| Hotline: 0983.970.780

'Đi săn' nguyên thủ

Thứ Sáu 21/06/2019 , 13:45 (GMT+7)

Sau gần 10 năm làm báo, thành quả lớn nhất của tôi là bộ sưu tập ảnh các nguyên thủ hàng đầu thế giới, từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản cho đến Triều Tiên.

Làm báo, đặc biệt là mảng đối ngoại giúp phóng viên có rất nhiều cơ hội tiếp cận các nguyên thủ thế giới. Vào nghề từ tháng 12/2010 nhưng lần đầu tiên tôi cầm máy ảnh đi tác nghiệp một sự kiện ngoại giao là vào tháng 11/2013, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin.

Sau gần 10 năm với hàng chục lần tác nghiệp ở các sự kiện ngoại giao, quốc tế lớn nhỏ, thành quả đáng kể nhất là bộ sưu tập hình ảnh các nguyên thủ. Trong đó, những cái tên có thể kể đến như 2 Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

12-14-22_nh_4
Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 23/5/2016.

Từ những chuyến thăm ngoại giao song phương, cho đến các sự kiện quốc tế lớn như APEC 2017 hay Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa qua, mỗi lần tác nghiệp đều có thể xem như một cuộc "đi săn", nhất là với các phóng viên ảnh.
 

Nhiều lần hụt

Khi làm việc ở hiện trường, có một sự thật phải chấp nhận là mọi chuyện đều có thể xảy ra, thậm chí hỏng việc, không có sản phẩm cho dù phóng viên có chuẩn bị kỹ thế nào.

Trong vấn đề đối ngoại nói chung và đặc biệt những sự kiện có sự hiện diện của các nguyên thủ, mọi hoạt động, lịch trình đều có thể thay đổi bất cứ lúc nào mà không báo trước.

Sáng tinh mơ ngày 10/10/2017, sân bay Đà Nẵng xuất hiện hàng chục phóng viên cả trong nước và quốc tế, chúng tôi đến từ 4h30, chuẩn bị cho quá trình kiểm tra an ninh trước khi vào trong đưa tin lãnh đạo các nền kinh tế APEC đến tham dự hội nghị.

Đó là một ngày thời tiết thất thường ở Đà Nẵng, chuyên cơ chở các nguyên thủ lần lượt hạ cánh xuống sân bay, xen kẽ là những trận mưa rào rồi nắng gắt khiến các phóng viên hết giơ ô lên lại hạ ô xuống để tác nghiệp. Bất chấp điều khiện khó khăn, tưởng chừng chẳng gì có thể làm khó cho gần 100 phóng viên ở sân bay khi đó nhưng mọi chuyện thay đổi hoàn toàn trước khi chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Donald Trump hạ cánh.

12-14-32-nh-5122150781
Khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy tay chào từ cửa Air Force One trên sân bay Đà Nẵng, cách vị trí của phóng viên khoảng 200m vào ngày 10/11/2017.

Trong khi tất cả các chuyên cơ đều đỗ ở khoảng cách từ 50m đổ lại và thẳng góc so với vị trí đứng quy định dành cho phóng viên, các nhân viên an ninh Mỹ lại chuẩn bị địa điểm hạ cánh khác hoàn toàn. Khoảng cách của Air Force One khi hạ cánh so với vị trí đứng của phóng viên ước tính xấp xỉ 200m, gần bằng chiều dài 2 sân bóng, chéo hẳn về phía bên trái.

Đây là điều các phóng viên không lường trước được, chỉ số ít có thiết bị đủ để đối phó với tình huống này. Những ống kính tiêu cự từ 300mm đổ xuống, vốn dùng ngon lành khi chụp trên sân bóng trở nên vô dụng, một vài bức ảnh tốt khi đó, đều được chụp từ những ống kính tiêu cự 500 - 600mm.

12-14-38-nh-14122239483
Nhân viên an ninh Mỹ đo chiều cao từ vị trí nằm của lính bắn tỉa xuống mặt đất tại sân bay Đà Nẵng trước khi Air Force One chở Tổng thống Donald Trump hạ cánh ngày 10/11/2017.

Về phần tôi, may mắn có ống kính tiêu cự 420mm trong tay nên có một bức ảnh dùng được nhưng không đẹp như ý muốn.

Gần đây nhất, ngày 26/2/2019, ông Kim Jong-un đến Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau khi đến Lạng Sơn bằng tàu hỏa, theo lịch trình, Chủ tịch Triều Tiên sẽ di chuyển về khách sạn Melia ở Hà Nội bằng ô tô.

12-14-36-nh-11122220749
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un duyệt đội danh dự trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 1/3/2019.

5h sáng 26/2, trời mưa tầm tã, hàng chục phóng viên trong nước, quốc tế tập trung về các tuyến đường trước cổng Melia, sẵn sàng bắt gọn hình ảnh ông Kim Jong-un vào khách sạn, dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 11h cùng ngày. Có 6 tiếng đợi chờ, các vị trí tốt nhất được các phóng viên lựa chọn, những phương tiện tốt nhất được chuẩn bị.

