| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp

Thứ Sáu 07/09/2018 , 08:20 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi (African Swine Ferver - ASF) đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều nước khu vực Đông Nam Á đang rốt ráo triển khai các giải pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm của virus nguy hiểm này.

Hơn 3 năm trở lại đây, bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát liên tục ở các nước trong khu vực núi Caucasus và miền Nam của Liên Bang Nga với xu hướng ngày càng lan rộng. Bệnh đang xảy ra ở Trung Quốc và có xu hướng lây lan nhanh. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, bệnh có khả năng sẽ lây lan đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngày 30/8/2018, Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành trên cả nước triển khai các giải pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

18-13-07_1
Cơ quan chức năng Thái Lan đang siết chặt việc kiểm tra, ngăn chặn nguồn thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn từ hành khách nhập cảnh vào nước này

Trong khi đó tại Trung Quốc, diễn biến dịch tiếp tục lan rộng. Cụ thể, ổ dịch đầu tiên được công bố vào ngày 3/8/2018 tại tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc Trung Quốc, bệnh được phát hiện ở một trang trại nhỏ có quy mô 383 con lợn, làm chết 47 con sau khi bị nhiễm bệnh.

Ổ dịch thứ 2 được phát hiện ngày 16/8/2018 tại một nhà máy giết mổ ở tỉnh Hà Nam làm 30 con lợn đã bị chết (nguồn gốc lợn được vận chuyển từ tỉnh Hắc Long Giang, là một tỉnh vùng Đông Bắc có khoảng cách 500 dặm từ ca bệnh đầu tiên). Từ khoảng cách giữa 2 ổ dịch cho thấy virus có thể đã lây lan ra nhiều nơi ở Trung Quốc trước khi ca bệnh được xác nhận. Nhà máy giết mổ ngay sau đó đã bị đóng cửa, heo bị cấm vận chuyển trong khu vực có bán kính 6 dặm và tất cả heo trong khu vực có bán kính 2 dặm (1 dặm = 1,6 km) từ nhà máy giết mổ đều bị tiêu hủy...

Tính đến ngày 3/9/2018, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục được phát hiện tại nhiều địa điểm tại Trung Quốc (tập trung chủ yếu các tỉnh phía đông nước này) với tổng cộng 7 địa điểm đã phát hiện bệnh. Các ổ dịch thứ 5, 6 và 7 được phát hiện tại tỉnh An Huy từ ngày 30/8 đến 3/9/2018. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, dịch tả lợn Châu Phi hiện đã làm chết và tiêu hủy hơn 38.000 con lợn.

Tại Hàn Quốc, theo Thời báo Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn nước này vừa có báo cáo đã tìm thấy gene của virus dịch tả lợn Châu Phi trong hai sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến, được mang theo của 2 khách du lịch đến từ thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Đây cũng là nơi được ghi nhận đã có dịch lần đầu tiên ở Trung Quốc. Cơ quan Hải Quan của Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm bằng phản ứng PCR và phát hiện ra virus, tuy nhiên các nhà chức trách đang kiểm tra xem đó là virus còn sống hay đã chết. Sản phẩm thịt lợn chế biến ngay sau đó được xử lý ở nhiệt độ cao, do vậy có rất ít khả năng lây lan mầm bệnh cho ngành chăn nuôi heo của Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này cho thấy vấn đề khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh liên quan đến kiểm soát virus xâm nhập vào trong nước liên quan đến các sản phẩm của heo qua con đường du lịch.

Tại Philippines, chính phủ nước này vừa ban hành lệnh cấm NK lợn và sản phẩm từ lợn của Trung Quốc và các quốc gia đã phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó tại Thái Lan, nước này có lệnh tạm ngừng NK ít nhất 90 ngày đối với lợn sống và sản phẩm từ lợn giết mổ từ Trung Quốc và các nước có phát hiện dịch tả lợn Châu Phi.

Hiện tại, Thái Lan triển khai nhiều biện pháp rốt ráo nhằm kiểm soát việc xâm nhiễm dịch vào nước này. Đặc biệt tại các cửa khẩu và cảng hàng không, các poster tuyên truyền về việc cấm và sẽ phạt nặng đối với hành vi đem theo sản phẩm từ thịt lợn đã được triển khai tại các cảng hàng không. Chó nghiệp vụ được huy động để kiểm soát kỹ hành lý của hành khách nhập cảnh vào nước này, đặc biệt là lượng khách du lịch rất đông đảo đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thai Lan cũng đã tăng cường các biện pháp lấy mẫu, phân tích để sàng lọc và phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi đối với các trang trại chăn nuôi cũng như các sản phẩm từ lợn, nhất là sản phẩm nhập khẩu.

Theo nguồn tin riêng của NNVN, Tập đoàn C.P (Charoen Pokphand Group) - “ông lớn” trong ngành chăn nuôi của Thái Lan hiện đã ráo riết triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ cho hệ thống trang trại chăn nuôi của tập đoàn rải khắp Thái Lan cũng như Việt Nam. Theo đó, C.P căn cứ theo các khuyến cáo của FAO cũng như cơ quan chức năng về kiểm soát dịch bệnh vật nuôi của Thái Lan về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để phổ biến tới toàn bộ hệ thống trang trại của Tập đoàn. Một số biện pháp đã được C.P đưa ra cho trang trại như: Không mang thịt lợn, thực phẩm có chứa thịt lợn vào trang trại; không sử dụng thức ăn dư thừa làm thức ăn cho lợn; xử lí nước uống cho lợn bằng Chlorine 3-5 ppm trước khi cho uống; ngăn chặn ruồi, muỗi bằng các chế phẩm; sát trùng, tắm, gội đầu, thay quần áo của trại và ủng trại, nhúng vào hố sát trùng trước khi ra vào trại...

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.