| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người chăn nuôi lao đao

Chủ Nhật 22/05/2022 , 15:47 (GMT+7)

NINH BÌNH Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn nhiều xã thuộc huyện Nho Quan (Ninh Bình), cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người dân rơi vào cảnh lao đao.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Theo Phòng NN-PTNT huyện Nho Quan (Ninh Bình), trên địa bàn huyện hiện có 14/27 xã, thị trấn bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bùng phát (tính đến ngày 17/5), trong đó 12 xã, thị trấn tái phát dịch. Toàn huyện đã tổ chức tiêu hủy hơn 3.000 con lợn, trọng lượng tiêu hủy hơn 145.400 kg, tại 114 thôn của 497 hộ.

Bà Hoàng Thị Dung, thôn Tam Đồng, xã Lạng Phong (Nho Quan) buồn bã khi đàn lợn 30 con của gia đình gần như bị xóa sổ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại. Ảnh: Trung Quân.

Bà Hoàng Thị Dung, thôn Tam Đồng, xã Lạng Phong (Nho Quan) buồn bã khi đàn lợn 30 con của gia đình gần như bị xóa sổ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại. Ảnh: Trung Quân.

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nho Quan cho biết: DTLCP tái bùng phát trên địa bàn huyện chủ yếu là do thời tiết đang ở giai đoạn chuyển mùa, có nhiều diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ, ẩm độ cao tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, vacxin DTLCP hiện vẫn chưa có, chỉ dựa vào hoá chất khử trùng nên hiệu quả không cao. Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch ở một số địa phương, cơ sở chưa thực sự quyết liệt. Lực lượng cán bộ thú y cơ sở mỏng, trong khi địa bàn rộng nên việc kiểm soát tổng đàn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch của một số hộ chăn nuôi còn hạn chế, chủ quan...

Ghi nhận trên địa bàn xã Lạng Phong (huyện Nho Quan), hầu hết các hộ chăn nuôi đều chung tâm trạng buồn bã khi bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào chăn nuôi bỗng chốc tiêu tan nhanh chóng.

Bà Hoàng Thị Dung, thôn Tam Đồng, xã Lạng Phong than thở: Đàn lợn của gia đình bà có 30 con, DTLCP quay trở lại đã khiến cả đàn gần như xóa sổ, hiện tại chỉ còn lại 1 lợn nái và 3 lợn choai tiếp tục theo dõi. Với giá bán lợn như hiện tại, ước tính bà thiệt hại hơn 60 triệu đồng.

Theo bà Dung, bao nhiêu vốn liếng tích cóp hai vợ chồng bà đầu tư hết vào xây dựng chuồng nuôi tập trung với 12 ô, mua con giống... Tuy nhiên, từ khi chuồng nuôi đi vào hoạt động thì liên tục bị DTLCP càn quét, đợt dịch này là lần thứ 3 bà phải ngậm ngùi đưa từng con lợn đi tiêu hủy. Lần này, mặc dù số lợn phải tiêu hủy không nhiều như hai lần trước nhưng đấy là toàn bộ vốn liếng còn lại của gia đình.

Ông Vũ Xuân Ngần, thôn Tam Đồng, xã Lạng Phong cùng với nhiều hộ dân lo lắng nếu không sớm có vacxin dịch tả lợn châu Phi, hoạt động chăn nuôi sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Vũ Xuân Ngần, thôn Tam Đồng, xã Lạng Phong cùng với nhiều hộ dân lo lắng nếu không sớm có vacxin dịch tả lợn châu Phi, hoạt động chăn nuôi sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

“Đợt dịch trước được nhà nước hỗ trợ mấy chục triệu đồng, hai vợ chồng dùng hết vào tái đàn với dự định gỡ gạc, giờ dịch quay trở lại, bao nhiêu vốn liếng lại lần lượt nối đuôi nhau ra đi, xót ruột lắm mà đành lực bất tòng tâm”, bà Dung buồn bã.

Tương tự, ông Vũ Xuân Ngần, người cùng thôn Tam Đồng chia sẻ: Gia đình ông đầu tư trang trại chăn nuôi lợn, lúc cao điểm hơn 30 lợn nái, hơn 200 lợn thịt nên công tác phòng chống dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Quá trình ra, vào trại nuôi phải thay quần áo, sát khuẩn; sau mỗi lần xuất bán hết lợn đều tiến hành phun thuốc khử khuẩn, dùng lửa ga khò đốt khắp chuồng, trại... Tuy nhiên, không biết vì nguyên nhân gì mà đàn lợn của ông vẫn mắc DTLCP.

Đợt dịch lần này, số lợn chết của gia đình ông hiện đã lên con số 12, chủ yếu là lợn thịt cỡ choai (30kg/con). Với giá bán lợn như hiện tại, gia đình ông thiệt hại hơn 20 triệu đồng.

Tuy nhiên theo ông Ngần, thiệt hại của ông cũng như hầu hết các hộ chăn nuôi trong xã không chỉ dừng lại ở số lợn chết, tiêu hủy mà số lợn khỏe mạnh do ảnh hưởng của dịch nên giá bán cũng lao dốc không phanh, cộng với giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng kéo chi phí đầu tư lên cao càng làm cho thiệt hại trở nên nặng nề hơn.

“28 lợn nái sinh sản của gia đình khỏe mạnh, bình thường 20 triệu đồng/con không bán, ấy vậy mà khi có thông tin dịch bệnh trở lại thương lái chỉ trả 5 triệu đồng/con. Thức ăn chăn nuôi giờ về đến trại có giá 343.000 đồng/bao, cao hơn rất nhiều so với trước đây, nếu tính chi ly thì thiệt đơn thiệt kép” ông Ngần cho hay.

Cũng theo ông Ngần, nếu không sớm có vacxin DTLCP thì hoạt động chăn nuôi của người dân thực sự khó khăn, thậm chí nhiều hộ không giám tái đàn. Trong khi hầu hết những người tham gia chăn nuôi tuổi đời cao, các doanh nghiệp, đơn vị không tuyển dụng, bám vào ruộng đồng, chăn nuôi để duy trì kinh tế cho gia đình mà giờ không thể tiếp tục thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Không để dịch lây lan diện rộng

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nho Quan cho biết: Trước diễn biến phức tạp của DTLCP, UBND huyện Nho Quan đã nhanh chóng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Lực lượng chức năng chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy lợn bệnh tại xã Đức Long (Nho Quan). Ảnh: TL.

Lực lượng chức năng chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy lợn bệnh tại xã Đức Long (Nho Quan). Ảnh: TL.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch bệnh như: Tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi và vùng lân cận; khi có vật nuôi mặc bệnh bị chết phải tuân thủ nghiêm quy trình tiêu hủy theo quy định.

Tiến hành cấp phát 2.200 lít hóa chất sát trùng trên cạn do tỉnh hỗ trợ, 40 tấn vôi do UBND huyện hỗ trợ để thực hiện công tác khử trùng, tiêu độc môi trường. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc quy trình, thủ tục, hồ sơ tiêu huỷ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ trên địa bàn huyện. Kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý các ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng.

UBND huyện cũng chỉ đạo triển khai tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là lưu thông lợn giống trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền qua nhiều kênh, nhất là hệ thống loa truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, diễn biến dịch... tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức quản lý chặt chẽ không để tái đàn, tăng đàn lợn chăn nuôi trong thời điểm có dịch, vùng có dịch, nhất là tại địa bàn các xã đang còn ổ DTLCP. Việc tái đàn chăn nuôi chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Yêu cầu tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai ban đầu với chính quyền cơ sở trước khi tái đàn, tăng đàn theo quy định...

Xem thêm
Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Còn nước còn tát không ngờ vớ được 'bí kíp'

HÀ NỘI Tháng 3/2024, những hộ nuôi lợn tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) đều mất trắng, chỉ sót lại đúng trại của gia đình anh Hoàng Văn Chuyển.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.