Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình (Sở Nông nghiệp-PTNT Quảng Bình) đã trao giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật cho xã Sơn Lộc (Bố Trạch). Đây là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp xã.
Đẩy mạnh an toàn dịch bệnh từ cơ sở
Xã Sơn Lộc có 25 cơ sở chăn nuôi trang trại và hơn 80 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô từ 10-150 con, tập trung chủ yếu tại thôn Thanh Lộc và Đồng Sơn. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã Sơn Lộc gần 20.500 con; trong đó có gần 5.000 gia súc và trên 15.500 gia cầm.
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y Quảng Bình, chương trình xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật cấp xã được thực hiện trên địa bàn xã Sơn Lộc từ tháng 5/2021. Chi cục đã thành lập tổ giám sát xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với thành viên là cán bộ chuyên môn thú y cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ thú y xã. “Trong đó, phân công cán bộ thú y xã làm đầu mối, trực tiếp nắm bắt, theo dõi tình hình chăn nuôi thú y trên địa bàn. Tổ chức tiêm phòng vắc xin, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn. Ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định trong phòng dịch”- ông Tám cho hay.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hỗ trợ 100 lít hóa chất HanIodine cho người chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bố Trạch và chính quyền địa phương tiêm 6.000 liều/2 đợt vắc xin dịch tả, 800 liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn lợn nái và lợn đực giống. Ngoài ra, người chăn nuôi đã chủ động mua, tiêm vắc-xin phòng các bệnh khác trên lợn như: Ecoli, tai xanh...
Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn xã Sơn Lộc được duy trì ổn định với số lượng 4.350 con. Điều kiện chăn nuôi ngày càng được người dân nâng cấp, cải tạo nhằm bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng dịch, có nhiều trang trại chăn nuôi khép kín, có hệ thống chuồng lạnh.
Ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho biết, hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã đã chủ động con giống, hạn chế việc nhập giống từ ngoài vào. “Nhờ đó, hạn chế nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh trong thời điểm các địa bàn, vùng lân cận xảy ra dịch. Hiện, 100% các cơ sở chăn nuôi lợn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải bằng hầm bioga hoặc kết hợp mô hình lợn-cá nên tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi được hạn chế. Trong năm 2021, dịch bệnh trên đàn lợn ổn định, chưa xảy ra các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu phi, tai xanh”- Ông Tiến nhấn mạnh thêm.
Tại địa bàn huyện Bố Trạch, đã xây dựng được 25 cơ sở an toàn dịch bệnh. Bao gồm 1 trung tâm giống vật nuôi tỉnh, 1 công ty chăn nuôi trâu bò Hòa Phát, 1 Công ty chăn nuôi lợn Tân Bình và 22 trang trại chăn nuôi lợn khác. Riêng tại xã Sơn Lộc hiện có 5 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn. Các cơ sở chấp hành tốt quy định về an toàn dịch bệnh, duy trì và phát triển tổng đàn lợn qua các năm.
Xây dựng an toàn dịch bệnh theo chiều sâu
Mục tiêu mà ngành nông nghiệp Quảng Bình đưa ra là phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung với quy mô công nghiệp, bán công nghiệp gắn liền với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Vì vậy, từ năm 2016, Sở Nông nghiệp - PTNT đã cấp kinh phí xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 60 cơ sở, trong đó: có 46 cơ sở đã được cấp Giấy chứng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và đang duy trì điều kiện an toàn dịch bệnh.
Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp - PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã. Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bố Trạch tổ chức rà soát thống nhất chọn xã Sơn Lộc để làm điểm nhấn phát triển thêm các địa phương khác.
Những năm gần đây, bệnh dịch tả lợn Châu Phi ngày càng gia tăng, gây áp lực lớn lên việc phát triển đàn lợn. Nhờ áp dụng, duy trì chặt chẽ các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nên hầu hết các cơ sở an toàn dịch bệnh chưa xảy ra lây nhiễm hay tái nhiễm. Năm 2021, trong số 266 hộ/86 thôn/43 xã, phường, thị trấn/ 8 huyện, thành phố thị xã bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ tập trung vào cơ sở chăn nuôi nông hộ.
Không chỉ hỗ trợ, đảm bảo cho việc xây dựng mô hình an toàn dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi- Thú y Quảng Bình còn triển khai rà soát, kiểm tra thu hồi giấy chứng nhận đối với những cơ sở không duy trì được yêu cầu đặt ra.
Từ năm 2018, do giá cả đầu ra của ngành chăn nuôi giảm mạnh, nhiều cơ sở không còn đầu tư, duy trì đàn vật nuôi. Mặt khác, trước nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm lớn nên một số cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc không duy trì được các điều kiện an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Do đó, qua rà soát, kiểm tra theo quy định, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản thu hồi Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh của 14 cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y Quảng Bình cho hay, sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng an toàn dịch bệnh theo chiều sâu. “Qua đó, nhằm tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp và người dân phát triển chăn nuôi an toàn, tăng hiệu quả và giảm rủi ro”.