| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp lại bị 'ép giá' tiền thuê đất

Thứ Năm 04/06/2020 , 08:35 (GMT+7)

Dù Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) xác định giá trị quyền sử dụng đất hơn 18 tỷ đồng nhưng Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa lại tăng gần 1,9 lần.

Dù trả tiền thuê đất 1 lần nhưng doanh nghiệp đang chịu gánh nặng tài chính lớn khi UBND tỉnh Thanh Hóa tăng giá đất. Ảnh: Võ Dũng.

Dù trả tiền thuê đất 1 lần nhưng doanh nghiệp đang chịu gánh nặng tài chính lớn khi UBND tỉnh Thanh Hóa tăng giá đất. Ảnh: Võ Dũng.

Giá trị tiền nộp thuê đất 1 lần bỗng dưng tăng gần 1,9 lần

Năm 2007, khi tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ, Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu Như Thanh chính thức dừng sản xuất, khu đất rộng trên 82 nghìn m2 tại xã Hải Long, huyện Như Thanh bị bỏ hoang.

Năm 2016, Tổng công ty Tiên Sơn đã mua lại, thành lập Công ty CP May TATSU, đầu tư Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh.

Sau đó, Công ty CP may TATSU làm thủ tục xin được chuyển hình thức từ nộp tiền thuê đất hằng năm sang nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận. Thời hạn tính tiền thuê khu đất là 32,75 năm (đến ngày 4/2/2052).

Ngày 28/8/2019, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa ra văn bản số 3729/HĐTĐGĐ thông báo kết quả thẩm định phương án giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền thuê đất thực hiện dự án Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh.

Theo văn bản này: “Loại đất thực hiện dự án Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, không phải đất thương mại, dịch vụ theo bảng giá đất ban hành kèm theo Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 18/12/2014.

Do đó, căn cứ giá đất Nhà nước quy định bình quân cho thời hạn thuê đất 32,75 năm của dự án là 186.066 đồng/m2”.

Trong quá trình thẩm định giá đất trình hội đồng, Sở TN- MT đã căn cứ Chứng thư định giá đất của Công ty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam và các quy định có liên quan, đề xuất giá trị quyền sử dụng đất hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê 32,75 năm là 18.577. 837.253 đồng (bình quân 226.360 đồng/m2); cao gấp 1,21 lần so với giá đất quy định tại bảng giá theo Quyết định 4545/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May TATSU, dù doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra nhưng để phát triển sản xuất, doanh nghiệp đã đồng ý với đề xuất giá do Sở TN- MT đưa ra.

Tuy nhiên đến ngày 6/9/2019, Công ty CP May TATSU bất ngờ nhận được Quyết định số 3546/QĐ-UBND phê duyệt phương án giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền thuê đất sử dụng vào mục đích Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh do bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký với mức giá 29.014.503.800 đồng (353.525 đồng/m2), cao hơn gần 1,6 lần so với đề xuất của Sở TN- MT và gần 1,9 lần so với giá đất quy định tại Quyết định 4545 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Khó chấp nhận “lý lẽ” do hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa

Lý do mà hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa “vin” vào để nâng giá tiền thuê đất từ hơn 18 tỷ lên đến hơn 29 tỷ đồng là giá đất ở giao dịch thị trường lân cận dự án đang có biến động tăng so với giá đất Nhà nước quy định. Khu vực dự án giáp với thị trấn Như Thanh và Quốc lộ 45 vào khu du lịch sinh thái Bến En.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May TATSU cho biết, đây là điều không thể chấp nhận bởi mức giá mà hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đưa ra cao gấp 1,5 lần so với giá thuê đất tại các địa phương khác như Thọ Xuân, Triệu Sơn, nơi doanh nghiệp của ông đang đầu tư. 

“Việc hội đồng thẩm định giá đất căn cứ vào giá đất khu vực lân cận có biến động tăng là rất cảm tính. Trước đây, khu đất từng bỏ hoang hơn chục năm, chúng tôi đã đầu tư nhà máy may, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương chứ không phải thuê đất với mục đích thương mại, phân lô bán nền.

Hơn nữa, chúng tôi xin thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê. Vì những lẽ đó, nếu không khuyến khích, ưu tiên doanh nghiệp thì thôi UBND tỉnh Thanh Hóa còn nâng giá đất vô tội vạ khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh khó khăn”, ông Lâm cho biết.

Trước sự việc trên, công ty nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, báo cáo trực tiếp tại các cuộc gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hằng tháng của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các sở ngành có liên quan xem xét lại đề nghị của doanh nghiệp nhưng Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ nguyên quan điểm.

Sau nhiều lần có ý kiến bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, 16/4/2020, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét lại cách tính tiền thuê đất dự án Nhà máy may công nghiệp xuất khẩu Như Thanh của Công ty CP May TATSU.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa nhiều lần bảo vệ quan điểm về giá đất cho thuê nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn tăng giá đất lên gần 1,9 lần. Ảnh: Võ Dũng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa nhiều lần bảo vệ quan điểm về giá đất cho thuê nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn tăng giá đất lên gần 1,9 lần. Ảnh: Võ Dũng.

Tại văn bản này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhận định hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đã “làm việc thiếu khách quan, duy ý chí, bỏ qua các quy định của pháp luật hiện hành, có biểu hiện áp đặt, chèn ép gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Được biết, hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đang giao cho Sở TN- MT chủ trì cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét đề nghị của Công ty CP May TATSU.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm