| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 25/10/2023 , 12:40 (GMT+7)

Tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại chăn nuôi nông hộ do chưa triển khai biện pháp đảm bảo an toàn sinh học.

Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Phát hiện dịch tả lợn Châu Phi tại 3 hộ chăn nuôi

Hiện, trên địa bàn xã Suối Tân có 4 thôn đều hoạt động chăn nuôi với tổng đàn lợn khoảng 2.000 con. Trong đó, 1.300 con lợn được nuôi trong trại gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, còn 700 con nuôi tại nông hộ, tập trung chủ yếu tại thôn Dầu Sơn với 450 con.

Ngày 17/10 vừa qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm nhận được thông tin tại hộ ông Trần Văn Mạnh, thôn Dầu Sơn về việc lợn nuôi có triệu chứng sốt cao, xuất huyết, tím tái vùng da. Sau đó, lực lượng thú y tại Cam Lâm nhanh chóng có mặt tại hộ chăn nuôi này kiểm tra.

Theo đó, 4/36 con lợn đã bị chết và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI phát hiện dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Tiếp đến, ngày 20/10, UBND xã Suối Tân phát hiện thêm 2 hộ liền kề nhà ông Mạnh gồm ông Nguyễn Quang Thịnh nuôi 24 con lợn và ông Trương Đức Thành nuôi 10 con đều có lợn bị chết và mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Trước việc dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trở lại, ngay trong ngày 20/10, Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm đã phối hợp cùng UBND xã Suối Tân tuyên truyền, vận động 3 hộ nuôi thống nhất biện pháp phòng, chống dịch nguy hiểm, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số lợn bệnh trong chuồng nuôi theo quy định.

Theo UBND xã Suối Tân, tổng cộng 3 hộ nuôi có 70 con lợn thịt bị tiêu hủy, với trọng lượng gần 3 tấn. Ông Lê Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân cho biết, để hạn chế dịch bệnh lây lan, địa phương đã tiến hành phun thuốc, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh hộ có lợn mắc bệnh.

Đồng thời, thông tin tuyên truyền, phổ biến cho người dân, hộ chăn nuôi về tác hại các loại dịch bệnh nguy hiểm của động vật; các biện pháp phòng chống và trách nhiệm của người chăn nuôi trong việc khai báo dịch và thống kê đàn lợn trên địa bàn xã hàng tháng theo quy định.

“Xã cũng đã có tờ trình lên UBND huyện Cam Lâm xin hỗ trợ thêm hóa chất nhằm tăng cường công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi. Qua theo dõi, hiện nay tình hình dịch bệnh đã tạm ổn chưa phát sinh thêm ổ dịch mới”, ông Lê Văn Tự chia sẻ.

Chính quyền và cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định. Ảnh: KS.

Chính quyền và cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định. Ảnh: KS.

Đâu là nguyên nhân

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm, điều tra tình hình dịch tễ ổ dịch cho thấy, các hộ chăn nuôi lợn chưa triển khai biện pháp đảm bảo an toàn sinh học. Theo đó, nhà các hộ nuôi nằm cách đường quốc lộ 1A khoảng 400 - 800m về phía Đông và gần khu công nghiệp Suối Dầu. Bà con nuôi lợn trong chuồng hở, sử dụng nguồn thức ăn dư thừa từ các quán ăn kết hợp với thức ăn công nghiệp. Chủ hộ khai lợn đã tiêm phòng vacxin dịch tả lợn cổ điển và tụ huyết trùng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã thông báo và yêu cầu các công ty chăn nuôi và các trang trại chăn nuôi lợn gia công trên địa bàn xã Suối Tân và huyện Cam Lâm tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời tổ chức các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm vào trại.

Hiện nay tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi chưa phát sinh thêm ổ dịch mới. Ảnh: KS.

Hiện nay tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi chưa phát sinh thêm ổ dịch mới. Ảnh: KS.

Hiện, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước đang diễn biến phức tạp, cùng với việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm tăng cao, đặc biệt mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi tồn tại lâu trong môi trường chăn nuôi nên có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn.

Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị UBND huyện Cam Lâm tiếp tục chỉ đạo UBND xã Suối Tân và UBND các xã, các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, các cơ quan, hội đoàn thể, các hộ chăn nuôi lợn tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, nhanh chóng phát hiện, khai báo, xử lý kịp thời trường hợp lợn bệnh, chết để hạn chế lây lan.

Tuyên truyền, ký cam kết với tất cả hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã có dịch không được vận chuyển, bán chạy, giết mổ lợn nghi mắc bệnh và báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi phát hiện gia súc bị bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán sản phẩm lợn và phương tiện vận chuyển lợn trên địa bàn, thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ và buôn bán lợn và sản phẩm lợn nghi mắc bệnh.

Chỉ đạo UBND các xã, đặc biệt là các xã tiếp giáp với xã có dịch triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến các hộ, cơ sở chăn nuôi; khi phát hiện gia súc bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay chính quyền địa phương và cơ quan thú y để xử lý dịch bệnh kịp thời tránh lây lan.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị UBND huyện Cam Lâm tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện 5 không theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.