Thịt nóng áp đảo chợ dân sinh
Những năm trước, chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được coi là một trong những “địa chỉ vàng” của thịt, nội tạng lợn đông lạnh nhập khẩu. Thế nhưng hiện nay, tất cả đã chuyển sang kinh doanh thịt “nóng” (tươi sống) nguồn gốc trong nước.
Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam những tháng đầu năm 2019 tăng mạnh. Ảnh: Đinh Tùng. |
“Chẳng ai buôn hàng đông lạnh vì không có lời”, chủ một sạp kinh doanh thịt lợn cho biết. Thông tin trên khiến chúng tôi khá bất ngờ. Lần theo địa chỉ các kho hàng đông lạnh được quảng cáo trên internet, chúng tôi tìm đến một công ty có thâm niên hơn 10 năm cung ứng thịt đông lạnh tại thôn Đông, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngoài địa bàn chiến lược là các quận nội đô, hoạt động kinh doanh của cơ sở này còn “vươn vòi” ra nhiều tỉnh, thành phía Bắc, với số lượng hàng hóa xuất bán mỗi ngày lên tới vài tấn (gồm cả các sản phẩm từ gà, lợn, trâu, bò, cá). Thịt đông lạnh chủ yếu được cung cấp cho các bếp ăn, nhà hàng.
Tiếp chúng tôi, bà T - Giám đốc công ty, báo giá: “Thịt ba chỉ heo rút xương giá 82.000 đồng/kg; sườn sụn non 80.000 đồng/kg, xương sườn vai 60.000 đồng/kg; nạc vai 85.000 đồng/kg; thịt khoanh giò (chưa rút xương) 55.000 đồng/kg”.
Còn các sản phẩm khác không phải là chính phẩm thịt lợn thì có giá mềm hơn. Cụ thể, móng giò 53.000 đồng/kg; tim lợn 45.000 đồng/kg; xương ống 28.000 đồng/kg.
Cũng theo bà T., thực tế có loại thịt ba chỉ 40.000 đồng/kg, nhưng miếng thịt chủ yếu là phần mỡ, ăn rất ngấy. Trong số các chủng loại sản phẩm từ lợn nhập khẩu, chỉ có tim lợn, xương ống, sụn là bán chạy và lúc nào cũng có sẵn hàng do các nước châu Âu, châu Mỹ không sử dụng.
Các loại thịt khác (như ba chỉ, nạc vai...) nhập khẩu qua cảng Hải Phòng rất thất thường, còn chân giò chủ yếu được thương lái Trung Quốc mua lại để chế biến thịt hun khói. Lý do các kho hàng đông lạnh ở miền Bắc không nhập nhiều thịt lợn là do chênh lệch giá so với thịt nóng trong nước không lớn. Thậm chí có thời điểm giá thịt ba chỉ nhập ngoại lên tới 85.000 – 90.000 đồng/kg (cao hơn cả thịt lợn cùng loại trong nước).
Mặt khác, nhu cầu sử dụng thịt lợn đông lạnh của các quán cơm bình dân không lớn (trừ xương ống, tim lợn và sụn). Riêng tai lợn thì chỉ bán được vào dịp Tết, do các cơ sở mua về để chế biến giò. Còn những tháng bình thường, sản phẩm này rất khó tiêu thụ.
Kho đông lạnh của một công ty cung ứng thực phẩm tại Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Đinh Tùng. |
Đối với các sản phẩm thịt động vật nhập khẩu, “hot” nhất trên thị trường là loại “thịt gà dai Hàn Quốc nguyên con” có giá chỉ 40.000 đồng/kg; chân gà; thịt trâu Ấn Độ (giá 90.000 đồng/kg) và thịt bò các loại. Các cơ sở kinh doanh thịt đông lạnh hướng các bếp ăn sử dụng các sản phẩm này, bởi vì chúng có giá rẻ hơn rất nhiều so với thịt cùng chủng loại trong nước.
Thực hư thịt lợn chính phẩm nhập khẩu 30.000 đồng/kg?
Mới đây, nhiều tờ báo trích đăng thông tin: “Theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá chỉ khoảng 30.000 đồng một kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước”.
Phản bác thông tin trên, trao đổi với PV NNVN, một lãnh đạo Cục Chăn nuôi khẳng định: “Thông tin giá thịt lợn nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg là không đúng. Bởi nhiều sản phẩm thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam có giá rất cao, ví dụ như thịt lợn phi lê của Pháp có giá 460.000 đồng/kg; cá biệt một số sản phẩm như chân giò, thịt vụn, xương ống bèo nhèo có giá 1 USD/kg (chưa tính thuế), nhưng chiếm tỷ lệ không nhiều. Các sản phẩm thịt khác chênh lệch về giá không quá lớn so với thịt nóng trong nước”.