Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA đưa tin rằng khoảng 5h15 (giờ Moscow), đoàn tàu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đi qua cây cầu bắc qua sông Razdolnaya ở Primorsky và đi về hướng bắc. Đoàn tàu được kéo bởi một đầu máy có biểu tượng của cơ quan đường sắt Nga.
Điện Kremlin ngày 11/9 thông báo lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đến thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Putin. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ năm 2019.
“Đây sẽ là một chuyến thăm chính thức. Sẽ có các cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn và sau đó các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục họp trực tiếp", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Ông Peskov cũng cho biết các cuộc hội đàm sắp tới sẽ tập trung vào một số "vấn đề nhạy cảm" cũng như hợp tác kinh tế và văn hóa song phương.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng ngày 12/9 công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên tàu bọc thép rời Bình Nhưỡng vào chiều 10/9.
Hãng thông tấn Nga TASS cho biết tháp tùng ông Kim Jong-un có Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của đảng Lao động Triều Tiên Ri Pyong-chol và Pak Jong- Chon, người đứng đầu Ủy ban Quân sự của đảng Lao động Triều Tiên.
Trong phái đoàn tháp tùng ông Kim Jong-un, đáng chú ý nhất là lãnh đạo Cục Công nghiệp Đạn dược Jo Chun Ryong. Theo giới chuyên gia, thành phần quan chức tham gia tháp tùng ông Kim Jong-un cho thấy chuyến thăm sẽ chủ yếu tập trung vào hợp tác công nghiệp quốc phòng và các vấn đề an ninh.
“Sự xuất hiện của ông Jo Chun Ryong cho thấy Triều Tiên và Nga sẽ ký kết một số thỏa thuận về mua bán vũ khí”, Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington (Mỹ), cho biết.
Lần gần nhất lãnh đạo Kim Jong-un thăm Nga là chuyến đi tới thành phố Vladivostok để gặp Tổng thống Putin hồi tháng 4/2019. Chuyến thăm diễn ra sau khi cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên giữa ông Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không đạt được kết quả.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên có thể cung cấp đạn pháo và tên lửa chống tăng để Nga sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine. Đổi lại, Nga có thể sẽ cung cấp cho Triều Tiên ngũ cốc, dầu mỏ và các công nghệ quân sự, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đẩy mạnh phát triển phương tiện chiến đấu hiện đại như tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vệ tinh trinh sát quân sự.