Phù hợp thổ nhưỡng từng loại cây trồng
Tại TX Ngã Năm (Sóc Trăng), việc chuyển đổi nhiều dịện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng mãng cầu gai, trồng khóm, ổi, nuôi thủy sản… đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Ngô Vũ Hùng, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới là một trong những nông dân đi tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có hiệu quả tại địa phương. Theo đó, với khoảng 400 gốc mãng cầu gai ghép với gốc cây bình bát, trên diện tích 3.600m2, năm ngoái anh xuất bán lứa trái đầu tiên, với giá 12.000 – 18.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất xong, anh thu về lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Một điều khá bất ngờ mà anh Hùng chia sẻ là vườn mãng cầu gai hiện tại trước đây là đất trồng lúa. “Do vùng đất trũng, thường xuyên ảnh hưởng của phèn, mặn, vì vậy, lúa thường xuyên cho năng suất rất thấp. Sau khi tìm hiểu về cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát có đặc tính chịu được nước, chịu phèn mặn”, anh Hùng cho biết. Theo anh Hùng, hiện anh đã có 400 gốc, tiếp tục làm thêm khoảng 300 gốc nữa cũng đang thu hoạch”, anh Hùng nói.
Còn tại ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, bà con nông dân ở đây chọn cây khóm để phát triển kinh tế. Hiện toàn ấp, có hơn 20 ha đất được nông dân trồng khóm. Nhờ được doanh nghiệp bao tiêu, nên giá thành rất ổn định, bình quân 1 ha khóm, nông dân thu về trên 150 triệu đồng.
Anh Phan Ngọc Thanh, một trong những nông dân tiên phong trong chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng khóm cho biết, cây khóm dễ trồng lại ít công chăm sóc, chi phí đầu tư cho thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng giảm hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa, vì vậy cho lợi nhuận rất khá. Một năm, khóm được thu hoạch 3 đợt, cho tổng thu nhập cũng từ 15 - 16 triệu đồng/công.
Gắn kết với thị trường
Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh Tế TX Ngã Năm, cho biết: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái nhằm hướng tới mang lại lợi nhuận, giá trị kinh tế cao hơn đã và đang được nhiều nông dân trên địa bàn TX. Ngã Năm hưởng ứng tích cực.
Theo ông Nhật, chỉ tính trong 5 năm qua, đã có gần 800 ha đất đã được chuyển đổi từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng loại cây có giá trị kinh tế hơn. Trong đó, những địa phương thực hiện chuyển đổi mạnh nhất là xã Vĩnh Quới với 300 ha được chuyển sang trồng mãng cầu gai và trồng khóm, phường 2 cũng chuyển gần 200 ha để trồng ổi, xoài. Còn lại các xã, phường khác trên địa bàn chuyển sang trồng chanh không hạt, dừa,…Việc chuyển đổi của nông dân nơi đây, đều gắn với thị trường tiêu thụ và phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng.
Đến nay, toàn TX Ngã Năm có trên 1.500 ha chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả, chủ yếu là mãng cầu gai, khóm, dừa, xoài,...Các mô hình này đều đã khẳng định được sự hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập ổn định, giúp nâng cao đời sống cho người nông dân. Ngoài kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương thì thời gian qua, TX Ngã Năm đặc biệt quan tâm trong việc liên kết sản xuất, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, ký kết bao tiêu tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nên tạo đầu ra rất ổn định.
Phòng Kinh tế TX Ngã Năm đã phân loại HTX theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/04/2017 của Bộ NN-PTNT. Hiện địa phương có 2 HTX hoạt động tốt, 06 HTX hoạt động khá, 4 HTX hoạt động trung bình, 1 HTX yếu (HTX NN Vĩnh Thành), còn lại 5 HTX không phân loại.
Ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh Tế TX Ngã Năm cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tiếp cận và liên kết với doanh nghiệp. Phòng Kinh tế phối hợp với UBND các xã, phường hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo trên địa bàn cung cấp thông tin phục vụ hội nghị liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo tỉnh Sóc Trăng.
Qua đó, tham mưu UBND thị xã xây dựng dự thảo báo cáo tình hình phát triển và khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của khu vực KTTT, HTX trong dịch bệnh Covid-19 và thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2022 trên địa bàn TX Ngã Năm .
Ông Lê Bảo Xuyên, Giám đốc HTX Kiên Hòa, xã Vĩnh Quới, TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Đối với mãng cầu lúc trước chưa có hợp tác xã nên đầu ra cũng bấp bênh, được mùa, mất giá. Từ khi có hợp tác xã đến nay thì đầu ra ổn định hơn, giúp bà con khấm khá hơn việc trồng mãng cầu. Thì hiện tại, hợp tác xã bán cho công ty khoảng 100 tấn”.
Hiện nay, thị xã Ngã Năm còn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực ở địa phương. Đồng thời, ngành chức năng tiến hành khảo sát thổ nhưỡng ở từng vùng và nghiên cứu thị trường tiêu thụ để có kế hoạch tiếp tục chuyển đổi những loại cây thích hợp hơn.
Từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị xã Ngã Năm, đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, cùng tỉnh Sóc Trăng thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian qua.
TX Ngã Năm đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân trong chuyển đổi, thực hiện các mô hình trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xác định các loại nông sản để tập trung phát triển, từng bước phát triển theo bước hình thành tập trung chuyên canh. Đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đủ điều kiện để đáp ứng với biến đổi khí hậu.
(Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND TX Ngã Năm)