Lạm dụng thuốc BVTV dẫn đến phá vỡ cân bằng sinh thái
Việt Nam đang là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, với diện tích thu hoạch năm 2015 là hơn 7,8 triệu ha, sản lượng 45,2 triệu tấn thóc, xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.852 triệu USD, chiếm trên 17% thị phần gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều năm qua Việt Nam tập trung vào số lượng nên hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống của bà con nông dân trồng lúa còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV và áp dụng những biện pháp quản lý dịch hại trên cây trồng hiệu quả và an toàn với môi trường, trong đó tiêu biểu là IPM.
IPM được áp dụng vào Việt Nam năm 1992, song nó đã được áp dụng đại trà đầu tiên ở Indonesia từ năm 1986 để trừ rầy nâu nặng. Các nhà khoa học đã hướng dẫn nông dân vùng này sử dụng giống kháng rầy, tác động các biện pháp kỹ thuật cho cây trồng sinh trưởng khoẻ và không phun thuốc trừ rầy. Kết quả dịch rầy nâu lắng xuống trong 2 vụ liên tục, bằng cách này các nhà khoa học đã dập tắt dịch rầy nâu ở Indonesia. Từ đó một biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu hình thành và IPM ra đời.
Với 4 nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia, IPM trên cây trồng do Bộ NN-PTNT triển khai đã tại khu vực ĐBSCL đã góp phần tích cực trong việc giúp nông dân trồng lúa bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng gạo Việt Nam.
Với hình thức chuyển giao từ gần gũi nhất là cầm tay chỉ việc đến xây dựng giáo trình như lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài giảng, hướng dẫn cụ thể ngay trên vườn… đã giúp bà con nắm bắt hiệu quả nội dung bài học.
Bên cạnh đó, các lớp học còn thực hiện những thí nghiệm đơn giản, dễ làm để người nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó người dân đã thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc, phân bón đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.
Bộ NN-PTNT Việt Nam với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã sử dụng 3,04 triệu USD tương đương 62,907 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của WB để thực hiện Chương trình IPM trên cây lúa tại 7 tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Mục tiêu chương trình nhằm giảm bớt 50% lượng thuốc trừ BVTV và giảm 10% lượng phân bón sử dụng trên đồng ruộng vào năm 2016 gắn với xây dựng hệ canh tác bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường. |
Theo quy định thì kết thúc khóa đào tạo, bà con nông dân cùng tham gia làm các bản tổng kết, báo cáo sinh động, phân tích trực quan tại đồng ruộng và từ đó làm thay đổi nhận thức, giúp cho người nông dân thấy được những nhược điểm trong suy nghĩ và tập quán canh tác cũ. Từ đó, họ tự nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm theo phương pháp mới được tiếp cận.
Theo ông Lu Văn Cường Em, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Tân Thuận (Đồng Tháp), lớp này rất bổ ích cho cán bộ, để cán bộ nắm vững lại lý thuyết cơ bản về dịch hại trên đồng ruộng nhất là thời điểm hiện nay. Cán bộ truyền tải cho bà con để bà con hạn chế thuốc trừ sâu và hạ chi phí, có lợi nhuận cao hơn.
Về căn bản, chương trình IPM là phương pháp đào tạo theo hướng mở, giúp nông dân từ chỗ thụ động làm theo cán bộ kỹ thuật trở thành chủ động thực hiện và lôi cuốn người khác cùng làm. Đây là mục tiêu mà IPM hướng đến, nhằm giúp người nông dân trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình.
Qua thực tế triển khai trên đồng ruộng, IPM đã giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất do giảm lượng thuốc BVTV, lượng phân hóa học, lượng giống gieo sạ đối với cây lúa. Để đạt được hiệu quả cao thì bà con nên áp dụng ngay từ đầu vụ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Đồng Tháp khuyến cáo: “Chúng tôi muốn thông tin với bà con rằng, muốn quản lý tốt dịch hại trên đồng ruộng thì chúng ta cần lưu ý áp dụng tổng hợp các biện pháp một cách hợp lý ngay từ đầu vụ; Phải chuẩn bị ngay từ khâu vệ sinh đồng ruộng, trang bằng mặt ruộng rồi chuẩn bị giống tốt, quản lý nước, dinh dưỡng hợp lý; Tạo điều kiện thiên địch phát triển bằng cách không phun thuốc trừ sâu sớm, ngay đầu vụ trồng thêm các loài hoa trên bờ ruộng… Điều đó làm sâu hại trên đồng ruộng giảm, bà con giảm được lượng thuốc BVTV...”.
Có thể nói, chương trình IPM được tổ chức tập huấn và ứng dụng trong sản xuất thời gian qua đã có nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế. Cụ thể, cứ bình quân 1ha lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư 3 - 4 triệu đồng. Ngoài ra còn góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa để từng bước đưa sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng an toàn, bền vững.
+ Ông Nguyễn Đức Long, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Hòn Đất, Kiên Giang: Trong chương trình các học viên được học các chuyên đề thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến thiên địch, 3 giảm 3 tăng, tưới ướt khô xen kẽ, phân tích cây lúa… Ngoài ra, học viên được làm các thí nghiệm trực tiếp trên đồng ruộng để nắm bắt các kết quả thực tế. Từ đó học viện học xong có khả năng xuống chuyển giao cho nông dân hiệu quả hơn" + Ông Vương Trung Nguyên, Trưởng trạm Khuyến nông Vĩnh Thuận, Kiên Giang: "Thông qua các chương trình tập huấn, về cơ bản chúng tôi được trang bị cũng như củng cố kiến thức đã được học. Trong quá trình vận dụng chúng tôi sẽ chuyển tải cho nông dân thông qua buổi tập huấn, hội thảo, sinh hoạt đầu bờ… nhằm giúp bà con có thêm kiến thức để vận dụng vào sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Cơ bản qua lớp học có nhiều kinh nghiệm không thể cân đo, góp phần cho chúng tôi có thêm bản lĩnh cũng như kiến thức giúp bà con có thêm kinh nghiệm trong sản xuất quý báu". |