| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi ở Suối Tân được khống chế

Thứ Ba 14/11/2023 , 08:47 (GMT+7)

Ngay khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền xã Suối Tân đã cấp bách triển khai nhiều biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được khống chế.

Xã Suối Tân đã tiêu hủy 501 con lợn với khối lượng hơn 26 tấn. Ảnh: Phương Chi.

Xã Suối Tân đã tiêu hủy 501 con lợn với khối lượng hơn 26 tấn. Ảnh: Phương Chi.

Không để xảy ra tình trạng giấu dịch

Theo ông Lê Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện lần đầu vào ngày 17/10 tại thôn Dầu Sơn và lây lan nhanh sang các hộ chăn nuôi lân cận.

Tính đến ngày 10/11, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 14 hộ chăn nuôi thuộc hai thôn Dầu Sơn và Đồng Cau. Chính quyền xã Suối Tân đã phối hợp cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ 501 con lợn, với khối lượng hơn 26 tấn.

“Ngay khi xảy ra dịch bệnh chính quyền xã đã có cuộc họp nhanh, thông báo tình hình dịch bệnh cho toàn xã. Đồng thời tiến hành tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh và phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại những nơi xảy ra dịch bệnh, phổ biến cho chính quyền các thôn nắm bắt tình hình dịch bệnh để tuyên truyền cho các hộ dân”, ông Lê Văn Tự cho hay.

Thực tế cho thấy, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân khi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào chăn nuôi, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề.

Chuồng lợn của người dân được tiêu độc khử trung sau khi bị dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Phương Chi.

Chuồng lợn của người dân được tiêu độc khử trung sau khi bị dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Phương Chi.

Ông Lê Sĩ Côn, thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân cho biết, ngay khi phát hiện đàn lợn của gia đình có dấu hiệu mắc bệnh ông đã gọi điện thông báo cho chính quyền xã xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình để xử lý.

“Sau khi tôi thông báo, chính quyền xã kết hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện về kiểm tra cụ thể và lập biên bản. Thống kê gia đình hiện tại có 26 con lợn thịt và 4 con lợn nái chuẩn bị sinh sản. Đàn lợn của gia đình bị dịch bệnh và phải tiêu hủy tôi xót xa lắm nhưng vẫn phải chấp hành chủ trương của Nhà nước”, ông Lê Sĩ Côn nói và cho biết thêm, thu nhập gia đình ông trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới trông vào việc nuôi lợn, giờ lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của gia đình.

Xã Suối Tân đã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các tuyến đường giao thông nông thôn có các hộ chăn nuôi. Ảnh: Phương Chi.

Xã Suối Tân đã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các tuyến đường giao thông nông thôn có các hộ chăn nuôi. Ảnh: Phương Chi.

Nhiều giải pháp dập dịch

Để phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi lây lan, xã Suối Tân đã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn xã, đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn có các hộ chăn nuôi. Cùng với đó, xã cũng tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, tiểu thương không buôn bán, vận chuyển động vật có dấu hiệu bị bệnh.

Ông Lê Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân cho biết, trên địa bàn xã hiện có một lò mổ ở thôn Dầu Sơn. Hiện xã đã quán triệt chủ lò mổ nhập lợn phải có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, nếu phát hiện có sai phạm sẽ tiến hành tiêu hủy và xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, xã Suối Tân cũng thành lập ban chỉ đạo, tổ tiêu hủy, tổ cơ động tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nắm bắt được tình hình dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng giấu dịch tại các hộ chăn nuôi.

Ông Trần Ứng, cán bộ thú y xã Suối Tân cho biết, hiện nay, thú y xã phối hợp với các thôn thường xuyên liên hệ động viên thăm hỏi các hộ chăn nuôi, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

“Hàng ngày, chúng tôi yêu cầu các thôn nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn báo về xã để ban chỉ đạo nắm bắt được, khi có tình huống xảy ra thì tiến hành xử lý lập tức tránh tình trạng dịch lây lan”, ông Trần Ứng cho hay.

Xã Suối Tân gắn bảng cảnh báo khu vực có dịch tả lợn Châu Phi để người dân chủ động phòng ngừa. Ảnh: Phương Chi.

Xã Suối Tân gắn bảng cảnh báo khu vực có dịch tả lợn Châu Phi để người dân chủ động phòng ngừa. Ảnh: Phương Chi.

Tại các nơi tiêu hủy và các hộ chăn nuôi có đàn lợn mắc bệnh, xã Suối Tân đã gắn các bảng cảnh báo vùng có dịch và thông báo với người chăn nuôi không đến những khu vực đó để tránh mang mầm bệnh lây nhiễm cho đàn vật nuôi của gia đình.

Nhờ các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi được chính quyền xã Suối Tân triển khai kịp thời, và ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phòng chống dịch đã không để dịch lây lan ra diện rộng.

“Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã cơ bản được khống chế và không phát sinh thêm ổ dịch mới”, ông Lê Văn Tự nói.

Ông Lê Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân: " Địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Ngoài phun thuốc tiêu độc, khử trùng chính quyền xã đã tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, mua bán thịt trên địa bàn thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt".

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.