| Hotline: 0983.970.780

Đi soi... chuột đồng

Thứ Hai 10/12/2007 , 15:09 (GMT+7)

Trong khoảng không gian im lìm, thoáng chốc lại có những làn gió chướng lướt nhẹ qua, không chỉ tạo nên những cơn sóng lăn tăn trên mặt nước mà còn làm se lạnh người. Chúng tôi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ giữa mênh mông sóng nước đã cảm nhận được cái tĩnh lặng của màn đêm buông xuống vào những ngày cuối mùa nước nổi.

Gọi chuột

Mặc tình cho tất cả những gì diễn ra, mắt chúng tôi vẫn luôn dõi theo ánh đèn pin của anh Tặng. Mắt anh cứ chăm chăm vào ánh đèn giọi lia lịa vào ngọn cây bần, mé nước, đám lục bình. Bất ngờ, ánh đèn bin cứ đứng yên một chỗ ở nhánh cây bần trong đám cóc kèn rối bịt. Dường như anh Tặng thoáng thấy xuất hiện cái gì đó, xuồng dừng lại, cánh tay phải của anh đang cầm cây dầm bơi bổng chuyển sang tay trái, ghé nhè nhẹ vào mí nước. Tay phải cầm chặt vào đoạn cuối của cây mũi chĩa nhấc lên 180 độ vòng về phía trước trông rất điệu nghệ. Nhanh như cắt, anh đâm một cái soạc vào tâm điểm ánh đèn đang ngắm. Tiếng chuột kêu chét chét cùng với những cử động giẫy giụa, anh Tặng phấn khởi: Trúng rồi !

Anh Tặng vui mừng khi vừa đâm được con chuột cơm bự trảng

Anh Tặng vui mừng khi vừa đâm được con chuột cơm bự trảng

Anh Tặng vừa gỡ chú chuột mới đâm hãy còn nóng hổi vừa kể cho chúng tôi nghe bí quyết làm thế nào để đâm “bách phát bách trúng”: “Đâm chuột khó hơn đâm ếch hay rắn, nếu có tiếng động là nó chạy mất hút vào trong bụi rậm. Tất cả các động tác phải phối hợp “ ăn rơ” với nhau. Thứ nhất ánh đèn phải luôn theo sát hành động và ánh mắt của chuột. Thứ 2, phải để cán chĩa phía trước mũi xuồng, khi thấy mục tiêu xuất hiện, rà xuồng đi nhè nhẹ vào, vừa cầm cán chĩa quơ lên trên vòng thẳng về phía trước rồi đâm liền. Anh giải thích, trước kia người ta hay để mũi chĩa phía đầu xuồng, khi thấy chuột, ta cầm chĩa lên tuốt về phía cán nên xuất hiện âm thanh, “mục tiêu” sẽ nhảy ùm xuống sông chạy mất. Thứ 3 là để đâm chuột chính xác nên làm cây chĩa dài khoảng 3 m, mũi chĩa khoảng 1,5 tấc, có 2 ngạnh song song để không bị duột”. Chiếc xuồng thả theo dòng nước xuôi, chốc chốc lại xuất hiện “mục tiêu”. Thỉnh thoảng anh lại giả giọng êu chit chit hoặc khù khù để gọi lũ chuột xuất hiện khi chúng đang lẩn trốn vào trong bụi rậm, khuất tầm nhìn của “chĩa thủ”.

