Học nghề khi vừa tốt nghiệp
Huyện Đắk G’long là một trong số ít địa phương của tỉnh Đắk Nông triển khai hiệu quả các lớp học nghề, thu hút nhiều học viên đồng bào dân tộc thiểu số.
Đều đặn mỗi tối, H’Phương (18 tuổi, ngụ bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long) lại sắp xếp công việc cá nhân để đến trường THCS Nguyễn Du tham gia lớp sơ cấp Tin học văn phòng.
Đây là lớp nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức dành cho người lao động trên địa bàn huyện 30A này.
H’Phương cho biết, vừa tốt nghiệp THPT nên đăng ký tham gia ngay lớp học nghề tin học này khi biết mình thuộc đối tượng được ưu tiên đào tạo và hỗ trợ kinh phí.
Chỉ ít ngày sau khi nộp hồ sơ, Phương cùng 34 học viên khác, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, chính thức trở thành học viên của lớp sơ cấp Tin học văn phòng.
“Trước đây em theo học trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS -THPT huyện Đắk G’long. Trong thời gian học tập tại trường, Phương đã được học môn tin học. Tuy nhiên xác định đây là nghề phục vụ công việc của mình trong thời gian tới nên em đã đăng ký học thêm lớp sơ cấp này”, H’Phương chia sẻ.
Theo nữ sinh này, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mới mất cách đây chưa lâu nên kinh tế gia đình rất khó khăn. “Được Nhà nước hỗ trợ, theo học không những được miễn học phí mà còn được hỗ trợ thêm kinh phí hàng tháng. Sau khi có chứng chỉ sẽ thuận tiên hơn trong xin việc sau này”, H’Phương nói thêm.
Học nghề để biết cách gõ máy, lên mạng
Trong 34 học viên của lớp Tin học văn phòng bà H’Dê (39 tuổi, ngụ xã Quảng Khê, huyện Đắk G'long) lại là học viên lớn tuổi nhất.
Đi học khi các con đã lớn, công việc nương rẫy lại bộn bề, thế nhưng trong suốt thời gian qua, bà H’Dê chưa nghỉ một buổi học nào. Trái lại, nữ học viên này lại cảm nhận được rất nhiều niềm vui trước màn hình máy tính.
Bà H’Dê nói, trước đây bà chỉ được nhìn thấy máy vi tính trên tivi chứ chưa có cơ hội được tận tay sử dụng. Chính sự tò mò đã thôi thúc nữ học viên này đăng ký tham gia học nghề tin học.
“Nhiều người lớn tuổi, nhất là chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ngại đi học nhưng tôi thấy đi học rất vui. Mục đích ban đầu chỉ là đi học để biết sử dụng máy tính, lên mạng nhưng bây giờ tôi có thể sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, đọc tài liệu nông nghiệp, điều này mới quan trọng vì được mở mang thêm kiến thức”, bà H’Dê nói.
Được biết, ngoài lớp dạy Tin học văn phòng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk G’long còn đang triển khai lớp Chăn nuôi - Thú y. Trước đó, 2 lớp dạy nghề Dệt thổ cẩm cũng đã được tổ chức thu hút hơn 50 lao động địa phương tham gia.
Bà Đăng Lát Sarh, Trưởng Ban Công tác mặt trận bon Phi Mur cho rằng, là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, số người trong độ tuổi lao động nhiều, nhu cầu học nghề của người dân là rất cao.
Thời gian qua, việc học nghề đã mang lại những hiệu quả bước đầu, từ đó thu hút người dân đăng ký theo học, góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác….
Bà Đăng Lát Sarh nói: “Trước đây do hoàn cảnh, nhiều người chưa học hết THCS, THPT nên rất khó để xin vào làm việc tại các doanh nghiệp mà chỉ làm công việc nương rẫy. Để người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống, việc tổ chức các lớp học nghề rất có hiệu quả và mang ý nghĩa xã hội sâu sắc”.
Trong năm 2022, toàn huyện Đắk G’long triển khai được 11 lớp học nghề. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện này đã tổ chức được 10 lớp học nghề với hơn 310 học viên theo học.
Các khóa đào tạo đều gắn với khả năng thực tế của người lao động, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như thị trường lao động hiện nay. Đặc biệt, một số lớp học nghề thu hút đông đảo người dân (ngoài đối tượng được hỗ trợ) đăng ký tham dự, với mong muốn có thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất của gia đình.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, trong năm 2022, các địa phương đã tổ chức đào tạo 64 lớp với số lượng tuyển sinh là 2.028 người, kết quả tốt nghiệp là 1.842 người; đạt tỷ lệ tốt nghiệp 90,8%. Số còn lại 186 người (9,2%) không đạt tốt nghiệp do vi phạm quy chế đào tạo theo quy định.
Đa số học viên sau khi tốt nghiệp (96,5%) cam kết tự tạo việc làm sau đào tạo, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập.