| Hotline: 0983.970.780

Đến A Sào tìm dấu tích Hưng Đạo Đại vương

Thứ Sáu 05/03/2010 , 11:03 (GMT+7)

Từ cửa Đại Bàng nơi sông Hoá đổ ra biển, chúng tôi làm một cuộc hành trình về A Sào, vùng đất được nhiều nhà sử học cho là nơi sinh của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền thờ Hưng Đạo Đại vương ở A Sào

Từ cửa Đại Bàng nơi sông Hoá đổ ra biển, chúng tôi làm một cuộc hành trình về A Sào, vùng đất được nhiều nhà sử học cho là nơi sinh của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, cũng là nơi mà ngay khi Đại vương còn sống, vua Trần đã cho lập đền thờ (sinh từ) của ngài.

A Sào có tên nôm là làng Gạo, nằm cạnh sông Hoá, nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Có người còn diễn giải rằng A Sào có nghĩa là sào huyệt của họ Đông A (Hán tự, chữ Đông và chữ A ghép lại thành chữ Trần).

Thư tịch cổ cho biết, thời Lý, A Sào là trung tâm của hương A Cảo, sau đổi thành A Côi (nay là Quỳnh Phụ, Thái Bình). Năm Bính Tý (1216, niên hiệu Kiến Gia thứ 6) vua Lý Huệ Tông ban cho Trần Liễu (con cả của Trần Thừa, anh ruột vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh) chức quan Nội hầu rồi sau gả công chúa Thuận Thiên cho Trần Liễu. Vì là phò mã nên Trần Liễu được phong tước Phụng Kiền vương, được phong đất A Cảo làm thái ấp. Trước khi lấy công chúa Thuận Thiên, Trần Liễu đã có một người vợ là Trần Thị Nguyệt, và theo nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng, thì chính bà Nguyệt đã sinh ra Hưng Ninh vương - Tuệ Trung thượng sỹ Trần Tung và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, trong thời gian Phụng Kiền vương Liễu cùng hai bà vợ của mình về ở đất phong để chiêu mộ dân khai khẩn, mở mang thái ấp…

Bị Trần Thủ Độ ép “nhường” vợ là Thuận Thiên công chúa cho em trai, Trần Liễu nổi giận, đem gia binh trong thái ấp của mình nổi loạn nhưng thất bại, phải đầu hàng, tuy được tha chết nhưng phải đổi tước phong thành An Sinh vương, và phải lên sống ở Đông Triều (An Sinh vương nghĩa là vị vương an phận, cam chịu), đất A Cảo bị sung công. Khi Trần Quốc Tuấn được phong tước Thượng Vị hầu, triều đình lại cử ông về trấn giữ hương A Cảo…

Có thể nói khi đưa Trần Quốc Tuấn về A Cảo, là vua Trần đã nhìn rõ vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của đất này nếu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông không thể tránh được, đặc biệt là quan trọng đối với thuỷ binh, một thế mạnh của quân Trần.

A Cảo nằm cạnh bờ sông Hoá, tựa lưng vào đất Long Hưng, nơi phát nghiệp của nhà Trần, bên kia sông là các lộ Hồng (Hải Dương), lộ Khoái (Hưng Yên), lộ Hải Đông (Vĩnh Bảo, An Lão, Hải Phòng). Từ A Cảo, lui có thể ra cửa biển Đại Bàng vượt biển vào Hoan, Ái, tức Thanh Hoá, Nghệ An, nơi triều đình chỉ cần gọi một tiếng là có ngay mười vạn quân (thơ vua Trần Nhân Tông: “Cối khê chuyện cũ nên ghi nhớ/ Hoan, Ái đang còn chục vạn quân”). Tiến, có thể theo sông Luộc đến cửa Hải Thị, nơi sông Hồng và sông Luộc giao nhau. Từ Hải Thị, có thể tiến vào vùng Lục Đầu Giang mênh mông hoặc theo sông Hồng đến Thăng Long… Vị trí này phải có tướng giỏi mới đảm đương được. Vị tướng trẻ Trần Quốc Tuấn vốn sinh trưởng ở vùng này, lúc đó tuy chưa được phong vương nhưng đã sớm bộc lộ một tài năng quân sự lớn…Và Trần Quốc Tuấn, không phụ sự uỷ thác của triều đình, đã xây dựng A Cảo thành một đồn binh lớn…