Phía bên kia sông Hàng Thẻ, thuộc ấp Phước Lợi, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) cũng có một xuồng soi chuột; cũng đang rà soát mục tiêu trong những đám bần, bụi rậm. Khi chúng tôi vừa đến, từ trong bụi rậm, phía đầu ngọn chĩa ngoe ngoảy một con chuột cống nhum bự cỡ cườm chân cùng với những tiếng khù khù, trông rất dữ tợn. Anh Trần Công Khanh, giơ cao lên khoe, đây là chiến lợi phẩm thứ 2 về chuột cống nhum, chuột cơm thì vô số. Rồi cả hai cùng đi song song 2 bên mé từ ngã tư sông Hàng Thẻ quẹo phải qua rạch Lung Lớn, đến kênh Út Long rồi vòng qua đập cống hở. Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, chiến lợi phẩm của anh Khanh có trên 10 con chuột, trong đó có 2 con chuột cống nhum chừng 1kg. Bên xuồng của anh Tặng thì phong phú hơn, ngoài cả chục con chuột cơm, anh còn soi được rất nhiều loại khác như: rắn, ếch, cò, cóc,...

Chiến lợi phẩm của anh Tặng và anh Khanh chỉ sau một giờ đồng hồ

bắt chuột trên cây

Lúc này đã hơn nửa đêm, sương đã bắt đầu rơi lạnh. Không gian chỉ còn là tiếng vẹt nước của chiếc xuồng lướt nhẹ những đám cỏ trên kênh. Anh Tặng nói, muốn biết nghề này thú vị như thế nào hãy thử săn thiệt đi mới biết. Nói rồi, anh Tặng đưa cho tôi cái đèn  gắn vào đầu, một tay cầm cây dầm và một tay cầm mũi chĩa. Đèn  trên đầu của tôi lướt qua lướt lại hơn 5 phút nhưng chẳng thấy mục tiêu đâu cả, chỉ thấy toàn là cây cối um tùm và trời nước mênh mông giữa đêm hôm khuya khoắt. Anh Tặng lại rút hết bí quyết ra chỉ luôn cho chúng tôi: Để biết được mục tiêu ở đâu mắt chúng ta phải nhìn thẳng vào ánh đèn và phải lướt chầm chậm vào mé sông, kể cả trên cây hay ở dưới nước. Để nhận biết mục tiêu trước mắt là gì, anh bật mí: “Mục tiêu của các con mồi là ánh mắt. Mắt chuột sáng đỏ, chớp chớp lanh, mắt ếch và cóc cũng đỏ giống nhau, nhưng mắt cóc thì chiếu sáng chói hơn”. Nhờ vậy, soi một hồi lâu chúng tôi cũng chỉ biết phát hiện được mục tiêu là loại con mồi gì. Còn cầm chĩa đâm chuột thì kế bên cũng trật lất !

Lái chuột

Thật ra, anh Tặng có tay nghề  như vậy là vì anh có gần 15 năm kinh nghiệm. Anh được xem là một trong những tay “xạ chĩa” hay nhất làng soi chuột nổi tiếng hàng mấy chục năm qua ở khu vực Bà Lang, Ba Càng này. Anh Tặng, tên thật là Lê Văn Tặng, tết này anh đã 34 tuổi nhưng đã có gần 15 năm cầm chĩa, gần 5 năm đời xuồng. Gia đình anh Tặng có 8 anh em (Công – Danh – Đắc – Lợi – Chỗ - Thuận – Tiện – Tặng) nhưng đã có 3 người theo nghề này từ hàng chục năm qua là 2 người anh kế là anh Thuận và anh Tiện. Anh Tặng tâm sự: Hiện có 2 đứa con, một đứa con gái học lớp 8 và 1 đứa con trai học lớp 7. Anh khẳng định, tôi sẽ gắn bó với nghề soi chuột này để lo cho các con ăn học thành tài. Chúng tôi chỉ vào chiếc xe mới toanh, anh cười nói: “Chuột mua giùm đó !"

