| Hotline: 0983.970.780

Để lực lượng kiểm lâm không còn lầm lũi giữa rừng

Thứ Ba 12/07/2022 , 08:59 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cần có chính sách mới về nguồn nhân lực, ứng dụng KHCN... sẽ giúp công tác quản lý và bảo vệ rừng thuận lợi hơn.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, cơ chế, chính sách, dư luận xã hội... Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cán bộ kiểm lâm đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc, cơ chế, chính sách, dư luận xã hội... Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, trong những năm qua lực lượng kiểm lâm giảm về mặt số lượng, nhất là trong 3 năm gần đây tình trạng xin chuyển công tác khỏi lực lượng kiểm lâm, nghỉ hưu sớm, nghỉ việc của cán bộ trẻ xảy ra ngày càng nhiều, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, trong khi việc đào tạo, tuyển dụng lực lượng trẻ kế cận cũng gặp muôn vàn khó khăn. Đây là thực tế đáng buồn của ngành lâm nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Vấn đề “khan” nguồn nhân lực khó khăn về cơ chế chỉ là một phần, điều cốt lõi là muốn làm tốt công tác lâm nghiệp thì phải có hiểu biết, trình độ chuyên môn về lâm nghiệp, được đào tạo bài bản ở bậc đại học, trong khi lực lượng này tuyển sinh đầu vào lại rất ít người trẻ quan tâm. Đơn cử như Đắk lắk, hiện tại đang thiếu 100 cán bộ kiểm lâm nhưng không tìm được người để tuyển dụng.

Một số tỉnh đã có phương án thử nghiệm mở rộng biên, giảm tiêu chí để tuyển dụng thêm những người học chuyên ngành luật, môi trường nhưng khi vào công tác trong lĩnh vực lâm nghiệp đều phải đào tạo lại, trong khi chưa có cơ chế cho công tác đào tạo lại này.

Theo thống kê, đa số cán bộ xin nghỉ là do điều kiện làm việc ở vùng sâu, vùng xa, ngày càng khó khăn, chịu áp lực từ nhiều mặt (cơ chế, chính sách, dư luận xã hội, trách nhiệm công việc chuyên môn...). Nhiều đối tượng khai thác, vận chuyển, xâm hại, săn bắt trái phép sẵn sàng chống trả quyết liệt, an toàn về tính mạng luôn trong trạng thái bị đe dọa… Những điều này tác động không nhỏ đến tâm lý làm việc của lực lượng kiểm lâm.

Một khó khăn nữa mà cán bộ kiểm lâm luôn phải đối diện là áp lực xã hội luôn đè nặng, rất nhiều người, thậm chí cả cơ quan thông tấn, báo chí hiểu không đúng, đôi lúc xấu xí về kiểm lâm. Cứ một cây gỗ đổ xuống, một con thú ngoài đường là dư luận lại cho rằng lực lượng kiểm lâm chống lưng, bắt tay với những kẻ phi pháp.

Có ý kiến thì cho rằng, ở đâu có quán thịt thú rừng ngon là kiểm lâm biết, nhưng họ không biết rằng đấy là một phần trong trách nhiệm với công việc. Lực lượng kiểm lâm phải nắm bắt xem nhà hàng đó, cơ sở kinh doanh đó có chính xác là buôn bán thú rừng trái phép hay không. Nhiều địa điểm nắm được thông tin rồi nhưng chưa đủ điều kiện, chứng cứ để tiến hành bắt giữ, xử lý bằng pháp luật thì dư luận lại lên tiếng có sự bắt tay, thỏa thuận.

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, tiêu cực xuất hiện ở một số cá nhân là có, nhưng rất ít. Do đó, không thể đánh giá tất cả cán bộ công tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, kiểm lâm đều như vậy, đây có thể xem là “một con sâu làm rầu nồi canh”. Còn rất nhiều cán bộ kiểm lâm đang công tác, hi sinh thầm lặng để hoàn thành nhiệm vụ, họ vẫn phải ở trong những lán trại tạm bợ giữa rừng, ăn cơm đùm, cơm nắm, muối vừng, cá khô để làm việc.

Rất nhiều cán bộ kiểm lâm vẫn đang công tác, hi sinh thầm lặng để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nếu những khó khăn không sớm được tháo gỡ thì sớm muộn họ cũng sẽ cảm thấy nản. Ảnh: KS.

Rất nhiều cán bộ kiểm lâm vẫn đang công tác, hi sinh thầm lặng để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nếu những khó khăn không sớm được tháo gỡ thì sớm muộn họ cũng sẽ cảm thấy nản. Ảnh: KS.

Có lần tôi vào công tác tại Tây Nguyên, thăm 14 trạm kiểm lâm thì có tới 7 trạm kiểm lâm không điện, không nước sạch, sóng điện thoại, tivi, đài, báo, nhưng anh em vẫn đang say sưa làm việc, cống hiến với tất cả tình yêu nghề.

Gần đây nhất, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã trực tiếp đến tận nơi kiểm tra, thăm hỏi, chia sẻ, động viên công việc, đời sống của lực lượng  kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm vùng IV tại Tây Nguyên. Anh em kiểm lâm xúc động mà nói rằng “rất hiếm khi được lãnh đạo Bộ đến tận nơi để chia sẻ, nghe anh em kiểm lâm giải bày tâm tư, nguyện vọng như vậy. Anh em chỉ cần như thế là đã thấy ấm lòng, tinh thần cống hiến, muốn làm việc lại được dâng cao. Bởi lẽ, tất cả mọi người đều thấy rằng việc mình đang làm luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, còn rất nhiều người luôn đứng sau ủng hộ, động viên, họ không chỉ có một mình đơn độc.

