| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó cháy rừng [Bài cuối] Đắk Lắk, Đắk Nông xây dựng nhiều phương án phòng

Thứ Sáu 31/03/2023 , 12:52 (GMT+7)

Đắk Lắk và Đắk Nông có hàng trăm nghìn ha rừng cần xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yók Đôn chủ động đốt tầng lá rụng trên các đám cỏ le, cỏ tranh, bụi lồ ô… để phòng chống cháy. Ảnh: Minh Quý.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yók Đôn chủ động đốt tầng lá rụng trên các đám cỏ le, cỏ tranh, bụi lồ ô… để phòng chống cháy. Ảnh: Minh Quý.

Đắk Lắk nhiều khu vực nguy cơ cháy cao

Vườn quốc gia Yók Đôn có diện tích trên 115.000ha, nằm trải rộng hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông có hệ sinh thái rừng cây lá rộng rụng lá vào mùa khô hay còn gọi là rừng khộp. Đặc điểm của rừng khộp là thảm thực bì với nhiều tầng lá rụng trên các đám cỏ le, cỏ tranh, bụi lồ ô… đã khô.

Để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng khộp dễ cháy trong mùa khô, Vườn quốc gia Yók Đôn và các lực lượng địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngay từ đầu mùa khô, Vườn Quốc gia Yók Đôn đã tích cực triển khai công tác phòng chống cháy rừng. Cùng với việc tạo hàng nghìn mét đường băng cản lửa, diễn tập các phương án phòng chống cháy rừng, đơn vị này đã khoanh vùng, xử lý đốt thực bì từ sớm.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Yók Đôn, trong vườn hiện có 17 trạm, đội thực hiện ứng trực 24/24h, đảm bảo triển khai đến tất cả các diện tích rừng trong vườn, thực hiện phương pháp đốt non cỏ có kiểm soát, xử lý vật liệu cháy. Làm sao việc đốt thực bì cháy loang lổ trong diện tích nhỏ, không ảnh hưởng tới cây, đảm bảo cho rừng phát triển tốt.

“Sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các hộ nhận khoán đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong nhiều năm trở lại đây, Vườn quốc gia Yók Đôn không xảy ra vụ cháy rừng lớn nào.

Mùa khô này, Vườn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các phương án phòng cháy, phát dọn trên 120km đường băng cản lửa, đóng hàng trăm biển cảnh báo, thành lập 17 đội xung kích thực hiện nhiệm vụ theo dõi, ứng trực, tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ rừng.

Vườn đã tổ chức tuyên truyền cho trên 4.000 lượt người dân tham gia và 5 trường học để người dân, học sinh nhận thức được tầm quan trọng của rừng, môi trường rừng. Phối hợp với UBND 7 xã vùng đệm triển khai quy chế phối hợp tổ chức tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm tác động vào rừng.

Cùng với đó là yêu cầu 17 trạm, đội ở hiện trường tích cực tuần tra, ngăn chặn các đối tượng hay người dân thường ra vào rừng mang theo nguồn lửa có thể gây cháy lớn”, lãnh đạo Vườn Quốc gia Yók Đôn thông tin.

Các đơn vị chủ động đốt thảm thực vật ngay đầu mùa khô để hạn chế cháy rừng. Ảnh: Minh Quý.

Các đơn vị chủ động đốt thảm thực vật ngay đầu mùa khô để hạn chế cháy rừng. Ảnh: Minh Quý.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, qua khảo sát địa phương đã xác định có 3 khu vực cần xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cụ thể, khu vực 1 nguy cơ cháy rất cao vưới diện tích hơn 48.000ha rừng trồng gồm các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Năng và Krông Búk; Khu vực 2 gồm các huyện có nguy cơ cháy cao là Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao vào khoảng hơn 190.000ha, bao gồm diện tích rừng tự nhiên (rừng khộp) và rừng trồng.

