Trung Quốc giảm mạnh nhất
Theo Bộ Công thương, báo cáo tháng 4/2019 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho hay, sản lượng thịt lợn toàn cầu dự báo sẽ giảm khoảng 4% trong năm 2019, còn gần 108,5 triệu tấn. Nguyên nhân chính là do sản lượng giảm mạnh ở Trung Quốc (chiếm một nửa sản lượng thịt lợn thế giới). Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng triệu con lợn tại nước này.
Kinh doanh thịt lợn tại chợ Bến Thành (TP.HCM). (Ảnh: Thủy Nguyễn). |
Bộ NN-PTNT Trung Quốc cho biết, trong tháng 3/2019 đàn lợn ở nước này đã giảm 21% so với cùng kỳ năm 2018. ASF đã lây lan nhanh chóng trên khắp Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào tháng 8/2018.
Còn theo Cơ quan Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, trong quý I/2019, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018, xuống 14,63 triệu tấn, trong khi đàn lợn của Trung Quốc giảm 10,1% xuống còn 375,25 triệu con. Số lượng lợn giết mổ giảm 5,1% xuống 188,42 triệu con. Sản lượng thịt lợn giảm sẽ đẩy giá lợn của Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2019 lên mức cao kỉ lục, có thể tăng hơn 70%.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ NN-PTNT Trung Quốc, cho hay, hiện giá thịt lợn bán buôn ở nước này tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2018 lên khoảng 20,3 NDT/kg. Nếu gia tăng 70% như dự báo trên, giá lợn bán lẻ sẽ lên hơn 38 NDT/kg, vượt mức kỉ lục được ghi nhận trước đó là 27 NDT/kg hồi tháng 6/2016. Giá thịt lợn tăng đã đẩy lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc tháng 3/2019 lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2018. Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê của Trung Quốc cũng đưa ra tổng sản lượng thịt lợn, gồm cả thịt bò, thịt cừu và gia cầm, đã giảm 2,8% trong quý I/2019 xuống còn 22,52 triệu tấn.
Theo dự báo của Rabobank, sản lượng thịt lợn năm 2019 của Trung Quốc sẽ giảm 30% so với năm 2018 do sự lan rộng của dịch tả lợn. Cụ thể, sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc năm 2019 dự báo đạt khoảng 38 triệu tấn, so với mức 54 triệu tấn của năm 2018. Giảm nguồn cung thịt lợn sẽ khiến Trung Quốc phải nhập khẩu thịt lợn từ 1,5 - 4 triệu tấn, ảnh hưởng tới tất cả các nguồn cung thịt lợn sẵn có trên thị trường toàn cầu.
Sản xuất nội địa và nhập khẩu các sản phẩm protein động vật khác như thịt gia cầm, thịt bò, thịt cừu và thủy sản cũng sẽ tăng lên để phần nào bù đắp thâm hụt trên thị trường thịt lợn nhưng mức thâm hụt cung - cầu thịt lợn tại Trung Quốc năm 2019 có thể lên tới 10 triệu tấn. Sự suy giảm này lớn hơn gần 30% so với tổng sản lượng thịt lợn hàng năm của Hoa Kỳ và tương đương gần như toàn bộ nguồn cung thịt lợn của châu Âu. USDA dự báo sản lượng thịt lợn Trung Quốc giảm ở mức thấp hơn, khoảng gần 10%.
Bên cạnh đó, ASF cũng đang lây lan nhanh tại Đông Nam Á với việc đợt dịch đầu tiên đã xuất hiện tại Campuchia trong khi dịch bệnh này tại Việt Nam vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Dự báo sản lượng thịt lợn Việt Nam giảm 10%, qua đó sẽ làm gia tăng áp lực trên thị trường thịt lợn toàn cầu vốn đang chật vật đáp ứng nhu cầu.
Xuất khẩu thịt tăng
Trong khi đó, tại các quốc gia khác, sản xuất thịt lợn lại đang tăng trưởng khá tốt, dẫn đầu là Hoa Kỳ với mức tăng đạt khoảng 4% và Brazil là 6%. Sản lượng thịt lợn của EU trong năm 2019 sẽ giảm rất nhẹ so với năm 2018 do giá lợn hơi giảm và chi phí thức ăn cao hơn. Nếu như năm 2018, sản lượng thịt lợn của EU là 24,3 triệu tấn thì năm 2019 dự báo là 24,2 triệu tấn. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu có xu hướng cải thiện có thể khuyến khích các nhà sản xuất mở rộng đàn vào cuối năm 2019.
Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu được dự báo sẽ cao hơn khoảng 8% trong năm 2019 do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế ổn định ở hầu hết các thị trường thịt lợn lớn. Liên minh châu Âu (EU) sẽ vẫn là khu vực xuất khẩu hàng đầu thế giới, với khối lượng ước đạt 3,25 triệu tấn trong năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Hoa Kỳ, Canada và Brazil cũng được dự báo lượng xuất khẩu sẽ cao hơn năm trước.
Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới, với mức nhập khẩu năm 2019 được dự báo tăng 41% so với năm 2018 do tác động từ sự suy giảm đàn lợn nội địa do dịch ASF gây ra.