Chúng tôi đến huyện Chơn Thành, nơi được mệnh danh là thủ phủ SX cây giống cao su của tỉnh Bình Phước với khoảng 500 hộ nông dân chuyên SX giống cao su tập trung tại 2 xã Thành Tâm và Minh Long. Trong đó, cơ sở SX ít nhất 10 ngàn cây, cao nhất 2 triệu cây giống/năm.
Theo ước tính của anh Hân, cán bộ kỹ thuật Cty Cao su Bình Long, trừ vườn ươm của các Cty cao su thì mỗi năm tỉnh Bình Phước SX khoảng 10 triệu cây, đủ trồng cho vài chục ngàn ha (550 cây/ha). Nhưng từ năm 2013 đến nay, giá mủ cao su tụt dần và giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2014 thì nghề SX giống cây cao su cũng lao đao.
Theo các nhà vườn SX giống, năm nay các điểm bán chủ yếu cung cấp giống Lai Hoa 90952, B260, Rim 600, GT1 vừa ế ẩm mà giá cũng thấp, bình quân 2,5 - 3 ngàn đ/stum trần, 5 - 6,5 ngàn đ/stum bầu hạt, tức giá bán vẫn không tăng.
Trong khi đó, đây là những giống cho sản lượng mủ nhiều, kháng bệnh cao, khả năng chống chịu gió tốt nên các khoản chi phí đầu tư giống đều cao, làm cho các nhà vườn thua lỗ nặng.
Ông Lâm Văn Cho, xã Minh Long cho biết, năm 2011 gia đình ông trồng 2 ha stum trần, 1 ha stum bầu hạt, giống BB260, Rim 600, GT1, Lai Ha 90952. Năm 2013, do ít nơi đặt hàng nên ông đốn bỏ 1 ha, năm nay đã bước vào vụ trồng mà khách hàng mới đến đặt mua có 3 ngàn cây giống.
"Chi phí 1 ha cao su giống bình quân khoảng 250 triệu đ, nhưng với sức mua và giá bán hiện nay chắc chắn lỗ nặng. Tui mới chặt bỏ cả thêm 20 ngàn cây giống vì để từ năm trước không ai mua. Xót lắm nhưng phải chặt đi để trồng cây khác”, ông Cho nói.
Còn hộ bà Lê Thị Nhỏ trồng 2 ha stum trần và 1 ha stum bầu hạt từ năm 2010. Các năm qua, nhờ bán cây giống cho các tỉnh miền Trung khoảng 50 ngàn cây/năm nên sống được, mỗi ha stum trần lãi 70 - 100 triệu đ. Nhưng năm nay, ở miền Trung không vào đặt hàng nữa nên bà không biết phải xử lý 30 ngàn cây giống đang tồn trong vườn như thế nào.
"Năm nay giá mủ cao su rẻ nên diện tích trồng cao su càng giảm nhất là khu vực tiểu điền. Vì vậy, stum giống bán không được giá cũng là điều dễ hiểu. Đây chính là hệ lụy của cơ chế thị trường khi các năm trước giá mủ tăng nhiều hộ dân SX giống cao su nhỏ lẻ bung ra, phát triển ồ ạt, cung vượt quá cầu, cuối cùng thì gậy ông đập lưng ông", ông Bắc đúc kết. |
"Giá mủ rẻ quá, người trồng cao su ở địa phương còn muốn chặt đi trồng cây tiêu thì giống cao su không biết bán cho ai. Để lâu quá không bán được chắc tới đây cũng chặt bỏ thôi", bà Nhỏ than vãn.
Đau nhất là hộ anh Huỳnh Nhật ở xã Thành Tâm. Từ hộ vừa "thoát nghèo" nhờ vay quỹ tín dụng được 50 triệu đ, năm 2010 anh mua hột cao su về trồng trên vài công đất nhà. Năm 2012, thấy bán cao su giống có lời, anh thuê thêm đất, vay tiền bên ngoài (lãi suất 2%/tháng) của ông L để mở rộng diện tích, ươm trồng gần 200 ngàn cây giống.
Nhưng từ năm 2013, giá giống cao su không còn "hot", giá vừa giảm mà bán cũng chậm, số vốn bỏ ra cho việc đầu tư cây giống, thuê đất, thuê nhân công tốn chừng 300 triệu đ gần như mất sạch. Hiện nay anh bán vườn giống cho chủ nợ, quay trở lại công việc đi cạo mủ thuê với tiền công 170 ngàn đ/ngày.
Bằng kinh nghiệm, anh nói: “Giá vốn 1 cây stum trần là 2.800 đ, còn stum bầu là 5.000 đ (do công tốn kém, tỷ lệ cây sống cao), nên cây giống giá bán khoảng 8 - 10 ngàn đ/cây thì may ra nhà vườn có lãi, chứ rớt xuống còn mấy ngàn như lúc này thì tui phải bỏ nghề thôi".
Ông Võ Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm cho biết, phần lớn cây giống cao su ở địa phương cung cấp cho các dự án trồng cao su ở miền Trung, Tây Nguyên và cả Campuchia nhưng do giá xăng dầu cao, cước vận tải tăng làm đẩy chi phí vận chuyển cây giống tăng theo, vì thế nhiều dự án trồng cao su đã chủ động SX cây giống tại chỗ.
Còn ở miền núi phía Bắc sau đợt hàng trăm ha cao su 2 - 3 năm tuổi chết đứng vì giống SX phía Nam cung cấp không phù hợp với giá rét nên nhiều Cty đã phải tìm hướng khác...