Đến A Sào ngày nay và những vùng đất xung quanh A Sào (thuộc hương A Cảo xưa), vẫn còn thấy dầy đặc những dấu tích về sự hiện diện của Phụng Kiền vương Trần Liễu và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Dân làng Lộng Khê (xã An Khê, Quỳnh Phụ) vẫn thờ Trần Liễu là “khai ấp tiên công” để nhớ khi ông về mở mang đất A Cảo. Thôn Bắc Dũng xã An Đồng còn dấu tích một ngôi đền cổ có diện tích 12 m x 20 m, tương truyền là đền thờ Phụng Kiền vương Trần Liễu, được lập ngay trên nền nhà cũ của ông. Các bậc cao niên của làng Bắc Dũng kể, theo truyền ngôn thì quanh ngôi nhà của Phụng Kiền vương có một hồ sen rộng chừng 7 mẫu, nay hồ vẫn còn nhưng bị thu hẹp lại rất nhiều.

Phía Tây Nam làng A Sào có ngôi đền cổ, có bức cuốn thư đắp nổi bốn chữ Hán “Mễ thương thắng tích”, đây chính là kho gạo cũ do Hưng Đạo Đại vương xây dựng, cạnh đó có đền thờ Hưng Đạo Đại vương, theo sách “Thái Bình phong vật chí” thì đền thờ đó được dựng ngay trên nền vườn cũ của ngài. Ngoài kho gạo (mễ thương) và đền thờ trên, còn dấu vết của “hồ tắm tượng” (hồ để voi tắm), còn gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), Trại binh (nơi ở của quân lính), xã An Hiệp có một làng gọi là làng Sổ, vì nơi đó ngày xưa chính là nơi chứa sổ sách quân lương, dấu vết trại thuỷ quân còn tìm thấy ở các xã An Lễ, An Mỹ, An Bài…đặc biệt nhất là dấu tích con voi bến Tượng.

Tượng voi đá ở A Sào
Khi Hưng Đạo Đại vương đưa quân từ A Cảo vượt sông Hoá vào Lục Đầu Giang tiến sang sông Bạch Đằng đánh quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy, ngài đã cưỡi voi. Dưới sông thì quân dân đã dùng bè mảng kết thành cầu phao, nhưng muốn đến được cầu phao phải qua một bãi lầy lớn ven sông (thuộc địa phận giữa làng Lễ Văn và làng A Sào ngày nay). Kỵ binh, rồi bộ binh lần lượt vượt qua bãi lầy qua sông, nhưng đến khi con voi của Hưng Đạo Đại vương đi qua một phần bãi thì bị sa lấy, càng dẫy dụa cùng lún sâu, quân lính và dân làng tìm mọi cách kéo con voi lên nhưng không được.

Việc quân cấp bách, Hưng Đạo Đại vương đành bỏ voi lên ngựa, lệnh cho tiếp tục hành quân. Loài vật có linh tính. Biết mình sẽ chết, con voi chiến ứa nước mắt nhìn theo chủ soái, rống lên những tiếng nghẹn ngào rồi từ từ chìm sâu vào đất… Trước tình nghĩa của quân dân và của con vật có nghĩa, Hưng Đạo Đại vương tuốt kiếm chỉ xuống dòng sông Hoá, thề rằng :

- Trận này không thắng, ta thề quyết không trở lại bến sông này.         

Con voi chết được dân làng A Sào đắp cho một cái mộ lớn. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Hưng Đạo Đại vương đã trở về chốn cũ, mang Ô Mã Nhi cùng bọn tù binh về phủ Long Hưng làm lễ dâng tù. Qua mộ con voi chết, ngài ra lệnh cho dân làng đắp một con voi đất trên đó… Hiện nay, mộ voi được xác định là nằm cạnh đê sông Hoá, cách đền A Sào chừng 500 mét và cách sông Hoá khoảng 300 mét đường chim bay, nơi có mộ voi được dân gọi là Bến Tượng, dù đó không phải là bến đò chở khách qua sông.

Trước đây, do nước sông nhiều lần dâng lên, voi đất bị lở mất, dân làng đắp một con voi bằng gạch thay vào. Đến đầu thế kỷ XX, dân làng A Sào cử người ra tận Quảng Ninh thuê thợ tạc một con voi đá thay cho voi gạch. Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào, chúng đã kéo con voi đá đó về đồn làm ụ súng. Giặc tan, nhưng đến nay voi đá vẫn còn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm