Sáng 10//4, Bộ NN-PTNT tổ chức Tọa đàm Chào mừng Kỷ niệm 78 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam.
Nêu tổng quan Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Việt Nam năm 2023 và kết quả xây dựng mô hình HTX nông nghiệp điển hình COOP.66, ông Nguyễn Tiến Đinh, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, 2023 là một năm đặc biệt đối với hợp tác xã nông nghiệp, với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế tập thể và nông thôn. Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã năm 2023 và chính phủ ban hành Nghị quyết số 106 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Các hội nghị, diễn đàn do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Kết quả của năm 2023 cho thấy số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng lên 20.789. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu về số lượng HTX, tiếp đến là các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An... Hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp cũng được nâng cao, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ cao và phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn.
Trong thời gian qua, HTX nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy nông nghiệp xanh và giảm phát thải. Các dự án thí điểm như xây dựng vùng nguyên liệu và giảm phát thải đã đạt được những kết quả tích cực.
Nhóm mô hình hợp tác xã điển hình như nhóm COOP.66 đã có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra một diễn đàn mạng xã hội giữa các HTX và chuyên gia để kết nối và chia sẻ thông tin. Cùng với đó, nhóm này cũng đã hỗ trợ xây dựng và triển khai các HTX nông nghiệp hiệu quả, đồng thời lan truyền và nhân rộng các mô hình này trên cả nước.
Tuy nhiên, nhóm COOP.66 vẫn còn đối mặt với một số thách thức, như hạn chế trong hoạt động tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm. Trong thời gian tới, COOP.66 đặt mục tiêu tăng cường truyền thông về nhóm và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, đồng thời tăng cường giao lưu và kết nối giữa các thành viên để đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Theo đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy gần đây, 66 HTX điển hình đã giúp bà con nông dân, những người trực tiếp sản xuất nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. HTX đã trở thành biểu tượng, đại diện cho quyền lợi của bà con nông dân, mang lại cơ hội cho họ làm chủ và làm giàu từ nghề nghiệp của mình.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tiếp cận HTX như một triết lý và hệ tư tưởng. Theo đó, HTX là một vòng tròn có mối quan hệ liên kết, theo đó thành công của mỗi con người, mỗi đơn vị dựa vào đường kính của vòng tròn này. Đường kính càng rộng, càng nhiều mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên, HTX sẽ thành công. Bên cạnh những công việc sẵn có liên quan đến HTX như tín dụng, kho bãi, nhà quản lý…, Bộ trưởng cũng nêu sự cần thiết của việc đào tạo kỹ năng mềm cho người đứng đầu HTX để việc xây dựng, hình thành HTX không còn manh mún, nhỏ lẻ mà đi vào thực chất, hiệu quả.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường đến việc kết nối với thị trường, doanh nghiệp và các đối tác nguồn cung, mối quan hệ này vẫn còn hạn chế và chưa có chiến lược phát triển rõ ràng. Các chính sách đào tạo thường tập trung vào những kỹ năng nhỏ lẻ, nhưng sau đó, khi HTX hoạt động, cần có một câu chuyện thuyết phục, cách thức tạo ra sự tham gia từ các thành viên và khách hàng đối tác.
Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần hợp tác là yếu tố quan trọng trong HTX, cần thiết cho sự hợp tác giữa các thành viên và giữa các HTX với nhau để tạo ra không gian và tinh thần mới cho HTX trong tương lai, để tư tưởng HTX trở thành “phản xạ” của nông dân, từ đó giúp tăng giá trị sản xuất lên gấp nhiều lần nhờ phát triển kinh tế tập thể.
Nông dân có sự cần cù, thông minh và sáng tạo, nhưng vẫn có sự e dè khi tham gia mô hình HTX. Để giải quyết vấn đề này, HTX cần giải đáp các câu hỏi của nông dân một cách thông suốt và giám đốc HTX cũng phải là minh chứng cho sự hiểu biết của bà con.
Bộ trưởng khuyến khích sự vận động và phát triển của HTX không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế mà còn thay đổi đời sống nông thôn, trở thành thủ lĩnh trong cộng đồng nông thôn và mang lại phúc lợi cho người dân địa phương.
COOP.66 là nền tảng đi đầu dành cho các hợp tác xã ở Việt Nam, tạo điều kiện liên kết chặt chẽ với nhau thông qua một diễn đàn trao đổi, thảo luận sôi nổi và tính năng quản lý nông nghiệp hiện đại. Nền tảng do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC VN), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (DCRD) triển khai và chủ trì.
Theo đó, COOP.66 giúp theo dõi và quản lý nhiệm vụ hằng ngày một cách hiệu quả; kết nối các hợp tác xã với một mạng lưới rộng lớn của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp; cung cấp cái nhìn tổng quan về hoạt động sản xuất, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu suất; giúp quản lý tài chính hộ gia đình; cung cấp thông tin cập nhật và đáng tin cậy về các sản phẩm bảo vệ thực vật và giống cây trồng mới nhất; đảm bảo chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng bằng cách truy xuất nguồn gốc sản phẩm…