| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp ngành gạo: Hai mảng màu trái ngược

Thứ Tư 05/06/2024 , 10:50 (GMT+7)

Xuất khẩu kỷ lục, doanh thu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thua lỗ, nợ nần. Trong khi với doanh nghiệp báo lãi, lợi nhuận chính lại cũng không tới từ lúa gạo...

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đề cập trong bài viết gần đây, xuất khẩu gạo cả nước trong 4 tháng đầu năm đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới, đạt gần 3,2 triệu tấn, trị giá thu về hơn 2 tỷ USD, tăng gần 12% về lượng và tăng 36,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là con số cao nhất đạt được của ngành lúa gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Trong 4 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 644 USD/ tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Gạo của Việt Nam xuất sang các thị trường tiêu thụ chính như Philippines, Indonesia, Malaysia... đều có tăng trưởng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, so bức tranh tích cực của toàn ngành, kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp ngành gạo lại thể hiện hai mảng màu khá trái ngược. Số ít doanh nghiệp lãi lớn, bên cạnh phần đông doanh nghiệp giảm sút lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ nặng.

Doanh thu, lợi nhuận ròng của 10 doanh nghiệp ngành lúa gạo niêm yết trên sàn chứng khoán trong quý I/2024. Theo VietstockFinance

Doanh thu, lợi nhuận ròng của 10 doanh nghiệp ngành lúa gạo niêm yết trên sàn chứng khoán trong quý I/2024. Theo VietstockFinance

Theo đó, trong số 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh, so với cùng kỳ 2023, có 4 doanh nghiệp tăng lãi, 3 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp tiếp tục lỗ và 1 doanh nghiệp có lãi trở lại.

Việc kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn không được như kỳ vọng, trái ngược với bức tranh tích cực trong xuất khẩu gạo của ngành, vốn là câu chuyện không mới. Bởi nhìn chung các doanh nghiệp trong ngành, dù doanh thu có tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu, song lãi thu về rất mỏng. Các chi phí đầu vào như lãi vay, chi phí bán hàng, phân bón hay biến động tỷ giá, giá cả thị trường đều trực tiếp "bào mòn" lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đơn cử, như lãnh đạo CTCP Lộc Trời từng lý giải, để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với lãi suất 0%. Trong khi đó, doanh nghiệp lại phải vay vốn ngân hàng với lãi cao, ở giai đoạn thị trường vốn khó khăn - khiến “ăn mòn” phần lớn lợi nhuận tạo ra.

Lúa gạo chưa phải là mảng đem lại lợi nhuận chính của doanh nghiệp

Trong số các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết trên sàn, CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN) là cái tên có kết quả kinh doanh tích cực nhất trong trong quý I/2024.

Theo đó, PAN có doanh thu thuần đạt hơn 3.461 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Tất cả mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp đều báo tăng trưởng 30-45%, theo công bố của lãnh đạo tập đoàn tại ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 4.

Các mảng kinh doanh chính của PAN đều tăng trưởng hơn 30% trong quý I.

Các mảng kinh doanh chính của PAN đều tăng trưởng hơn 30% trong quý I.

Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp hơn 38% tổng doanh thu và 57% lợi nhuận sau thuế của PAN, lần lượt tăng 30% và 24% so với cùng kỳ 2023.

Dù vậy, tương tự các doanh nghiệp trong ngành, ở mảng này, hoạt động chính đem lại nhiều doanh thu, lợi nhuận cho PAN vẫn tới từ các sản phẩm nông dược (thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng...).

Đơn cử, năm 2023, mảng nông dược của PAN có doanh thu tăng 10%, lợi nhuận tăng hơn 30% khi nông dân mở rộng sản xuất, canh tác khiến nhu cầu vật tư, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng theo. Trong khi đó, dù tận dụng được đáng kể cơ hội từ giá gạo tăng cao, biên lợi nhuận gộp từ mảng gạo của PAN mới đạt khoảng 15%.

Tương tự, với CTCP Thương mại Kiên Giang (KTC), trong số lãi 14 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ 2023, phần lớn tới từ việc doanh nghiệp thanh lý tài sản cố định (4 tỷ đồng) và khoản lãi từ công ty liên kế (hơn 5 tỷ đồng).

Toàn cảnh doanh thu của 10 doanh nghiệp ngành lúa gạo niêm yết giai đoạn 2022-2024.

Toàn cảnh doanh thu của 10 doanh nghiệp ngành lúa gạo niêm yết giai đoạn 2022-2024.

Trong quý I/2024, nếu xét về doanh thu, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2 - mã VSF) đừng đầu trong số các doanh nghiệp được thống kê với doanh thu đạt gần 4.800 tỷ đồng. Dù lãi ròng của doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng song vẫn cải thiện đáng kể so với số lỗ hơn 7,1 tỷ đồng của Vinafood 2 trong quý I/2023.

Đáng chú ý, phải tới năm ngoái, Vinafood 2 mới bắt đầu có lãi trở lại (23 tỷ đồng) sau hơn chục năm thua lỗ hơn liên tiếp. Hệ quả là, tới hết quý I/2024, Vinafood 2 vẫn đang lỗ lũy kế hơn 2.777 tỷ đồng.

Hai "ông lớn" về xuất khẩu gạo lỗ lớn

Cùng với CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR), CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) - là hai cái tên doanh nghiệp ngành gạo được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua về những lùm xùm, bên cạnh việc kinh doanh "kém sắc".

Quý I/2024, doanh thu của LTG đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ ngành lương thực, khi tăng tới 96% so với quý 1/2023, đạt 3.284 tỷ đồng.

Cũng vì doanh thu mảng lương thực chiếm đến 85% cơ cấu doanh thu của Lộc Trời, nên sự sụt giảm biên lợi nhuận mảng này đã tác động mạnh tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý.

Thêm vào đó, doanh thu tài chính của LTG chỉ đạt 33 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Việc chi phí tài chính tăng hơn 28% lên 188,6 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay cùng khoản lỗ tỷ giá hối đoái đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn.

Kết quả, Lộc Trời báo lỗ sau thuế 96 tỷ đồng trong quý I, tăng đáng kể so với mức lỗ 81,2 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.

Nếu như LTG có sự bùng nổ về doanh thu, ngược chiều lợi nhuận thì với TAR - cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm trong quý I. Trong đó, doanh thu của TAR đạt 715,4 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ 2,7 tỷ đồng, giảm tới 68%.

Đối chiếu với kế hoạch kinh doanh năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 3.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 31 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, TAR thực hiện được hơn 23% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới đạt 9% mục tiêu lợi nhuận của năm.

LTG. AGM là hai doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý I.

LTG. AGM là hai doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý I.

Cùng cảnh thua lỗ, một doanh nghiệp gạo tên tuổi khác là CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex - mã AGM) vừa tiếp tục báo lỗ ròng 15 tỷ đồng trong quý I, nâng mức lỗ luỹ kế lên hơn 175 tỷ đồng.

Trong 9 quý gần nhất, Angimex có tới 7 quý kinh doanh thua lỗ. Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024, chỉ có quý I/2022 và quý III/2023 là doanh nghiệp này có lãi (9,9 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng), còn lại đều lỗ. Trong đó, nặng nhất là quý IV/2022 với số lỗ 198 tỷ đồng.

"Cơn gió ngược" với AGM liên tiếp đến sau khi ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Louis Holdings  bị cơ quan chức năng bắt tạm giam ngày 20/4/2022, với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Việc lỗ lớn trong 2 năm vừa qua cũng đã khiến cổ phiếu AGM bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 5/4/2024. 

Kinh doanh thua lỗ, để trả các khoản nợ đến hạn, Angimex đã phải tiếp tục bán tài sản nhằm tạo dòng tiền. Tại ĐHĐCĐ hôm 25/4, AGM đã phải thông qua phương án bán tài sản là Nhà máy chế biến lúa gạo Bình Thành (An Giang) cho CTCP APC Holdings (Hà Nội) theo hình thức bán trực tiếp.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp gạo xuất khẩu càng nhiều càng thua lỗ là do thiếu thông tin thị trường và chủ quan trong dự báo.

Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có thói quen ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước tăng cao và tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký kết.

Đồng thời, khi có biến động giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần làm tăng thêm thua lỗ.

Xem thêm
Chưa vào vụ, sầu riêng Đắk Lắk đã đối mặt khó khăn

Diện tích cũng như sản lượng sầu riêng Đắk Lắk tăng cao so với năm 2023 và địa phương này đối mặt với nhiều khó khăn dù mùa vụ mới bắt đầu.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Quyết định 216 đang gây khó cho việc dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp

TRÀ VINH Dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp là phù hợp, tuy nhiên chỉ dẫn kỹ thuật tại Quyết định 216 của Bộ Xây dựng đang gây khó doanh nghiệp, địa phương khi thực hiện.

Hiệu ứng tích cực từ ngành bất động sản TP.HCM

Tăng trưởng tín dụng bất động sản mấy tháng qua cho thấy ngành này đang khởi sắc, và tác động tích cực đến những ngành khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.