| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm hào quang cho chanh leo [Bài 4]: Chất lượng giống đang có vấn đề

Thứ Tư 08/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

GIA LAI Là ‘thủ phủ’ về chanh leo nhưng chất lượng cây giống ở Gia Lai vẫn đang là chủ đề khiến không ít người dân và cơ quan chức năng đau đầu.

Gần 11 triệu cây giống tung ra thị trường mỗi năm

Để đáp ứng mục tiêu đạt trên 20.000ha chanh leo đến năm 2025, giống là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu của tỉnh Gia Lai. Bởi chất lượng cây giống không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng vườn cây, chất lượng sản phẩm, gây khó khăn trong việc xuất khẩu chanh leo, nhất là với những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Giống chanh leo của Nafoods được người dân tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Đăng Lâm.

Giống chanh leo của Nafoods được người dân tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Để đảm bảo nguồn giống chanh leo đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân trong và ngoài tỉnh, trong những năm qua, Sở NN-PTNT Gia Lai đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức bình tuyển, công nhận 100 cây chanh leo và 14 vườn cây đầu dòng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, hàng năm, các cơ sở ươm cây giống chanh leo trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung ứng khoảng 10,86 triệu mắt ghép, tương ứng với lượng giống chanh leo cung ứng cho thị trường khoảng 10,86 triệu cây/năm, diện tích trồng mới khoảng 18.000ha/năm. Toàn bộ cây giống này đều đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm tra, kiểm soát hết sức khắt khe của các cơ quan chức năng.

Bài liên quan

Xác định chanh leo là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, Gia Lai đã mời gọi được các doanh nghiệp có uy tín đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, có phòng kiểm định chất lượng cây giống trước khi đưa ra thị trường, điển hình như Công ty Cổ phần Nafoods Group (Nafoods), Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ (Công ty Thông Đỏ), Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai (Doveco Gia Lai)…

Bên cạnh chế biến sâu sản phẩm chanh leo, Nafoods còn được biết đến là một trong những “ông lớn” trong sản xuất và phân phối giống chanh leo. Tại Gia Lai, Nafoods là đơn vị có mặt sớm nhất trong lĩnh vực sản xuất cây giống chanh leo.

Ông Hồ Hải Quân, Giám đốc vùng trồng Tây Nguyên (Nafoods) cho biết: “Tại Gia Lai, vườn ươm giống chanh leo của chúng tôi có năng lực cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 11 triệu cây giống chất lượng cao. Riêng trong năm 2023, ước tính có khoảng 5 - 6 triệu cây giống được bán ra thị trường”.

Cũng theo ông Quân, cây giống chanh leo của Nafoods không chỉ tiêu thụ ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên mà còn xuất bán sang tận nước bạn Lào từ nhiều năm nay.

Mỗi năm, Nafoods cung cấp ra thị trường hàng triệu cây giống đảm bảo chất lượng. Ảnh: Đăng Lâm.

Mỗi năm, Nafoods cung cấp ra thị trường hàng triệu cây giống đảm bảo chất lượng. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Cũng là đơn vị lớn về giống chanh leo tại Việt Nam, Công ty Thông Đỏ đã chính thức khởi công giai đoạn 1 Trung tâm Giống cây trồng chất lượng cao đặt tại huyện Chư Pưh (Gia Lai) vào tháng 5/2021. Đến nay, Trung tâm này đã đạt công suất trên 20 triệu cây giống chanh leo/năm.  

Ông Lê Văn Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty Thông Đỏ cho biết: Với tư duy “bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có”, toàn bộ sản phẩm cây giống chanh leo của Công ty đều được áp dụng quy trình sản xuất khoa học, hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo để cung cấp cho thị trường nguồn cây giống chất lượng nhất.

Cũng theo ông Tuyến, Công ty thường xuyên phối hợp với địa phương, các HTX tổ chức các hội thảo phổ biến, nâng cao tư duy và kỹ thuật cho nông dân; liên kết các đơn vị nhằm cung ứng giống, thu mua và xuất khẩu chanh leo chất lượng…

Tại Gia Lai, hiện đã có các trung tâm giống quy mô lớn có đăng ký và đã được chứng nhận vườn đầu dòng như Nafoods, Công ty Thông Đỏ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Doveco và các vườn ươm mới được Sở NN-PTNT Gia Lai cấp chứng nhận.

Gia Lai từ một tỉnh phải nhập cây giống chanh leo đã trở thành “thủ phủ” cây giống chanh leo. Ngoài việc cung cấp cây giống chanh leo đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân trong tỉnh, cây giống chanh leo của Gia Lai còn xuất bán sang thị trường các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và xuất khẩu sang thị trường các nước Lào, Campuchia. Đây là điểm sáng trong thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt của Gia Lai.

Dấu hỏi về chất lượng

Tuy số lượng cây giống đảm bảo cho chiến lược phát triển ngành hàng chanh leo của tỉnh Gia Lai, song về chất lượng thì nhiều nông dân hiện nay vẫn chưa hết băn khoăn.

Đặc biệt, theo thống kê sơ bộ, hiện vẫn còn hàng trăm vườn ươm nhỏ lẻ trên địa bàn Gia Lai không đăng ký hoặc các hộ dân tự ươm, ghép. Cây giống sẽ không được kiểm soát, đảm bảo chất lượng, vấn nạn giống giả vẫn rất khó kiểm soát trên thị trường. Nhiều người trồng chanh leo vẫn đang phải mò mẫm tìm giống tốt thực sự cho mình.

Chất lượng cây giống là vấn đề nông dân đang rất băn khoăn khi đầu tư vào trồng chanh leo. Ảnh: Đăng Lâm.

Chất lượng cây giống là vấn đề nông dân đang rất băn khoăn khi đầu tư vào trồng chanh leo. Ảnh: Đăng Lâm.

Tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh), ông Thái Văn Nam có vườn chanh leo 2 sào (sào 1.000m2) đã trồng được 2 năm. Ông cho biết, tuy giá chanh leo đã hạ chạm đáy, song ông vẫn quyết định đầu tư trồng mới hơn 1 sào nữa. “Cái tôi lo nhất không phải là giá, bởi chanh leo cũng như các loại nông sản khác, xuống rồi sẽ lên trong thời gian tới. Cái bà con lo nhất là chất lượng cây giống chanh leo không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến vườn cây và chất lượng sản phẩm”, ông Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nam, thời gian gần đây, nhiều vườn cây mới xuống giống có biểu hiện không xanh tốt bằng những đợt giống trước đó, một số có biểu hiện bị sâu bệnh. Đặc biệt, giống chanh sau này chỉ thu hái được 1 - 2 đợt thì cây đã tàn, không như trước có thể thu 4 - 5 đợt… “Mong các cơ sở sản xuất, ươm giống chanh leo kiểm tra lại quy trình sản xuất giống, tránh thiệt hại không đáng có cho nông dân”, ông Nam đề nghị.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tài (thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho rằng, chanh leo ngày càng bị sâu bệnh nhiều có thể do chất lượng giống thời gian sau này không được tốt như trước, dù giống của gia đình mua về có thương hiệu, mã vạch. Theo anh Tài, vào thời điểm cơn sốt trồng chanh leo nổ ra, gia đình anh mua 1 thùng cây giống (100 cây) với giá trung bình tới hơn 3 triệu đồng, nhưng sau khi trồng, chanh leo lại phát triển kém xa so với cây giống cách đây 2 năm, cũng với giống đó.

Cũng theo anh Tài, trước đây, các đơn vị ươm giống thường lựa cây chất lượng để cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên sau này người dân đua nhau trồng chanh leo dẫn đến giá cây giống tăng cao, các đơn vị ươm giống cũng bán ồ ạt mà không quan tâm đến chất lượng.

“Những cây giống sau này chỉ có 2 đến 3 cặp lá, thân cây rất yếu, con bọ hung đậu vào cây đã muốn ngã thì làm sao mà chất lượng được! Trong khi ngày trước, cũng với giống ấy, thân cây rất to, chỉ cần trồng vài ngày đã phát triển nhanh chống”, anh Tài chia sẻ.

Nhiều người dân cho rằng, càng về sau này, chất lượng giống càng kém. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhiều người dân cho rằng, càng về sau này, chất lượng giống càng kém. Ảnh: Đăng Lâm.

Giám đốc một HTX chuyên sản xuất và tiêu thụ chanh leo cho biết, vào thời điểm chanh leo được trồng ồ ạt, rất nhiều giống kém chất lượng, không có tên tuổi từ các cơ sở sản xuất giống không giấy phép, không có kiểm định chất lượng đã được tuồn ra thị trường.

Khi các loại giống giả, giống kém chất lượng ồ ạt tuồn ra thị trường với giá rẻ thì giống đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp giống có thương hiệu càng gặp khó khăn trong việc đưa ra thị trường.

Trong tình cảnh khó khăn đó, một số đơn vị sản xuất giống có thương hiệu thường lựa chọn giống chất lượng nhất (loại 1) cung cấp cho những khách hàng quen thuộc, còn giống loại 2 - 3 thì được đẩy vào thị trường giống hỗn độn thật – giả.

Ngoài việc khó cung cấp giống chất lượng đến tay người trồng chanh leo, các cơ sở sản xuất giống có thương hiệu cũng khó hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất giống không phép thì "tiền trao cháo múc", bán xong là xong, không hướng dẫn trồng, chăm sóc. Cuối cùng, thiệt hại nhất vẫn là người dân trồng chanh leo.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, hiện nhiều nước trên thế giới đã có giống chanh leo tốt hơn Việt Nam với trái to, vỏ dày, xuất khẩu với giá cao. Như vậy để thấy rằng, chất lượng giống của chúng ta đã thực sự tốt nhất chưa? Vì vậy, cần phải có đề tài khoa học cấp Bộ về giống chanh leo để tạo ra những giống chất lượng cung cấp ra thị trường, phục vụ phát triển ngành hàng chanh leo bền vững.

Trong tháng 11/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chanh leo và giải pháp phát triển ngành hàng chanh leo bền vững”. Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ ra mắt Ban Vận động Hiệp hội Chanh leo tỉnh Gia Lai. Diễn đàn diễn ra trực tiếp tại tỉnh Gia Lai và trực tuyến đến khoảng 500 điểm cầu trong cả nước. 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.