Kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới
Kiên Giang là tỉnh có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia dài trên 56km, thuộc địa phận TP. Hà Tiên và huyện Giang Thành, với 2 cửa khẩu, nhiều đường mòn, lối mở thuận tiện qua lại giữa cư dân 2 bên biên giới nên nguy cơ nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm vào nội địa rất cao. Thời gian gần đây, tại tỉnh Prey Veng (Campuchia) đã phát hiện 1 ca tử vong trên người do nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 lây từ gia cầm sang.
Sau khi Bộ NN-PTNT có công điện khẩn (số 1030/CĐ-BNN-TY, ngày 26/2/2023) về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, tỉnh Kiên Giang đã kích hoạt hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt tuyến biên giới.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có đàn gia cầm ước khoảng 5,7 triệu con, trong đó đàn gà là hơn 3,6 triệu con, còn lại là vịt. Đến thời điểm này, tại khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng không ghi nhận thông tin, báo cáo về ca bệnh cúm gia cầm trên người và trên gia cầm.
Tuy nhiên, theo ông Xuyên, đa số gia cầm của tỉnh hiện là chăn nuôi nông hộ, phân tán, điều kiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học còn hạn chế, khó tiêm phòng đồng loạt. Hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm sống, không qua kiểm soát giết mổ tại các điểm chợ vẫn còn phổ biến. Một số huyện, xã chưa hình thành cơ sở giết mổ tập trung.
Điều này rất nguy hiểm bởi cúm gia cầm A/H5N1 là chủng có độc lực cao, có khả năng lây sang người và gây tử vong. Do đó nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh, lây lan cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng vi rút cúm nguy hiểm trên đàn gia cầm của tỉnh thời gian tới là rất cao, cần sớm triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả.
Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã họp với lực lượng thú y tỉnh để triển khai công tác phòng chống dịch và tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới đường bộ. Tại các Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển gia cầm bất hợp pháp trên tuyến biên giới, khi phát hiện thì buộc phải tiêu hủy lô hàng theo quy định.
Hiện, mỗi ngày có khoảng 400 lượt người xuất, nhập qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Ngay sau khi nắm được thông tin phía Campuchia đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đã chỉ đạo cho trạm, các tổ, chốt trên tuyến biên giới kiểm soát chặt chẽ biên giới, không để các mặt hàng gia súc, gia cầm nhập lậu vào địa bàn Kiên Giang.
Còn Thượng tá Nguyễn Đức Đình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành cho biết: “Hiện mỗi ngày có khoảng 200-250 người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Giang Thành. Đồn đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để người vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới, triển khai sát khuẩn người, phương tiện qua lại”.
Không chủ quan lơ là phòng chống dịch
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, mặc dù trên địa bàn chưa phát sinh ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, nhưng trên cơ sở nhận định nguy cơ lây lan, phát sinh dịch bệnh rất cao, ngành nông nghiệp khẩn trương triển khai ngay các biện pháp ứng phó, phòng chống dịch theo tình huống chưa có dịch.
Theo đó, biện pháp hữu hiệu nhất đó chính là đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm. Sở đã chỉ đạo cho Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh chủ bị đầy đủ vacxin, trang thiết bị, phối hợp với các địa phương tăng cường lực lượng nhân viên thú y cơ sở tổ chức tiêm phòng vacxin cúm gia cầm và tổ chức tiêm phòng bổ sung khi có gia cầm mới phát sinh nhằm sớm bao phủ vacxin.
Tuyên truyền, phổ biến cho người chăn nuôi hiểu, nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm đối với sức khỏe con người, để người dân biết, phối hợp thực hiện phòng, chống dịch.
Từ đó, chủ động phối hợp với cán bộ thú y cơ sở trong việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại để phòng bệnh cho đàn gia cầm hiệu quả, kịp thời khai báo khi phát hiện gia cầm chết bất thường, tuyệt đối không giấu dịch, mua bán vận chuyển gia cầm nhập lậu.
Tại tỉnh Hậu Giang, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và phòng chống cúm gia cầm lây sang người đang được ngành chức năng triển khai khẩn trương. Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết, mặc dù tỉnh nằm trong vùng lõi, không có tuyến biên giới với các nước bạn, nhưng không được lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, vận chuyển trái phép gia cầm.
Theo đó, các địa phương giáp ranh với tỉnh bạn, như TP. Vị Thanh (giáp ranh Kiên Giang), TP. Ngã Bảy (giáp ranh Sóc Trăng), huyện Châu Thành, Châu Thành A (giáp ranh TP. Cần Thơ)… tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển gia súc, gia cầm qua lại trên địa bàn.
Riêng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang thường xuyên duy trì Trạm kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm xuất nhập tỉnh tại Cái Tắc, nơi cửa ngõ chính vào tỉnh.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Đăng Ngọc Giao chỉ đạo, lực lượng thú y tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, để phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch khi mới phát sinh. Kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang (CDC Hậu Giang) để phối hợp triển khai các biện pháp phòng lây truyền vi rút cúm A/H5N1 sang người.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, chế biến sản phẩm gia cầm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Chốt chặn tại các cửa khẩu
Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cho biết: “Tất cả người nhập cảnh quả của khẩu đều phải đi qua máy cảm biến nhiệt, đặc biệt đối với những người ở các địa phương có dịch cúm gia cầm cần được kiểm soát chặt chẽ. Nếu phát hiện các trường hợp nóng sốt sẽ không được làm thủ tục nhập cảnh. Tất cả các loại hàng hóa là gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm khi qua cửa khẩu đều phải có giấy kiểm dịch của lực lượng đối diện”.