Khu vực có nguy cơ cháy gồm các huyện Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột, Krông Pắc, Krông Ana và Cư Kuin với diện tích hơn 10.000ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa lâu dài. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, các cấp thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm từng bước khôi phục. phát triển và nâng cao chất lượng rừng.

Theo ông Hưng, trong mùa khô năm 2023, Chi cục đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với người dân, nhất là các già làng; Rà soát thiết bị, công cụ, phương tiện phục vụ, chủ động 4 tại chỗ và 4 sẵn sàng; Phân công kiểm lâm thường xuyên theo dõi nắm bắt kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

“Qua công tác tuyên truyền nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã được nâng lên. Các đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó. Trong năm 2022 và đầu năm 2023 đến nay địa phương không xảy ra vụ cháy rừng nào”, ông Nguyễn Quốc Hưng nói.

Empty

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ phát cỏ để hạn chế cháy rừng. Ảnh: Minh Quý.

Chủ động nhiều kịch bản

Tỉnh Đắk Nông có hơn 329.000ha rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, toàn tỉnh hiện có hơn 247.000ha đất có rừng (hơn 196.000ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng) và gần 82.000ha đất chưa có rừng.

Hiện Đắk Nông cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào những tháng cao điểm mùa khô. Do đó, để phòng chống cháy rừng, chính quyền địa phương cũng như các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng tại tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều phương án, kịch bản ứng phó.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (huyện Tuy Đức) quản lý tổng diện tích rừng tự nhiên là 6.571ha. Trong đó, đất có rừng là 6.507,1ha (gồm 6.336,5ha rừng tự nhiên và 170,6ha rừng trồng).

Trong đó, rừng có nguy cơ xảy ra cháy rất cao trong mùa khô hanh, dễ bị cháy lây lan sang các vùng phụ cận, tập trung chủ yếu ở khu vực rừng trồng thuần loài, rừng lồ ô, rừng nứa  tại các kiểu rừng hỗn giao tre nứa - gỗ, với diện tích hơn 260ha.

Theo ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, diện tích rừng trồng (khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao) của đơn vị phân bố rãi rác trên toàn lâm phần.

Do đó, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong vấn đề bố trí con người, công cụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài ra, lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng của đơn vị còn mỏng. Nguồn kinh phí của Ban quản lý hàng năm còn thấp, đặc biệt là nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước cấp.

Tuy nhiên, để chủ động phòng chống cháy rừng, Ban quản lý đã xây dựng Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng mùa khô năm 2022-2023.

“Đơn vị đã thành lập Ban chỉ huy phòng cháy và chữa cháy rừng và 3 Tổ phòng cháy và chữa cháy rừng. Đơn vị cũng tổ chức 12 lượt tuyên truyền lưu động trong 6 tháng mùa khô nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức ký cam kết 505 bản với các hộ dân sống gần rừng”, ông Khương nói.

Những đường băng cản lửa được Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ xây dựng trong mùa khô. Ảnh: Minh Quý.

Những đường băng cản lửa được Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ xây dựng trong mùa khô. Ảnh: Minh Quý.

Còn ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cho biết, doanh nghiệp quản lý hơn 27.000ha rừng. Trong đó, có hơn 200ha rừng thông nằm trong khu vực nguy cơ cháy cao.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, doanh nghiệp thực hiện 2 lượt đốt non vào tháng 9 và tháng 10 thời điểm bắt đầu mùa khô tại Đắk Nông. Khi đến cao điểm mùa khô thì doanh nghiệp sẽ đốt them một lần nữa. Khi chủ động đốt thực bì thì sẽ giảm độ cháy rừng khi bước vào đỉnh điểm mùa khô.

“Hiện nay còn một số hộ dân ở những khu vực dự án cũ người dân thường xuyên đốt nương làm rẫy có nguy có xảy ra cháy lang. Để chủ động ứng phó, doanh nghiệp đã đặt các trạm, cử thêm cán bộ để kiểm soát, kịp thời ứng phó khi xảy ra sự cố”, ông Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.