| Hotline: 0983.970.780

Đến hẹn lại... bùng phát dịch lở mồm long móng

Thứ Hai 08/03/2021 , 14:54 (GMT+7)

Dù có chính sách hỗ trợ tiêm vacxin định kỳ hai lần mỗi năm, nhưng nhiều năm qua, cứ sau tết là tỉnh Quảng Ngãi lại bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng.

Dịch lở mồm long móng liên tục bùng phát vào đầu năm tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Dịch lở mồm long móng liên tục bùng phát vào đầu năm tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Số liệu mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 409 con bò mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó đã có 29 con bị chết. Số gia súc này tập trung chủ yếu ở huyện Tư Nghĩa và thị xã Đức Phổ đã gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệu, thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận (thị xã Đức Phổ) vừa qua có 3 con bò bị mắc bệnh lở mồm long móng. 2 con trong số đó được anh bán đi với giá rẻ hơn gấp nhiều lần so với giá thị trường. Anh Hiệu cho biết, dịch bệnh vừa qua đã khiến cho gia đình anh thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Cũng theo anh Hiệu, những năm qua, đàn gia súc của gia đình anh không được tiêm vacxin phòng dịch lở mồm long móng dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Chỉ đến khi phát hiện bò bị mắc bệnh, chính quyền địa phương mới tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, do gia súc đã bị nhiễm nên không có tác dụng gì.

Tương tự, chị Bùi Thị Kim Sơn, trú thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận vừa qua cũng có 4 con bò bị mắc bệnh lở mồm long móng. Khi phát hiện đàn gia súc bị nhiễm, chị đã gọi thú y dịch vụ đến tiêm phòng với giá 180.000 đồng/1 lần tiêm (mỗi con bị nhiễm tiêm từ 2 – 3 lần).

Còn với những con chưa bị nhiễm tiêm phòng với giá 30.000 đồng/1 lần tiêm. “Tính ra nhà tôi cũng mất đến gần 2 triệu tiền thuốc để điều trị bệnh cho đàn bò nhưng cuối cùng vẫn bị chết 1 con bê”, chị Sơn cho biết.

Điều đáng nói, đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Quảng Ngãi bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng vào sau Tết. Trong tháng 2/2020, dịch bệnh cũng bùng phát trên nhiều địa phương của tỉnh với số lượng trâu bò mắc bệnh lên đến 2.500 con. Những ổ dịch lớn tập trung ở 2 địa phương vào thời điểm đó là huyện Bình Sơn và thị xã Đức Phổ.

Trong khi đó, vào ngày 17/2/2016, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY và tổ chức thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 – 2020” tiêm vacxin lở mồm long móng cho gia súc từ nguồn kinh phí trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và cá nhân chăn nuôi gia súc. Thế nhưng, tỉnh Quảng Ngãi liên tục để bùng phát dịch bệnh này là do cơ quan thú y địa phương không tiêm đầy đủ hết đàn gia súc vacxin được đấu thầu để tiêm không đảm bảo quy trình, chất lượng cần được làm rõ?.

Trả lời vấn đề này, ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hằng năm, tỉnh Quảng Ngãi vẫn tổ chức tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng vào 2 đợt là tháng 4, tháng 5 và tháng 10, tháng 11. Kinh phí chia ra làm 2 nguồn gồm nguồn: 50% của tỉnh và 50 % của địa phương.

“Tỉnh Quảng Ngãi có tổng đàn gia súc khoảng 280.000 con. Trong năm 2020, chúng tôi đã tiêm được khoảng 80% tổng đàn theo kế hoạch đã đặt ra. Nhưng dịch vẫn bùng phát ở trong tỉnh là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân Quảng Ngãi đặc thù ít chăn nuôi bò sinh sản mà chủ yếu là nuôi bò vỗ béo. Đầu năm, người dân mua bò ở các nơi khác đến gần cuối năm thì bán. Người dân mua bán trong tỉnh không được kiểm dịch. Còn nếu mua bò ở những tỉnh khác không kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, tập quán của người dân Quảng Ngãi một số vùng là bò đang chữa, đẻ họ không cho tiêm vacxin dẫn đến gia súc bị mắc bệnh”, ông Hạ phân trần.

Thực tế cho thấy, không chỉ Quảng Ngãi và một số địa phương trên cả nước cũng thường xuyên để bùng phát dịch lở mồm long móng định kỳ hàng năm mà không thể xử lí được dứt điểm dù đã có đề án hỗ trợ miễn phí vacxin từ ngân sách nhà nước.

Do đó, cơ quan thú ý trung ương và địa phương cần tổ chức tiến hành lấy mẫu thường xuyên sau tiêm trên diện rộng, đặc biệt là những vùng năm nào cũng để bùng phát dịch lở mồm long móng để tiến hành đánh giá hiệu quả, hiệu lực và bảo hộ của vacxin sau tiêm cũng như quy trình kỹ thuật để tìm ra nguyên nhân nhằm xử lí và thanh toán dứt điểm bệnh lở mồm long móng, mở đường cho việc xuất khẩu sản phẩm thịt của Việt Nam sang ác thị trường khác trên thế giới.

  • Tags:
Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.