đó 127 chiếc từ 15 m đến dưới 24 m và 14 chiếc chiều dài từ 24 m trở lên. Tuy nhiên, hiện mới có 10/14 chiếc tàu chiều dài trên 24 m lắp thiết bị VMS; 4 tàu còn lại đang hoạt động trái phép. Với số tàu từ 15 m đến dưới 24 m, Hà Tĩnh đang nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân lắp đặt xong trước ngày 1/4/2020.
Trong những năm qua, lực lượng chức năng Hà Tĩnh chưa ghi nhận trường hợp nào tàu cá của địa phương vi phạm ngư trường khai thác vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng khai thác sai quy định ghi trong giấy phép, tàu dã cào vào đánh vùng lộng; sử dụng xung điện, thuốc nổ đánh bắt hay cập cảng không đầy đủ… đang diễn ra khá phổ biến.
Bất cập hiện nay ở Hà Tĩnh là cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ. Toàn tỉnh quy hoạch 4 cảng: Cửa Hội (huyện Nghi Xuân); Cửa Sót (Lộc Hà); Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh) thì hiện mới hoàn thành cảng Cửa Hội và Cửa Sót.
“Hạ tầng cảng biển thiếu nên không thể bắt ngư dân đem tàu từ Kỳ Anh đi gần 30 hải lý ra cảng Cửa Sót để neo đậu. Hơn nữa hệ thống bãi ngang trên địa bàn lớn nên hầu hết tàu thuyền không cập cảng mà đậu ở các bãi ngang, ảnh hưởng rất lớn đến công tác giám sát, quản lý của cơ quan chức năng”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh chia sẻ.
Phạt tiền đến 1 tỷ đồng
Một cán bộ thuộc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho rằng, việc thay đổi nhận thức của ngư dân là quan trọng nhất để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta cần cho ngư dân thời gian và phải áp dụng chế tài thật nặng để tăng tính răn đe. Luật đã có, các quy định, hướng dẫn đã có, cơ quan thực thi luật pháp đừng vì tình mà nhẹ tay. Làm như vậy không phải thương ngư dân mà chính là hại ngư dân.
Tăng cường xử lý vi phạm hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ góp phần giúp thủy sản Viện Nam sớm gỡ “thẻ vàng” của EC. |
“Tàu cá phải có thiết bị VMS trước khi ra khơi cũng giống như người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Nếu anh vi phạm cứ theo luật mà phạt. Đồng thời, cấm không cho ra khơi”, vị cán bộ kiến nghị xử phạt nặng để tăng tính răn đe, tạo thành thói quen cho ngư dân.
Hiện, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã được quy định chi tiết, cụ thể trong Nghị định 42/2019/NĐ-CP. Theo đó, tàu cá không trang bị thiết bị VMS trên tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 đến dưới 24 m theo quy định; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát VMS trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu có chiều dài từ 24 m trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng, sẽ bị phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng.
Tàu cá không trang bị thiết bị VMS trên tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m theo quy định, trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; không duy trì hoạt động thiết bị VMS trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần, bị phạt mức từ 500 - 700 triệu đồng.
Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên không trang bị thiết bị VMS sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.