Tại điểm tập kết chuột của các xạ thủ mang về ở nhà anh Bình, một chủ thu mua chuột ở xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

Có thể nói, người được xem là đầu tiên khơi ngợi nên nghề săn chuột ở đây là ông Hai Gáo và ông Sáu Kèm. Năm nay ông Hai đã gần 60 tuổi thì cũng đã có trên 40 năm soi chuột. Ông tâm sự: “Mấy chục năm về trước, ông làm nghề thợ lặn, sau đó thấy chuột phá hại mùa màng quá nên chuyển sang đi bắt chuột. Ban đầu ở làng này chỉ có vài người, đâm chuột về để ăn nhậu cho vui. Thỉnh thoảng lại cho bà con ở xa, họ rất thích. Khoảng 10 năm trở lại đây, chuột đồng bắt đầu được người ta chú ý, nhất là các thực khách ở các quán xá trên thị xã. Nghề bắt chuột đồng ở đây đã lên đến hơn 30 người”. Thật vậy, ông Hai có 6 người con nhưng đã có 3 người con theo nghề “cha truyền con nối” đi săn chuột mỗi ngày để kiếm sống. Theo những người dân nơi đây, nghề săn chuột chỉ cực vào ban đêm, ban ngày ngủ, ít tốn kém, không sợ mất vốn. Với nghề này, những người dân nơi đây không chỉ lo bữa ăn hàng ngày mà còn mua sắm đồ đạc trong nhà, mua xe mới, cất nhà tường. Nhiều người ở làng này đã khá lên nhờ chuột.

Tính đến nay nghề soi chuột ở xã Thạnh Quới (huyện Long Hồ) đã có trên 100 người. Cứ mỗi chiều ở cặp tuyến sông Hàng Thẻ bên mấy cái quán nước có hàng chục chiếc xuồng nối đuôi nhau, đậu san sát nhìn rất đẹp mắt. Anh Bình, một chủ lái chuột ở Thạnh Quới, nói: Do 3 năm trở lại đây, dịch cúm gia cầm xuất hiện, bệnh trên gia súc, giá thịt heo tăng mạnh nên giá thịt chuột cũng tăng lên cao từ 12.000đ/kg nay lên gần 20.000đ/kg. Đồng thời, các quán nhậu hiện nay cũng rất ưa chuộng loại thịt chuột này, những món như chuột quay, chuột nướng đã trở thành món khoái khẩu của thực khách. Những người này chưa phát hiện ra các món từ chuột như: chuột nấu canh chua, chuột cống nhum giả cầy. Món này một khi ăn vô là ghiền ngay”. Vào con nước lớn, trung bình mỗi ngày các “chĩa thủ” ở đây soi được từ 6-7kg, có người trúng lớn được trên 20kg là chuyện thường. Ngoài ra, nếu gặp rắn hổ sẽ trúng to.

Do nghề có thu nhập cao nên một số ấp khác cũng đổ xô đi soi chuột. Số lượng người soi ngày một tăng, chuột ngày càng hiếm là chuyện thường. Những “chĩa thủ” ở ấp Phước Lợi nảy ra sáng kiến đi các tỉnh khác. Theo ông Hai Gáo xuất tỉnh soi chuột đã thực hiện nhiều năm nay. Hầu hết các tỉnh xung quanh anh em đều xuất hiện như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang. “Mỗi chuyến đi như vậy thường có 3 người. Thuê một chiếc ghe lớn, bỏ xuồng lên ghe chở đến địa điểm cần soi thì bỏ xuồng xuống, chia nhau đi soi. Đến khoảng 2 giờ sáng, tất cả hẹn về một điểm rồi chở về Vĩnh Long bán. Nếu những địa bàn xa như An Giang thì phải thuê xe Honda ôm chở về với giá 150.000đ/lượt. Anh Tặng cũng cho biết thêm: Những chuyến đi xa như vậy ít nhất cũng từ 60-80kg, trừ chi phí anh em cũng còn lời vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, đi tỉnh phải có mối đặt hàng nhiều, một tháng đi chỉ từ 2-4 chuyến. Còn ngày thường đi từ vòng các huyện trong tỉnh, từ 10-20 km mới trở về.

Nghề soi chuột đồng tuy có cực nhưng đã giúp cho nhiều bà con vùng sông nước miền Tây có được cái ăn, cái mặc và lo cho các con ăn học.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm