| Hotline: 0983.970.780

Đem Tết phố về quê

Thứ Bảy 28/01/2012 , 11:01 (GMT+7)

Cả năm quay quắt mưu sinh nơi phố xá, gần Tết, những người làm nghề thu mua phế liệu, nhặt rác cũng chuẩn bị những món quà rất “đặc thù” đem về cho gia đình. Chúng là những món quà Tết giá trị thì ít nhưng tình cảm thì chứa chan

Còn dùng được thì mang về quê
     
Trên một bãi đất trống trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hoa (quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định) đang tỷ mẩn gỡ đống dây điện rối vừa lượm được. Những đoạn dây không còn khả năng sử dụng chị để một bên và châm lửa đốt. Khi nguội, chị lấy đá đập phần muội than còn bám trên dây để lấy lõi đồng. Còn đoạn dây lành, chị cuộn tròn lại cho vào một chiếc túi nhỏ để mang về quê.

 

Chị Hoa đang tỷ mẩn gỡ đống dây điện rối vừa lượm được

Mỗi lần chị gom được một ít, đến nay chị cũng có được trên 100m dây điện có thể sử dụng được. Số dây đó chị tận dụng để mắc điện ra chuồng lợn, chuồng gà. Chị Hoa bảo: “Từng ấy dây điện mà đi mua chắc cũng phải mất 400 ngàn, số tiền đó bằng 80 kg thóc ở quê”.
Chồng mất sớm, mình chị phải nuôi hai con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu. Tài sản của gia đình chẳng có gì đáng giá ngoài căn nhà cấp 4 làm nơi che mưa, che nắng. Thu nhập từ vài sào ruộng không đủ nuôi sống 5 người trong gia đình, chị đành khăn gói lên thành phố đi tìm việc làm.
 
Tay nghề không, kiến thức không, chưa biết làm gì thì một đồng hương rủ đi mua đồng nát, chị vào nghề từ đó. Cứ 6h sáng, sau khi vệ sinh cá nhân, chị ăn tạm vài thìa cơm nguội, lấy chai nước lọc rồi gồng gánh lên đường.

Ngoài thu mua ở các khu dân cư, chị còn bới ở các bãi rác, thùng rác những đồ có thể bán được. Thứ nào có thể tận dụng được thì để riêng, khi nào về nhà thì mang về dùng, cũng có nhiều chủ nhà thương tình cho thêm manh áo cũ, hay bán đồ với giá rẻ cho chị. Chả thế mà trong căn phòng trọ ọp ẹp của chị cũng có ti vi, quạt điện, nồi cơm điện, bàn là, lò vi sóng… “Toàn đồ phế phẩm bỏ đi, nhưng chúng tôi vẫn dùng được vài năm đấy”, chị Hoa nói.
    
Cách đó không xa, chị Lê Thị Hoài, đầu đội nón mê, mặt đeo khẩu trang kín chỉ để hở hai con mắt dừng chiếc xe đạp cũ trước một thùng rác công cộng. Chị lấy móc sắt móc trong thùng rác để bới tìm bất cứ thứ gì mà theo chị là có thể mang đến bán cho những điểm mua bán phế liệu. Vừa mở nắp thùng rác, chị thấy một chiếc cặp màu đen bị rách đường chỉ nhưng còn khá mới. Xem xét một lát, chị để chiếc cặp lên giỏ xe và tiếp tục công việc. Chị Hoài cho biết sẽ giặt sạch chiếc cặp để mang về quê cho con.
     
Gia cảnh khó khăn, vợ chồng chị Hoài phải gửi con cho ông bà nội nuôi rồi lên thành phố tìm việc. Chồng chị đi phụ hồ nhưng bị tai nạn lao động nên phải về quê dưỡng bệnh, còn chị thì đi lượm ve chai, mua phế liệu. Thu nhập trung bình mỗi ngày được khoảng 100 ngàn đồng, trừ chi phí ăn ở chẳng dư được bao nhiêu. Vì thế, chuyện sắm cho con tấm áo, chiếc cặp mới là điều khó khăn.
 

Đã 4 năm qua, con bé út của chị vẫn phải dùng chiếc cặp mua từ lớp 1. Nhìn chiếc cặp rách tả tơi, chị muốn mua cho con chiếc cặp mới nhưng chưa có tiền. “Mình khâu lại, để vài hôm nữa nghỉ Tết mang về cho con. Cũ người mới ta, chắc nó sẽ rất thích”, chị Hoài nói.

Đìu hiu quà Tết
     
Phòng trọ của chị Nguyễn Thị Tính (quê ở Cao Bằng) nằm trong một ngách nhỏ của phố Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rộng khoảng 8m2. Mấy chị em cùng xóm trọ đang làm bữa cơm chia tay để hôm sau chị về quê.

Chị Hoài dừng chiếc xe đạp cũ trước một thùng rác công cộng

 
Bên trong góc nhà là những thùng các tông đã được đóng hộp gọn gẽ, bên ngoài ghi rõ tên từng thùng đựng món đồ gì. Chỉ vào thùng quần áo cũ, chị cho biết đó là của một chủ nhà cho.

Chị đem giặt sạch những bộ quần áo còn sử dụng được để mang về cho người thân. Chị dành chiếc khăn nhung cho mẹ chồng, chiếc áo rét màu đỏ dành cho con gái út, chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần bò cho con trai lớn 15 tuổi, đôi giày đen dành cho chồng...

Ngoài quần áo, chị còn mang về một chiếc ấm điện cũ, một nồi cơm điện cũ, một mớ dây điện, còn có cả 4 tấm Pro xi măng cũ để lợp chuồng gà. Chị bảo: “Người ta bỏ đi, nhưng thấy còn sử dụng được thì mang về dùng, coi như quà Tết cho gia đình”.
     
Khoảng 17h chiều, khi đã nhập hàng cho đại lý đồng nát xong, chị Lê Thị Loan (quê Diễn Châu, Nghệ An) rẽ vào quán tạp hóa quen thuộc trên phố Tam Trinh. Chị mua một kg kẹo cân, 1 lạng mộc nhĩ, miến và gói mì chính. Theo chị Loan, số thực phẩm ấy là đồ chị mua làm quà Tết cho gia đình.

Không có nhiều tiền để mua đồ một lần, mỗi ngày đi làm, lời lãi thu được chị đều dành mua một vài món đồ. Hôm thì mua bánh, hôm thì mua kẹo, có hôm thì mua được tấm áo mới cho con. Chị cũng để dành được gần 3 triệu đồng mang về quê, nhưng tiền tàu xe đã ngốn mất gần 300 ngàn, số còn lại chị chia thành từng khoản: mừng tuổi ông bà nội ngoại, làm nồi bánh chưng cho con và dành trả nợ. Chị bảo: “Mình chịu khổ một chút để sau này cho con đỡ vất vả hơn”.

Theo Bee.net
                                   

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm