| Hotline: 0983.970.780

Giám sát dịch bệnh cúm gia cầm đến tận thôn, bản

Thứ Ba 07/03/2023 , 09:06 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm.

z4160261989245_c69704eda56112f0c02f96bd96bdedd9

Người dân huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa chủ động tiêm vacxin phòng dịch bệnh gà theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Ảnh: Quốc Toản.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm đứng đầu cả nước với khoảng 24 triệu con. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 1.956 trang trại chăn nuôi gia cầm cùng hàng trăm cơ sở giết mổ nên nguy cơ virus cúm gia cầm độc lực cao xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh rất lớn.

Nhằm chủ động ngăn chặn dịch nguy cơ bệnh nguy hiểm trên gia cầm, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn Thanh Hóa.

Trong công điện, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm. 

Theo đó, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Tổ chức lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,…

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện biên giới giáp với nước bạn Lào, các huyện, thị xã, thành phố ven biển…

Tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên gia cầm. Thông báo kịp thời cho ngành NN-PTNT, y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm để phối hợp phòng, chống dịch hiệu quả.

Chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Khẩn trương tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vacxin cúm gia cầm đợt 1 năm 2023 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tăng cường kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Điều tra, ngăn chặn và thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; các đối tượng thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh…

z4160243127257_df62d551941f63cdb2832b64025d5ddc

Các trang trại gà tại Thanh Hóa đang phải đối diện với áp lực phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Ngọc Thắng, Giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, TP. Thanh  Hóa cho biết, để phòng tránh dịch cúm gia cầm xâm nhiễm, Ban quản lý chợ đã mở sổ theo dõi, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ gia cầm. Thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực quầy hàng và điểm tập kết gia cầm.

Ban quản lý chợ cũng thường xuyên tuyên truyền cho các hộ tiểu thương về tác hại của dịch đối với đời sống sức khỏe người dân, từ đó, khuyến cáo, ngăn chặn gia cầm không rõ nguồn gốc, hoặc đưa từ vùng dịch vào chợ tiêu thụ. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh phải ký cam kết và chịu trách nhiệm đối với gia cầm được tiêu thụ trong chợ.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thanh Hóa, cúm gia cầm là loại bệnh rất nguy hiểm bởi nó có thể lây sang người và gây tử vong. Do đó, để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2023, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nâng cao ý thức về biện pháp phòng chống cho người chăn nuôi. 

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, tăng cường công tác kiểm dịch đối với con giống và gia cầm thương phẩm lưu thông qua các địa bàn hoặc vận chuyển vào tỉnh, đẩy mạnh công tác kiểm tra, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để kịp thời xử lý nếu có ổ dịch phát sinh.

"Hiện tại, tất cả các huyện trong tỉnh đã và đang thực hiện tổ chức tiêm phòng đợt 1 trên gia cầm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh để phòng, chống và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh”, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú ý Thanh Hóa cho biết.

Cũng theo khuyến cáo của của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thanh Hóa, nếu người dân phát hiện gia cầm chết bất thường, cần thông báo ngay cho cơ quan thú y hoặc các cán bộ liên quan, để thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, ngăn chặn sự lây lan dịch.

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài 1] Lợn đen không đủ để bán

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đen, giống heo bản địa còn được gọi là heo đồng bào được tiêu thụ rất mạnh.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).