Khi đó, tôi mang theo chiếc thang nhôm 70cm, chọn cho mình vị ở góc ngã tư Lý Thường Kiệt giao với Quang Trung, có thể nhìn thẳng vào cửa chính ở sảnh khách sạn Melia, cách khoảng 100m. Máy ảnh hoạt động tốt, ống kính đủ tầm với, mạng 4G chạy mượt mà, laptop căng pin, chỉ chờ đoàn xe của Chủ tịch Triều Tiên nữa mà thôi.

11h, tiếng còi hú ưu tiên vang đến, tất cả phóng viên xách máy ảnh, leo lên thang, mọi hoạt động đều khẩn trương, thận trọng vì đây là sự kiện cực lớn, được cả thế giới quan tâm. Lần lượt các xe dẫn đoàn lao qua, chiếc Mercedes chở ông Kim xuất hiện, vài shot ảnh xe chạy trên đường Lý Thường Kiệt được ghi lại.

Sau khi lướt qua hàng trăm phóng viên, đoàn xe tiến vào sảnh khách sạn, chiếc xe chở ông Kim Jong-un đỗ ngay cửa chính, tất cả dường như đều nằm trong sự tính toán, ống kính của tôi bắt chặt vào khu vực đó, sẵn sàng bấm cò bất cứ lúc nào.

12-14-38-nh-15122246737
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng Air Force One tại sân bay Nội Bài trong lễ tiễn Tổng thống Barack Obama sau chuyến thăm Việt Nam năm 2016.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy, chiếc xe đột ngột nhích lên lên một chút và dàn vệ sỹ cao lớn của ông Kim xuất hiện, xếp thành 2 hàng dọc chắn hết mọi tầm nhìn. Dù rất cố gắng nhưng tất cả những gì tôi chụp được khi lãnh đạo Triều Tiên bước xuống chỉ là chỏm tóc quen thuộc của ông. Thất bại hoàn toàn, công sức đội mưa từ 5h sáng đến 11h trưa đổ sông đổ bể, không có bất cứ sản phẩm nào được gửi về tòa soạn.

Mặc dù không hài lòng, nhưng tôi hiểu đây là điều hoàn toàn bình thường khi tác nghiệp hiện trường, mọi khả năng đều có thể xảy ra và các phóng viên vẫn nói đùa với nhau: “Còn phải xem cô có thương hay không”.
 

Chiến lợi phẩm lớn nhất

Nếu ai hỏi, đâu là sản phẩm tâm đắc nhất trong suốt những năm làm báo vừa rồi, tôi sẽ đáp ngay đó là bức ảnh chụp Tổng thống Mỹ Obama bắt tay người dân Hà Nội bên ngoài quán bún chả trên phố Lê Văn Hưu tối 23/5/2016.

12-14-22_nh_1
Tổng thống Barack Obama bắt tay với người dân Hà Nội sau khi ăn bún chả trong một nhà hàng trên phố Lê Văn Hưu tối 23/5/2016.

Sở dĩ nói như vậy vì đây là góc ảnh ít người chụp được trong sự kiện đó, bức ảnh cũng được một hãng ảnh quốc tế mua lại và sau đó được nhiều hãng thông tấn nổi tiếng như USA Today, BBC, VOA, NBC News… khai thác, sử dụng. Ngoài ra, đó cũng là lần tôi được tiếp cận gần nhất với một nguyên thủ hàng đầu thế giới.

Chiều 23/5/2016, xuất hiện thông tin ông Obama sẽ đi đâu đó ở Hà Nội, các phóng viên được đẩy đến những điểm có khả năng cao như Bờ Hồ, phố cổ hay Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Sau khi lượn vài vòng ở Văn Miếu, cảm thấy không hề có sự chuẩn bị để đón tiếp Tổng thống Mỹ, tôi báo về tòa soạn để di chuyển đến địa điểm khác.

Với suy nghĩ, ông Obama đi chỗ nào ắt phải cấm đường ở đó và khai thác thông tin từ các chốt cảnh sát giao thông, tôi tìm đến được quán bún chả trên đường Lê Văn Hưu.

Lúc này, các lực lượng an ninh Mỹ bắt đầu xuất hiện, chó nghiệp vụ được xua đi lùng sục các ngóc ngách; đặc nhiệm phản ứng nhanh CAT dùng ống nhòm hồng ngoại soi kỹ từng tòa nhà xung quanh, yêu cầu mọi căn gác phải tắt điện, đóng cửa; rào chắn, dây thừng được triển khai để đảm bảo đường phố thông thoáng, gọn gàng.

Chọn cho mình vị trí đứng bên phải quán bún chả, phía sau hàng rào an ninh, tôi sẵn sàng bắt khoảnh khắc Tổng thống Obama bước vào với nụ cười thương hiệu trên khuôn mặt ông. Nhưng lại một lần nữa "cô không thương", xuống xe, người đứng đầu nước Mỹ khi đó tươi cười, vẫy tay với đám đông phía bên trái của quán.

