Nguy cơ lây lan xâm nhiễm DTLCP vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rất cao, đáng lo ngại do các tuyến đường bộ, đường thủy kết nối đan xen, chằng chịt qua lại giữa các địa phương. Việc mua bán vận chuyển thịt heo, thực phẩm và sản phẩm chế biến phức tạp, rất khó cho các lực lượng cán bộ, nhân viên thú y kiểm soát phòng dịch.
Theo các cơ quan thú y tại các địa phương ở ĐBSCL, hiện nay công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Nhất là có nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ ở vùng nông thôn cho đến các khu dân cư tập trung và đô thị. Do đó từ khi Hậu Giang phát hiện có DTLCP lập tức các tỉnh lân cận giáp ranh báo động tăng cường công tác phòng chống dịch rất cao.
Phần nhiều chăn nuôi heo ở ĐBSCL còn quy mô nông hộ, nhỏ, phân tán |
Tại TP Cần Thơ, Chi Cục Thú y và Chăn nuôi cho biết: Đến tháng 5/2019, thành phố có đàn heo hơn 124.300 con, đạt 91,4%, tăng 0,9% so cùng kỳ.
Tuy nhiên nguồn heo tại chỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố chỉ khoảng 85%. Còn 15% nguồn heo phải nhập thêm từ các tỉnh thành khác như Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Mặt khác, cơ cấu đàn chăn nuôi đa số là các nuôi dạng nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp. Hiện nay trong số hơn 5.200 hộ chăn nuôi heo, có trên 2.700 hộ nuôi heo dưới 10 con, chiếm trên 54% tổng hộ nuôi heo; trên 1.260 hộ chăn nuôi heo dưới 20 con/hộ, chiếm trên 76% hộ nuôi heo. Bên cạnh đó, với 10 trang trại nuôi heo với tổng đàn trên 4.380 con và còn mang tính tự phát, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.
Cán bộ thú y kiểm tra điều kiện phòng dịch tại cơ sở chăn nuôi heo |
Trong khi đó tình hình giá heo hơi giữa miền Bắc, Trung và Nam chênh lệch khá lớn. Lượng heo thịt nhập từ miền Trung vào địa bàn TP Cần Thơ tăng cao. Từ TP Cần Thơ là đầu mối phân phối sản phẩmđộng vật cho các tỉnh ĐBSCL. Song, trên thực tế thành phố chỉ có 2 trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông cửa ngõ ra vào thành phố. Công tác kiểm dịch vận chuyển tại các trạm kiểm dịch gặp khó khi phương tiện vận chuyển quá cảnh thường xuyên trốn tránh, khó kiểm soát tình hình dịch bệnh lây lan từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Kiểm dịch động vật tại trạm cửa ngõ vào TP Cần Thơ |
Về phía lực lượng cán bộ thú y chuyên trách tại các địa phương khá mỏng, mỗi xã chỉ có 1 cán bộ thú y phụ trách, kiêm nhiệm là do tinh giản biên chế hệ thống thú y các cấp, dẫn đến không đủ người trong việc thực hiện việc kiểm dịch động vật cũng như các hoạt động thú y khác (trong phòng chống dịch bệnh động vật).
Thêm nữa, về chế độ thù lao cho người thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh còn rất thấp so chi phí thực tế nên dẫn tới tình trạng ngại hoặc tham gia chưa tích cực trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.