| Hotline: 0983.970.780

Điều chỉnh quy hoạch thoát nước để chống ngập cho TP.HCM

Thứ Ba 20/12/2022 , 12:03 (GMT+7)

Thoát nước kém đang là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ngập úng cho TP.HCM mỗi khi có mưa lớn. Để chống ngập cho Thành phố cần điều chỉnh quy hoạch thoát nước.

Ngập ở TP.HCM sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Sơn Trang.

Ngập ở TP.HCM sau một cơn mưa lớn. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, mưa lớn trên địa bàn Thành phố có xu hướng ngày càng gia tăng, theo đó tần suất xuất hiện những trận mưa có lượng mưa lớn trên 100 mm nhiều hơn, tập trung trong thời gian ngắn.

Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 40 năm (1970 đến 2010), trên địa bàn TP.HCM xuất hiện 11 trận mưa trong 3 tiếng, đạt lượng mưa trên 100mm (trung bình 4 năm mới xuất hiện 1 lần). Nhưng trong hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 29 trận mưa trong 3 tiếng, tức là bình quân 1 năm xuất hiện 3 lần.

Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021 có 4 trận mưa, chỉ trong 60 phút lượng mưa đã đạt tới 100mm - 212mm. Qua đó cho thấy thời gian qua mưa tăng cả tần suất và lượng mưa.

Để cải thiện tình trạng thoát nước mưa và nước thải cho TP.HCM, ngày 19/6/2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 752/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752).

Ông Nguyễn Đức Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, cho biết, dù đã hết hạn, nhưng đến nay, tiến độ triển khai các quy hoạch liên quan đến Quy hoạch 752 trên địa bàn Thành phố còn chậm.

Tiến độ thực hiện các dự án thoát nước quy mô lớn chậm do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, nguồn vốn không đảm bảo, trình tự thủ tục kéo dài. Một số dự án đầu tư của nhà đầu tư chưa được kết nối đồng bộ với các dự án thoát nước, chống ngập chung làm phát sinh tình trạng ngập cục bộ tại một số khu vực.

Hệ thống thoát nước của Thành phố chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh, rạch (với khoảng 2.953 tuyến, tổng chiều dài khoảng 4.371km), nhưng do quá trình đô thị hóa, tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép, xả rác xuống sông, kênh, rạch vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước, tạo nước dâng cục bộ. Đồng thời, việc đầu tư nạo vét hệ thống sông, kênh, rạch còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của cả hệ thống.

Ngập lụt đô thị ở TP.HCM. Ảnh: Sơn Trang.

Ngập lụt đô thị ở TP.HCM. Ảnh: Sơn Trang.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp đô thị, một số tuyến đường chính được nâng cao theo đúng cao trình theo quy hoạch (+2.0m), nhưng nhà dân không nâng cao cốt nền nhà cho đồng bộ với việc nâng cấp đường trong khi lại không xây dựng hệ thống thu gom nước chảy tràn. Điều này gây ra tình trạng nước chảy tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn hoặc cũng có trường hợp một số tuyến đường hẻm hai bên chưa được nâng cấp đồng bộ, không đấu nối được hệ thống thoát nước ra cống chính gây ngập cục bộ.

Quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng nên hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập úng, tuy nhiên việc đánh giá lại các quy hoạch để điều chỉnh bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế còn chậm. Ngoài ra, chưa xác định được các chỉ tiêu về hệ số mặt nước, vùng đệm thoát nước.

Mặt khác, một số thông số trong Quy hoạch 752 hiện đã trở nên lạc hậu trước những thay đổi của khí tượng, thủy văn cũng như tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố ...

Chẳng hạn, trước đây thông số đầu vào để lập Quy hoạch 752 là lượng mưa mưa tối đa trong 3 giờ là 95,91mm, đỉnh triều là +1,32m nhưng gần đây có những trận mưa chỉ trong 60 phút đã đạt lượng mưa tới 100 - 122mm và đỉnh triều đã đạt mức kỷ lục 1,77m.

Trong Quy hoạch 752, phạm vi nghiên cứu chỉ tính khu vực nội thành vào thời điểm năm 2001 với diện tích khoảng 140 km2 và khu vực kế cận với diện tích khoảng 510 km2. Phạm vi này chỉ chiếm hơn 30% diện tích của TP.HCM. Trong hơn 20 năm qua, TP.HCM đã có thêm nhiều quận mới nên khu vực nội thành như trong Quy hoạch 752 hiện đã không còn phù hợp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi đã không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Do đó một số tuyến đường đã được đầu tư vừa qua vẫn có khả năng xuất hiện ngập khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế; chưa có quy hoạch cao độ nền làm cơ sở tính toán chính xác khi đầu tư hệ thống thoát nước; quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương chưa được quan tâm cập nhật thông tin về hệ thống hạ tầng thoát nước.

Xem thêm
Dự kiến trình cấp thẩm quyền phương án giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Phiên họp của Ban Chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ đã thống nhất phương án trình cấp thẩm quyền về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Long An tri ân các mạnh thường quân

Ngày 11/1, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ tri ân các nhà tài trợ, doanh nghiệp, mạnh thường quân vì sự phát triển và an sinh xã hội tỉnh Long An năm 2024.