Không nản, trong lúc ông Obama đang thưởng thức bún chả và bia Hà Nội bên trong, tôi tìm cách tiếp cận gần hơn với cửa quán. Tuy nhiên, các nhân viên an ninh Mỹ và Việt Nam lúc này làm việc rất gay gắt, thậm chí các phóng viên đeo thẻ tác nghiệp trên cổ như tôi cũng không được phép di chuyển.

12-14-22_nh_2
Đúng là "cô thương", những bức ảnh dù không được ngắm nghía, tỉa tót tỉ mỉ nhưng vẫn rất ổn.

Quyết đánh cược, tôi vào nhà dân gần đó gửi balo, kiểm tra máy ảnh lần cuối, sau khi chắc chắn máy ổn, flash hoạt động tốt tôi quyết định cất luôn thẻ phóng viên. Đây là quyết định 5 ăn 5 thua, có thể an ninh sẽ không cho tôi được lại gần nữa nhưng cũng có thể được thả lỏng do chỉ là người dân bình thường.

Dấu máy ảnh sau lưng, tôi nhẹ nhàng luồn qua dòng người, tiến sát hàng rào cạnh cửa quán. Sau gần 1 tiếng chờ đợi, Tổng thống Obama dùng bữa xong và chuẩn bị ra về. Lúc này, một nhân viên an ninh Mỹ quay sang nói chuyện với chiến sỹ cảnh vệ Việt Nam, tôi nghe được ông Obama muốn bắt tay với người dân và biết thời cơ đã đến.

Chiến sỹ cảnh vệ kia quay lại, yêu cầu mọi người giãn ra và hỏi tôi là ai, sao vào sát hàng rào thế này vì tôi đang đứng ngay cạnh anh ta.

Không ngập ngừng, tôi đáp: “Nhà tôi ngay bên cạnh đây, tôi vừa nghe anh người Mỹ nói ông Obama sẽ ra bắt tay người dân nên muốn xem rõ hơn. Tôi không làm gì cả, anh cứ để tôi đứng ở đây”. Sau khi nghe câu trả lời, chiến sỹ cảnh vệ không làm khó nữa, thay vào đó anh lại không cho các đồng nghiệp của tôi đang đeo thẻ được vào khu vực này. Tôi thầm nghĩ, chắc bây giờ "cô mới thương".

12-14-38-nh-1312223392
Bộ đồ nghề của tác giả.

Không lâu sau, ông Obama bước ra, tươi cười nói chuyện trước khi tiến về phía người dân để bắt tay. Chỉ chờ có vậy, tôi giơ máy ảnh lên cao, không cần ngắm nghía, chỉ ước lượng góc ảnh rồi bấm liên tục. Đúng là "cô thương", những bức ảnh dù không được ngắm nghía, tỉa tót tỉ mỉ nhưng vẫn rất ổn. Khi thấy hình ảnh Tổng thống Mỹ tươi cười, bắt tay người dân Hà Nội, phía sau có quốc kỳ Việt Nam, tên đường phố, tên quán ăn bằng Tiếng Việt, tôi biết cuộc đi săn này đã thành công.

An ninh đón Tổng thống Mỹ

Có thể nói, Mỹ là quốc gia làm công tác an ninh tỉ mỉ nhất trong mỗi chuyến công du của nguyên thủ. Ở sân bay, đặc nhiệm phản ứng nhanh CAT và lính bắn tỉa của lực lượng mật vụ được bố trí ở khắp các vị trí trọng yếu.

Trước giờ Air Force One hạ cánh, các nhân viên mật vụ đo từng centimet từ điểm đánh dấu chân cầu thang đến cửa The Beast. Ngoài ra, họ còn dùng thước dây đo chiều cao từ vị trí nằm của lính bắn tỉa xuống mặt đất.

Với các phóng viên, quá trình kiểm tra an ninh được chia làm nhiều lớp. Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama năm 2016, khi Air Force One hạ cánh là 21h30 nhưng thời điểm phóng viên có mặt để kiểm tra an ninh tại ga VIP sân bay Nội Bài là 14h.

Đầu tiên, tất cả thiết bị, đồ dùng kim loại được đưa qua máy quét. Tiếp đó, phóng viên được yêu cầu xếp hàng dọc, lần lượt di chuyển vào một căn phòng rộng, mở hết khóa balo, vali và đi ra sân bên ngoài.

Lúc này, chó nghiệp vụ được dẫn vào phòng, ngửi hết tất cả thiết bị và các phóng viên không được phép quay lại đây cho đến sát giờ tác nghiệp. Quá trình chờ đợi kéo dài đến khoảng 20h, sau khi vào phòng lấy thiết bị, phóng viên phải qua một lớp kiểm tra nữa mới được ra bục tác nghiệp ngoài sân bay do phía Mỹ chuẩn bị.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm