Kẻ thù số 1 trên đồng ruộng
Đây là đối tượng sinh sản nhanh, kết hợp điều kiện biến đổi khí hậu nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng; cây trồng đa dạng xen canh, gối vụ cùng với tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng nhiều là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản phát triển quần thể nhanh, khả năng gây hại mạnh.
Vừa vơ đống lá lúa bị chuột cắn, chị Bùi Thị Thuần (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) vừa than, gia đình đã làm đủ mọi cách phòng trừ chuột, nhưng chúng vẫn gặm nhấm lúa quá nhiều.
“Gia đình tôi và các hộ xung quanh đây đã chủ động mua túi nilon quây kín hai đầu bờ, cắm cờ túi bóng xung quanh ruộng, đánh bả thuốc…, nhưng vẫn bị chuột cào xé rách nilon chui vào trong ruộng tàn phá lúa”, chị Thuần nói.
Bỏ dở nhát cuốc đang nạo cỏ bờ, bà Vũ Thị Sáu (xã Trực Chính) nói, ruộng lúa xuân của gia đình bà cũng đang có dấu hiệu chuột gặm nhấm lúa.
Theo bà Sáu, loài chuột nguy hiểm hơn ốc bươu vàng. Chúng được coi là kẻ thù số 1 trên đồng ruộng. Là nỗi sợ của hầu hết bà con nông dân. Chỉ cần chủ quan là mất ruộng lúa như chơi.
“Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ ở 2 đầu bờ sẽ hạn chế được một phần chuột hại lúa. Bởi, chuột hay trú ngụ trong bụi cỏ rậm, trong hang, ổ… Ngoài ra, trong ruộng phải luôn đầy ắp nước, tránh khô cạn. Có như vậy, chuột mới không dám tung tăng đi lại trong ruộng và ít có cơ hội gặm nhấm lúa”, bà Sáu cho biết thêm.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh, nạn chuột đang bắt đầu hoành hành trên cánh đồng lúa ở các địa phương. Bà con nông dân đã sử dụng túi bóng nilon bao quanh ruộng, đánh bả nhằm hạn chế “giặc” chuột.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho hay, theo số liệu thống kê từ các huyện, thành phố thì tổng diện tích lúa xuân trong tỉnh đã bị chuột gây hại từ mức độ nhẹ đến trung bình là 24ha, không có diện tích hại nặng.
“Công tác diệt chuột năm nay đạt hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Những diện tích chuột phá hại đã cơ bản được cấy, dặm tỉa, bón phân kịp thời đảm bảo tốt việc sinh trưởng, phát triển của lúa xuân”, ông Chính bộc bạch.
Ra quân diệt chuột
Để hạn chế “giặc” chuột hại lúa, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, phát động nông dân ra quân diệt chuột thường xuyên, liên tục; trong đó xác định rõ các đợt cao điểm (nhất là đợt diệt chuột khi đưa nước đổ ải ở đầu vụ) để diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, tại Nam Định, nông dân diệt chuột bằng nhiều hình thức; kết hợp nhiều biện pháp (hoá học, sinh học, thủ công). Trong đó, biện pháp sinh học và thủ công là chủ yếu.
Không dùng thuốc cấm, dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột. Thực hiện diệt chuột đúng kỹ thuật; chú trọng bảo vệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và giữ vệ sinh môi trường.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định nhấn mạnh, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức diệt chuột quyết liệt và mang tính cộng đồng. Huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân tham gia diệt chuột. Một số huyện đã hỗ trợ kinh phí mua thuốc diệt chuột cho nông dân (như huyện Ý Yên, Nam Trực).
Vị này cho biết thêm, nhiều nơi đã tổ chức tốt việc thành lập các tổ, đội dịch vụ diệt chuột, qua đó lựa chọn, áp dụng nhiều hình thức diệt chuột khác nhau và hoạt động liên tục trong cả vụ lúa.
Mỗi tổ, đội quy định cụ thể về trách nhiệm, chế độ đóng góp của hộ nông dân. Vì vậy đã đạt được kết quả cao trong công tác diệt chuột.
Ông Nguyễn Văn Điến, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng chia sẻ, ngoài đánh bắt bằng phương pháp hóa học, sinh học, chúng tôi cũng đánh bắt bằng phương pháp thủ công theo phương châm “nhà nhà đánh chuột, người người đánh chuột”.
Sau mỗi đợt phát động đánh bắt chuột, HTX đứng ra thu mua hàng tạ chuột tươi sống của bà con nông dân với giá từ 2-5 nghìn đồng/con, tùy vào trọng lượng. Sau đó, HTX cắt đôi con chuột, đưa đi tiêu hủy.
Một nông dân xã Nghĩa Thịnh chia sẻ, trên đồng ruộng vẫn còn nhiều chuột. Để phòng tránh chuột hại lúa, 100% các hộ dân nơi đây đã căng túi bóng quanh cánh đồng nhưng chuột vẫn nhảy từ trên bờ vào ruộng hoặc cắn rách túi bóng để vào tàn phá lúa…
“Thời điểm lúa phân hóa đến làm đòng là thời kỳ chuột hoạt động mạnh nên thời gian tới các địa phương cần tích cực phát động diệt chuột thường xuyên, liên tục, nhằm giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra...”, ông Trần Ngọc Chính khuyến cáo.