| Hotline: 0983.970.780

Dịch lở mồm long móng bùng phát tại Đăk Lăk, gây thiệt hại lớn

Thứ Hai 07/11/2016 , 09:05 (GMT+7)

Theo thông tin từ Cục Thú y, dịch lở mồm long móng (LMLM) đang bùng phát mạnh trên địa bàn các huyện Ea Sup, Krông Bông và Buôn Đôn của tỉnh Đăk Lăk làm hơn 600 con trâu, bò mắc bệnh.

imges1179915-p1190880181701119
Dịch bệnh LMLM đang bùng phát tại Đăk Lăk có một phần nguyên nhân từ sự chủ quan, chưa chỉ đạo quyết liệt của thú y địa phương
 

Đây là tỉnh duy nhất có dịch LMLM trong cả nước ở thời điểm hiện nay.
 

Vì sao chỉ có Đăk Lăk bùng phát dịch LMLM?

Hiện nay, cả nước chỉ có tỉnh này có dịch LMLM và đang có khả năng lây lan ra diện rộng với các nguyên nhân chính sau:

Một là, Đăk Lăk là địa bàn có nhiều ổ dịch LMLM cũ và dịch liên tục phát sinh trong những năm gần đây. Mặc dù, Bộ NN- PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phải có kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn với các phương án cụ thể về tài chính, vắc xin, tổ chức tiêm phòng, vật tư hóa chất khử trùng, nguồn nhân lực và tổ chức ứng phó khi có dịch bệnh phát sinh, nhằm bao vây kịp thời các ổ dịch mới ở diện hẹp, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, địa phương đã không thực hiện việc này, do vậy khi dịch LMLM xảy ra đã không có vắc xin để tiêm phòng bao vây kịp thời các ổ dịch.

Hai là, về chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMM: Ngày 25/02/2016, Bộ NN- PTNT đã ban hành Công văn số 1935/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bố trí kinh phí và triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2016-2020 (được phê duyệt theo Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17/02/2016 của Bộ NN-PTNT) nhưng tỉnh vẫn chưa triển khai thực hiện mà trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương.

Ngày 05/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí năm 2016 cho các địa phương để mua vắc xin LMLM, trong đó tỉnh Đăk Lăk được hỗ trợ hơn 5,72 tỷ đồng, nhưng đến nay (sau 3 tháng) địa phương vẫn chưa mua được vắc xin LMLM để tiêm phòng bao vây các ổ dịch LMLM.

Khi dịch LMLM bùng phát rộng, địa phương mới "mượn tạm" 60 ngàn liều vắc xin của doanh nghiệp để tiêm bao vây ổ dịch. Như vậy, việc tổ chức mua vắc xin LMLM để chủ động phòng dịch và tiêm bao vây các ổ dịch của địa phương là quá chậm, mặc dù đàn trâu bò của địa phương đã hết miễn dịch bảo hộ từ lâu.

Ba là, người chăn nuôi chủ quan cho rằng bệnh LMLM có thể chữa khỏi nên không khai báo ngay khi mới phát hiện gia súc mắc bệnh mà tự mua thuốc điều trị làm bệnh lây lan. Công tác giám sát địa bàn, phát hiện dịch bệnh và báo cáo dịch bệnh còn nhiều bất cập. Nhân viên thú y xã không nắm vững địa bàn, sau nhiều ngày mới biết thông tin dịch bệnh.

Hệ quả là công tác báo cáo dịch bệnh từ tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh và trung ương rất chậm (những ổ dịch đầu tiên được báo cáo chậm từ 01 - 02 tuần), gây khó khăn cho công tác lấy mẫu xét nghiệm, xác định tuyp vi rú gây bệnh cũng như việc chỉ đạo chống dịch của địa phương.

Bốn là, chính quyền cơ sở quản lý ổ dịch không chặt, một số hộ dân vẫn không cách ly gia súc mắc bệnh theo quy định và vẫn chăn thả chung với gia súc khỏe mạnh, kết hợp với điều kiện thời tiết mưa nhiều làm cho dịch bệnh lây lan rộng và khó kiểm soát.

Năm là, sự vào cuộc để chỉ đạo chống dịch của các cơ quan chức năng địa phương thiếu sự quyết liệt ngay từ ban đầu, chỉ đến khi dịch lây lan rộng và các đoàn công tác của Cục Thú y xuống tận các ổ dịch nhiều ngày để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thì địa phương mới thực sự bắt tay vào công việc chống dịch.

b05d5d9e181726207
 

Mặt khác, dịch LMLM xảy ra từ lâu, nhưng mới đây địa phương mới công bố dịch, gây khó khăn cho công tác chống dịch tại địa phương và nguy cơ lây lan dịch cho các địa phương khác.

Thiệt hại kinh tế lớn

Dịch LMLM gia súc tại tỉnh Đăk Lăk là do vi rus tuyp O và tuyp A gây ra; tính đến nay đã có hơn 600 trâu, bò mắc bệnh. Dịch bệnh xảy ra trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước.

Cụ thể, UBND tỉnh đã phải công bố dịch LMLM trên toàn địa bàn toàn tỉnh và ảnh hưởng đến các hoạt động giết mổ gia súc, buôn bán gia súc và sản phẩm gia súc trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là đối với người chăn nuôi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người chăn nuôi không bán được sản phẩm chăn nuôi và còn phải tốn chi phí cho việc chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng vắc xin, hỗ trợ gia súc mắc bệnh phục hồi.

Cùng với đó, Cục Thú y phải thành lập 02 đoàn công tác đến tận các ổ dịch và ở lại địa phương nhiều ngày để phối hợp với địa phương chống dịch, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng địa phương phải huy động nhiều lượt người để tham gia chống dịch, cử đoàn đi chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch, tổ chức tiêm phòng bao vây dịch, mua hóa chất sát trùng và tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tổ chức trực chốt chống dịch,... gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Để dịch bệnh động vật tại tỉnh Đăk Lăk hằng năm không xảy ra, UBND tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan tổ chức xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật hằng năm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Có như vậy thì công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại tỉnh mới có hiệu quả cao, giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước phải chi trả cho công tác chống dịch.

 

Xem thêm
Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.