| Hotline: 0983.970.780

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp:

DN, HTX là chủ thể áp dụng công nghệ tiến tiến chế biến nông sản và cơ giới hóa

Thứ Năm 20/12/2018 , 08:58 (GMT+7)

Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, chủ thể của cơ giới hóa trong nông nghiệp là doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX). Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, doanh nghiệp phải đóng vai trò quyết định khâu chế biến, đặc biệt là chế biến sâu.

Doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ thể

Ông Lê Văn Tam, Giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết, trước đây, công ty liên kết với 35.000 nông dân tại 113 xã của 11 huyện để sản xuất nguyên liệu. Thế nhưng, kể từ khi Luật Hợp tác xã đi vào cuộc sống, công ty đã triển khai sản xuất nguyên liệu thông qua 40 HTX. Đây là những đầu mối quan trọng trong việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Trước những khó khăn chung của ngành mía đường, doanh nghiệp cũng phải “chuyển mình” để thích nghi.

08-43-28_1
Các nhà máy chế biến chè vẫn chưa thể hoạt động hết công suất (Ảnh: Võ Dũng)

“Chúng tôi đã mua một số máy thu hoạch mía với trị giá trên dưới 10 tỷ đồng/máy, giao cho các HTX làm dịch vụ thu hoạch và thu mua nguyên liệu. Trong thời điểm nhân công phục vụ sản xuất, thu hoạch mía thiếu hụt như hiện nay, nếu chúng tôi vẫn hợp tác với từng hộ dân thì không thể đưa được cơ giới hóa vào đồng ruộng. Trong khâu chế biến cũng như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, rõ ràng doanh nghiệp phải là chủ thể. Một hộ cá thể không thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua một máy thu hoạch nguyên liệu cũng như đầu tư chế biến sâu” – ông Tam nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, ông Cao Xuân Thanh, đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam cho rằng, số doanh nghiệp tham gia chế biến gỗ của Việt Nam hiện nay hiện nay là 4.500 doanh nghiệp (600 doanh nghiệp FDI). Nhưng cái mà chúng ta thiếu hiện nay chính là thương hiệu trên trường quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang hỗ trợ nông dân trồng rừng có chứng chỉ FSC, giá thu mua nguyên liệu cao hơn và các sản phẩm gỗ sẽ được xuất đi những thị trường khó tính.

“Doanh nghiệp, thông qua các HTX phải là chủ thể trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và phải tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định trong chế biến, chế biến sâu. Nếu không có chứng chỉ rừng FSC, chúng ta chỉ xuất khẩu gỗ dăm, nếu tính toán kỹ doanh nghiệp chỉ còn 1-2% lợi nhuận. Doanh nghiệp rất muốn đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tái cấu trúc sản phẩm đưa ra thị trường khó tính, giá trị cao. Nhưng việc khó tiếp cận đất đai triển khai trồng FSC khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để tạo ra các sản phẩm đáp ứng thị trường khó tính. Như vậy, ngành công nghiệp chế biến gặp khó sẽ khiến người trồng rừng gặp khó” – ông Thanh cho biết.

08-43-28_2
Các sản phẩm từ gỗ vẫn chưa có thương hiệu trên trường quốc tế (Ảnh: Võ Dũng)

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) cho rằng, không những công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp của chúng ta còn nhiều hạn chế mà công nghệ kiểm soát, kiểm nghiệm của Việt Nam cũng còn chưa đáp ứng nhu cầu.

“Chúng tôi hiện có công nghệ chế biến nông sản thuộc diện hiện đại nhất cả nước và sản phẩm được xuất khẩu sang 40 quốc gia, lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính hàng đầu. Ví dụ, khi đưa một sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải kiểm nghiệm 700 loại hóa chất bảo vệ thực vật. Thế nhưng, công việc này chúng tôi đang phải đi thuê doanh nghiệp nước ngoài thực hiện vì trong nước không đủ khả năng phân tích” – ông Thanh cho biết.

