Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Thanh long hiện được trồng ở khoảng 30 tỉnh, thành phố, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở 3 tỉnh là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, với hơn 90% diện tích và sản lượng cả nước.
Phần diện tích thanh long còn lại phân bố ở một số tỉnh miền Nam như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh Miền Bắc như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Nội.
Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang một số nước khác như: Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Chile.
Tuy nhiên, từ ngày 29/12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại Việt Nam. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp và chuỗi ngành hàng liên quan tới mặt hàng nông sản này gặp khó khăn, bởi thanh long đầu năm là nghịch vụ, bán được giá hơn nhiều so với chính vụ vào tháng 8, tháng 9.
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều nhà vườn tại các vựa thanh long lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang hiện rơi vào cảnh khó khăn.
Nhằm giải quyết một cách bài bản, căn cơ vấn đề sản xuất, tiêu thụ thanh long, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị khác trực thuộc Bộ tổ chức diễn đàn sáng 6/1, với chủ đề "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long".
Đây là diễn đàn về thanh long quy mô lớn từ trước đến nay. Ngoài các đơn vị của Bộ NN-PTNT, diễn đàn còn được nghe tham luận của một số tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, tham luận của lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương, và ý kiến của Sở NN-PTNT các tỉnh trồng thanh long lớn.
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thanh long lớn để thông suốt thông tin cung - cầu.
Dự kiến, diễn đàn sẽ được nghe Hiệp hội thanh long Long An, Công ty Hoàng Phát Fruit, Công ty Doveco Đồng Giao, Nafoods, Tập đoàn BRG, Hiệp hội Rau quả, Tập đoàn Central Retail, Công ty Rồng Đỏ...
Chủ trương của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới, là mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi thanh long hiện được xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới định hướng này, theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), là diện tích trồng thanh long của Trung Quốc cũng tăng mạnh, đã ngang bằng Việt Nam. Về lâu dài, yếu tố này sẽ tác động lớn đến sản lượng nhập khẩu, gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài chuyển dịch thị trường xuất khẩu, lãnh đạo ngành nông nghiệp còn chủ trương xuất khẩu bằng nhiều phương thực, ngoài đường bộ còn khai thác cả đường biển, đường sắt.
Link zoom phòng họp:
https://zoom.us/j/91247104967?pwd=SFBUY3FGNmM1bE9nWEc4NmhJRDZxQT09
ID cuộc họp: 912 4710 4967
Mật mã: 01062022
Phòng họp zoom sẽ mở từ 07 giờ ngày 06 tháng 1 năm 2022
Phụ trách kỹ thuật: Mr. Nhật: 0916.054.556/ email: nhattq72@gmail.com
Nhóm zalo “Kết nối nông sản” https://zalo.me/g/zjlpeh497 (đây là nơi lưu trữ mọi tài liệu liên quan đến các phiên “kết nối nông sản” và nơi chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác của các thành viên trong nhóm)
Liên hệ:
1. Báo Nông nghiệp Việt Nam: Mr. Phí Hải Nam, điện thoại/zalo: 0974488808. email: cungcaunongsan@gmail.com
2. Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp: Mr. Lập: 0943939968 Emai: daominhlap@gmail.com
3. Chi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Vùng I. Mr. Dũng: 0938008874
4. Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác - Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT2: Mr. Hải: 0986.118.118
Email: tmhaiagu@gmail.com
5. Trường Đại học KHXH&NV TP. HCM: Mrs.Trang: 094.767.788