“Nghĩ cũng buồn, ngành nghề khác thì người người xin vào, ngành của mình giữ chân cán bộ đã khó rồi. Bây giờ, phải làm thế nào để những cán bộ trẻ hiểu rằng, cơm, áo, gạo, tiền, ai cũng cần nhưng những giá trị đóng góp của nghề cho xã hội, nhân loại còn cao hơn tất cả. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách để từng bước tháo gỡ những khó khăn. Ngoài ra, cần có sự chung tay, quan tâm của toàn xã hội, để giúp anh em an tâm công tác, cống hiến”, ông Nguyễn Hữu Thiện bộc bạch.

Làm lại công tác tuyển sinh

Việc nhiều cán bộ xin nghỉ ai cũng thấy, trong khi công tác tuyển sinh đầu vào lại gặp khó, lớp trẻ hiện nay có rất nhiều ngành học để lựa chọn, nếu họ thực sự không xuất phát từ đam mê với nghề thì với cơ chế tuyển sinh như hiện nay sẽ khó để thu hút lực lượng trẻ tham gia.

Theo tôi, để ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển, ngoài hoạt động về chế biến, quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học thì cần có chính sách mới về nguồn nhân lực bằng việc đào tạo các sinh viên tiềm năng.

Những bữa cơm đạm bạc giữa rừng. Ảnh: TL.

Những bữa cơm đạm bạc giữa rừng. Ảnh: TL.

Chúng ta có thể nghiên cứu đến việc toàn bộ sinh viên theo học ngành kiểm lâm được bao cấp học phí, ăn ở (hiện nay cơ sở vật chất ở hầu hết các trường đáp ứng được việc này), khi tốt nghiệp sẽ được phân công công tác. Tuy nhiên, để có được những quyền lợi này, bản thân sinh viên phải đạt được những yêu cầu nhất định và những điều kiện kèm theo trong những năm đầu làm việc.

“Khi có chính sách mới, môi trường mới thì sẽ thu hút và đào tạo được những con người mới. Hiện nay, mỗi năm cả nước đào tạo được vài chục sinh viên trong khi nhu cầu lên tới vài trăm cán bộ. Đầu vào của ngành đang không có, bây giờ muốn có thì phải có sự thay đổi, dẫu biết còn nhiều khó khăn nhưng từng bước tháo gỡ thì tình hình sẽ được cải thiện”, ông Thiện bộc bạch.

Quản lý, bảo vệ rừng phải gắn với đời sống người dân xung quanh

Về chính sách, Tổng cục Lâm nghiệp đang trình Bộ NN-PTNT, Chính phủ, nghị định về chính sách lâm nghiệp, trong đó có công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điểm cơ bản của nghị định là chỉ rõ rừng phải có chủ; các chủ rừng nhà nước được cung cấp trang thiết bị, phương tiện, lương trả cho cán bộ như thế nào… Chúng ta phải hiểu rằng, vấn đề không phải là không có chính sách, quan trọng nhất là nguồn lực để thực hiện vẫn còn hạn chế.  

Việc kết hợp quản lý, bảo vệ rừng với hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ rừng nhà nước rất khó để thực hiện. Bởi lẽ, đã là rừng đặc dụng, phòng hộ thì hoạt động sản xuất kinh doanh gần như bằng 0.

Đối với rừng đặc dụng, có nhiều hoạt động nhưvdu lịch, các hoạt động liên quan tới phát triển lâm sản ngoài gỗ mới manh nha phát triển… tuy nhiên phải xác định rõ triển khai thực hiện ở đâu vì rừng đặc dụng chia làm 3 phân khu: Bảo vệ nghiêm ngặt; phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ hành chính.

Về bản chất, rừng đặc dụng phải đảm bảo diễn thế hoàn toàn tự nhiên, mỗi cá thể trong rừng là một thành tố tạo thành chuỗi hành trình của đa dạng sinh học. Do đó, việc nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt so với việc bảo vệ đa dạng sinh học lâu dài cần được nhìn nhận và tính toán kỹ lưỡng.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, để ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển cần có chính sách mới về nguồn nhân lực bằng việc đào tạo các sinh viên tiềm năng. Ảnh: TL.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, để ngành lâm nghiệp tiếp tục phát triển cần có chính sách mới về nguồn nhân lực bằng việc đào tạo các sinh viên tiềm năng. Ảnh: TL.

Đối với rừng phòng hộ, đã có quy định cho phép sản xuất theo tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, tuy nhiên cũng không hề dễ dàng để phát triển vì những vị trí thuận lợi hầu như đã chuyển thành hệ thống sản xuất. Những vị trí quan trọng vẫn phải giữ, giữ vì trách nhiệm với quốc gia, hệ thống lâm nghiệp toàn thế giới chứ không chỉ mình Việt Nam.

“Để giữ được rừng, đảm bảo phát triển theo đúng nguyên lý của tự nhiên là cả một vấn đề, đòi hỏi phải có sự tập trung nguồn lực của cả hệ thống chứ chỉ một bộ phận nhỏ tham gia thì khó triển khai. Phải tạo được môi trường cho người dân xung quanh cùng tham gia phát triển sản xuất, khi đó chính họ sẽ tự giác nâng cao tinh thần, trách nhiệm, cùng tham gia bảo vệ rừng, điều này sẽ phù hợp hơn so với việc tách bạch như hiện nay”, ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.