Trong khi nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng ngành công nghiệp chế biến thì ngành chè lại đang vượt khả năng, quy mô chế biến nhưng vẫn nằm trong tình trạng chung hiện nay, đó là khả năng chế biến sâu còn nhiều hạn chế: “Hiện nay, công suất chế biến chè của chúng ta chỉ ở mức 60-70% công suất. Đa phần vẫn là chế biến thô, giá trị thấp. Vì vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp cần làm rõ vai trò của daonh nghiệp và HTX để gắn vùng nguyên liệu với chế biến sản phẩm, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Còn về ngành mía đường, chúng ta có vùng nguyên liệu dồi dào nhưng lại đang có công nghệ chế biến thua xa các nước trong khu vực. Vì vậy, chúng ta phải tự trách mình, đừng đổ lỗi cho đường nhập lậu. Phải cơ cấu lại, phải đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
 

Tập trung cho đầu tư công nghệ chế biến sâu

Việt Nam hiện có 7.500 doanh nghiệp chế biến công nghiệp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Một số ngành hàng có công nghệ tương đối hiện đại, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu, duy trì được tăng trưởng công nghiệp ở mức cao (8-10%/năm); kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng đột phá, năm 2017 đạt 36,53 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với năm 2007. Chế biến công nghiệp đã thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động sản xuất nguyên liệu và dịch vụ.

08-43-28_3
Chế biến sâu chưa xứng tiềm năng, cơ giới hóa chưa đồng bộ là một nốt trầm trong tái cơ cấu nông nghiệp (Ảnh: Võ Dũng)

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các tỉnh phía Bắc hiện chiếm 23,66% số doanh nghiệp chế biến của cả nước. Tuy nhiên, giá trị chế biến các mặt hàng chế biến chỉ chiếm 15%, chủ yếu là thủy sản, xay xát gạo, rau quả, chè, sản xuất đồ gỗ tận dụng phục vụ nội địa.

Theo Thứ Trưởng Trần Thanh Nam, ngành công nghiệp chế biến tại các tỉnh phía Bắc chưa xứng với tiềm năng. Năng lực chế biến hầu hết còn kém, quy mô sản xuất còn nhỏ; đa phần vẫn chỉ nằm ở dạng chế biến thô (70-80%) vì thế chưa tạo nên được giá trị cao cho các mặt hàng nông sản: “Chế biến thô dẫn đến giá trị nông sản thấp. Trong tái cơ cấu nông nghiệp cần tạo ra công nghiệp chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm. Hiện nay, khu vực phía Bắc đã cơ giới hóa được 83% khâu làm đất, 50-60% khâu thu hoạch nhưng chúng ta chưa có được mối liên kết chặt chẽ giữa cơ giới hóa trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Vì lẽ đó, công nghiệp chế biến, chế biến sâu vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đặt ra vấn đề, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều tiên quyết không những chỉ tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao mà còn phải giải quyết tốt khâu đầu ra cho nông dân: “Phải làm thế nào để không còn phải “giải cứu” nông sản. Công nghiệp chế biến, chế biến sâu; cơ giới hóa trong nông nghiệp cùng với chính sách hỗ trợ sẽ từng bước giải quyết vấn đề đó. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu nông sản cán đích 70 tỷ USD. Vì mục tiêu này, chúng ta phải tập trung đầu tư công nghiệp chế biến sâu; không nên đầu tư dàn trải; phải gắn việc quy hoạch vùng nguyên liệu an toàn với việc nâng cao thu nhập cho người dân. Khi chúng ta có vùng nguyên liệu an toàn thì mới có sản phẩn an toàn và đủ điều kiện xuất đi các thị trường khó tính, lợi nhuận cao”.

08-43-28_4
Chủ thể của cơ giới hóa và chế biến nông sản là doanh nghiệp, hợp tác xã (Ảnh: Võ Dũng)

Xem thêm
Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.