| Hotline: 0983.970.780

Dè chừng vụ tôm mới

Thứ Năm 13/03/2014 , 10:39 (GMT+7)

Từ đầu tháng 2 đến nay, người nuôi tôm ở Bình Định bắt đầu thả giống vụ tôm mới. Tuy nhiên, những thiệt hại của vụ trước vẫn còn “dư âm”, cộng với thời tiết khá bất thuận, giá tôm giống, thức ăn thủy sản tăng cao nên người nuôi rất dè chừng.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Bình Định cho biết, năm nay Bình Định sẽ thả nuôi gần 2.200 ha tôm. Trong đó có 700 ha nuôi chuyên tôm thẻ chân trắng (TTCT) chủ yếu tập trung tại huyện Phù Mỹ; số còn lại nuôi tôm sú xen với cua, cá dìa, cá chua, cá rô phi…

Theo lịch thời vụ do Sở NN-PTNT Bình Định ban hành, ngày 1/2 các vùng nuôi tôm trên cát chủ yếu tại huyện Phù Mỹ bắt đầu thả giống; ngày 15/2 đến lượt vùng nuôi tôm tại phía Nam huyện Hoài Nhơn là các xã Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương và xã Phước Thắng thuộc huyện Tuy Phước thả giống; đến ngày 1/3 là toàn bộ diện tích còn lại cũng sẽ vào vụ.

Năm nay, bước vào đầu vụ thời tiết bỗng trở lạnh khiến những diện tích nuôi TTCT gặp bất thuận khi thả giống, từ giữa tháng 2 đến nay đã ấm dần tạo thuận lợi cho những diện tích thả giống sau. “Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả giống được 740 ha, so cùng kỳ năm ngoái tăng khá cao nhưng mới chỉ chiếm 34% tổng diện tích thả nuôi theo kế hoạch, trong đó địa phương đã thả giống nhiều nhất là các huyện Phù Mỹ (53%) và Tuy Phước (46%)”, ông Tâm cho hay.

“Trước khi bước vào vụ, chúng tôi đã tổ chức đi kiểm tra các cơ sở cung ứng thức ăn nuôi tôm, nhất là 19 cơ sở SX và cung ứng tôm giống các loại nhằm làm giảm rủi ro cho người nuôi”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Bình Định.

Theo quan sát của chúng tôi, dù đã vượt quá lịch thời vụ khá xa nhưng nhiều vùng nuôi đang vào vụ không được mặn mà cho lắm. Hỏi ra thì biết, những “cú thua” trong năm trước giờ chưa “gỡ” được nợ, năm nay giá tôm giống và thức ăn lại tăng cao nên nhiều hộ nuôi thiếu vốn SX.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ hồ tôm có diện tích 1 ha ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (Tuy Phước) cho biết: “Bước vào vụ này tui “đuối tiền” đầu tư cải tạo ao hồ và mua tôm giống chất lượng cao. Với diện tích 1 ha, lẽ ra tui phải đầu tư hơn 60 triệu đồng để cải tạo hồ, sửa chữa bờ, mua tôm giống, nhưng đến giờ vẫn chưa biết xoay vốn từ đâu. Các năm trước, nhiều đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở địa phương sẵn sàng ứng trước cho người nuôi, năm nay họ cũng lâm cảnh khó vốn nên cứ phải có tiền mặt mới bán. Do vậy, nhiều hộ nuôi phải cắt giảm chi phí đầu tư cải tạo hồ”.

Ông Nguyễn Đình Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết: “Phước Sơn có 274 ha nuôi tôm. Năm nay ngoài thiếu vốn SX, vấn đề dịch bệnh tôm nuôi thường xuyên tái diễn cũng làm cho bà con rất lo lắng. Năm ngoái hầu như các hộ thả giống sớm đều bị thiệt hại do thời tiết lạnh, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy chết hàng loạt. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm mới này, nhiều hộ còn chần chừ không thả giống khi thời tiết trở lạnh”.

Ông Võ Đình Tâm cho hay: “Năm ngoái chúng tôi tuyên truyền mạnh nên có khoảng 70% số hộ tuân thủ lịch thời vụ, nuôi mật độ giảm, lúc có dịch bệnh tuân thủ nghiêm cẩn khuyến cáo của ngành chức năng nên diện tích bị dịch bệnh được khống chế dưới 10%”.

Tuy nhiên, ông Tâm vẫn lo ngại cho những diện tích nuôi của những hộ cứ theo thói quen thả giống “vượt rào” lịch thời vụ để tranh thủ nuôi được nhiều vụ nhằm gỡ vốn những vụ thua trước đó; đặc biệt là trong môi trường nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm, trong khi cơ sở hạ tầng các vùng nuôi rất “bệ rạc” mà các hộ nuôi cải tạo ao hồ sơ sài thì rủi ro tiềm ẩn là rất cao”.

Ông Tâm bộc bạch thêm: “Dù đã chọn con giống chất lượng cao nhưng cơ sở hạ tầng vùng nuôi không an toàn sinh học thì tôm rất dễ phát dịch bệnh. Muốn cải thiện cơ sở hạ tầng để đạt chỉ số an toàn sinh học trước mắt cần phải quy hoạch lại vùng nuôi. Chứ cái kiểu nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy nuôi như thế này thì rủi ro trăm bề”.

Trước bối cảnh này, để hạn chế rủi ro cho nghề nuôi tôm, ngành chức năng Bình Định đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chi cục NTTS tăng cường phối hợp với Chi cục Thú y, chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật như: Trong từng tiểu vùng nuôi có chung nguồn nước cấp, xả, người nuôi cần tổ chức cải tạo đồng loạt, thu gom chất thải đưa ra ngoài vùng nuôi, không được xả thải ra môi trường chung và cùng thả tôm giống trong khoảng thời gian 1 tuần, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh. Những vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, nên thả nuôi theo phương pháp quảng canh, nuôi xen, ghép tôm với các đối tượng thủy sản khác.

“Nguồn tôm giống trước khi thả nuôi phải đảm bảo chất lượng và qua kiểm dịch. Giống tôm sú thả nuôi theo phương thức nuôi tổng hợp phải ương khoảng 20 ngày trong ao đất để tôm đạt kích cỡ 3 - 4 cm trước khi thả”, ông Tâm nói.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.