| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị Thanh Hóa chấn chỉnh yếu kém trong thực hiện chống khai thác IUU

Chủ Nhật 10/03/2024 , 08:43 (GMT+7)

Nếu tàu không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, khai thác dẫn đến vi phạm khai thác IUU thì trách nhiệm thuộc về lực lượng chức năng của tỉnh, trước hết là Biên phòng.

Nhiều tàu cá mất kết nối

Theo Bộ NN-PTNT, sau hơn 6 năm, qua 5 lần kiểm tra của Đoàn công tác chống khai thác IUU, kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định tại nhiều địa phương chuyển biến rất chậm. Các tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục; thực hiện chưa nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU.

Cụ thể, tại Thanh Hóa, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Còn 57 tàu cá “3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm và chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản), thực tế còn nhiều hơn số báo cáo; có 238 tàu chưa cấp hoặc hết hạn giấy phép). Đăng kiểm tàu cá theo quy định mới đạt hơn 72%.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%, tuy nhiên số lượng tàu cá mất kết nối lớn, diễn ra thường xuyên. Theo đó, số tàu cá mất kết nối trên 6 tháng là 377 chiếc, trong đó có 13  tàu cá mất kết nối từ năm 2020, năm 2021 là 117 chiếc. Từ đầu năm 2023 đến nay có 362 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày trên biển, vi phạm nhiều lần như tàu TH-93786-TS (3 lần), tàu TH-92666-TS (4 lần), tàu TH-9333-TS.

Tàu cá neo đậu tại bờ biển huyện Hậu Lộc. Ảnh: Quốc Toản.

Tàu cá neo đậu tại bờ biển huyện Hậu Lộc. Ảnh: Quốc Toản.

Ngoài ra, địa phương thực hiện chưa đảm bảo quy định về kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng mới chỉ đạo 20% hoạt động tàu cá của tỉnh. Sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh được theo dõi, giám sát rất thấp.

Công tác thực thi pháp luật, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU còn hạn chế so với vụ việc vi phạm. Theo đó, số vụ vi phạm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình mới xác minh, xử lý được 49%, trong đó có 21 lượt tàu chỉ tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt được 10 trường hợp vi phạm. Vi phạm về nhật ký khai thác, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác sai vùng biển diễn ra khá thường xuyên nhưng kết quả xử phạt rất ít.

Kết quả kiểm tra của đoàn công tác cũng cho thấy, việc ghi chép nhật ký khai thác chưa đảm bảo thời gian, vị trí khai thác. Kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng có sự kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu giám sát hành trình còn hạn chế. Đặc biệt là đối với hoạt động chuyển tải trên biển chưa đáp ứng quy định về nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải và thời gian, vị trí thu mua, chuyển tải trên biển. Kết quả xác minh, xử lý vi phạm khai thác IUU của tàu cá tại cảng còn rất hạn chế...

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương trọng điểm tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC. Vì vậy, để không ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của cả nước, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay.

“Thực hiện nghiêm túc, có kết quả các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Thủ tướng về việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Kịp thời động viên, khen thưởng các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU”, văn bản của Bộ NN-PTNT gửi tỉnh Thanh Hóa nêu rõ.

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương, chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục để xảy ra các tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra trách nhiệm chống khai thác IUU tại cảng cá; các đơn vị có trách nhiệm. Lập danh sách theo dõi chặt chẽ nhóm tàu cá “3 không”, tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Thanh Hóa. Ảnh tư liệu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Thanh Hóa. Ảnh tư liệu.

Mở đợt cao điểm thực thi pháp luật từ nay đến tháng 4/2024 trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng tại các cửa sông, cửa biển, các bến cá tư nhân, truyền thống. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.

“Nếu để xảy ra các vụ việc tàu cá không đủ điều kiện vẫn ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác dẫn đến vi phạm khai thác IUU thì trách nhiệm thuộc về lực lượng chức năng của tỉnh, trước hết là Biên phòng. Đặc biệt kiên quyết không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài”, văn bản chỉ đạo nêu rõ.

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương, lực lượng chức năng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Trao đổi với phóng viên về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thành lập 3 tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng, đến từng hộ dân vận động ngư dân chấp hành việc khai thác thủy sản theo luật định. Cử cán bộ hỗ trợ người dân thực hiện đăng kiểm tàu cá. Kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đủ thủ tục. Đối với việc giám sát sản lượng cá qua cảng cá truyền thống, bãi ngang, Sở NN-PTNT đã có văn bản gửi các địa phương tăng cường giám sát, thống kê và báo cáo sản lượng khai thác theo quy định...”.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.