| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo Lút Ma Tắc

Thứ Tư 08/07/2015 , 09:04 (GMT+7)

Người Ê Đê có 2 món tiết canh là Mtah và Priêng Láp. Trong đó, Mtah là tiết canh trâu, bò, dê; còn Priêng Láp là tiết canh heo, chính là món tiết bóp hay Lút Ma Tắc. 

Khi những con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy, núi rừng còn chìm trong giấc ngủ say, trong hơi sương lành lạnh, thì những chủ nhân buôn Choa A của người Ê Đê ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) đã thức dậy, quây quần bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà mới của Tun Khôi. Họ đang chuẩn bị làm lễ cúng tế thần linh, mừng nhà mới của Tun Khôi.

Lễ bôi máu

Trong màn đêm đặc quánh sương mù ôm lấy cả buôn, Tun Khôi cùng những người phụ nữ trong bộ quần áo truyền thống ngồi xúm xít nhóm lửa trong căn bếp còn thoang thoảng mùi gỗ.


Ngôi nhà mới của Tun Khôi nằm lọt thỏm giữa rừng

Phút chốc, căn nhà rực sáng giữa bóng đêm. Bên ánh lửa, họ thay nhau thả những làn khói thuốc bay mù mịt, cười nói rôm rả làm huyên náo cả một góc rừng.

Ngoài sân, dưới tán cây bằng lăng còn thấm đẫm những giọt sương, đám đàn ông tất bật xung quanh con lợn rừng bị trói gô cả bốn chân, đang nằm ngửa bụng lên trời, kêu eng éc.

Theo lời Tun Khôi, trước khi làm thịt, con lợn này đã bị nhốt nửa tháng trước đó và chỉ được ăn các loại rau, lá rừng, nên nó sạch lắm.

Bình minh ló rạng cũng là lúc anh A Típ, 42 tuổi, bưng bát tiết lợn pha với rượu vào nhà cho thầy cúng A Ma Nét.

Vừa cầm bát tiết, A Ma Nét vừa khấn vái, vừa dùng một cành lá rừng còn ướt đẫm sương đêm, nhúng vào bát tiết, quét khắp nhà, vẩy lên tường. Sau đó, số tiết còn lại ông đổ vào bếp lửa đang cháy bừng bừng.

“Lúc khai thiên lập địa, tổ tiên người Ê Đê cho rằng bếp lửa bừng sáng ngày về nhà mới không chỉ đơn thuần dùng để nấu ăn, nướng ngô, khoai hay thịt thú rừng… mà còn dùng để xua đuổi bệnh tật, những điều xấu xa ra khỏi nhà”, thầy A Ma Nét giải thích.

Cũng theo ông thầy này, đổ tiết vào bếp cho thần lửa, thì căn nhà sẽ không bị thần lửa thiêu đốt.

Ngay sau đó, tất cả những người có mặt ngồi quanh những ché rượu đã đặt sẵn trong nhà. Gia chủ Tun Khôi là người đầu tiên được cầm cần lồ ô, tu một ngụm rượu đầy, sau đó, cần rượu được chuyển sang mời thầy cúng. Dân bản là những người tiếp theo mới được “vít cần rượu” xuống hút.


Tun Khôi cùng đứa cháu nội trong ngày về nhà mới

6 giờ sáng, khi ông mặt trời bắt đầu nhô lên khỏi những ngọn cây cao nhất trên đỉnh núi, những tia sáng ban mai xuyên qua các khe hở của bức tường làm bằng gỗ kéo dài thành một vệt sáng chiếu vào mặt, báo hiệu ngày mới bắt đầu, cũng là lúc gia chủ Tun Khôi đón thêm nhiều khách mới đến.

Từ khoảng sân, hướng mắt về con đường đất đỏ dài ngoằng như đang chẻ đôi quả đồi trước mặt, những chàng trai cô gái đang tuổi trăng tròn, khoác trên mình những bộ quần áo truyền thống sặc sỡ, đang dập dìu đi tới, trên vai họ là những ghè rượu cần thơm lựng hương lúa rẫy, lúa rừng. Họ bước nhanh về hướng nhà Tun Khôi để dự tiệc.

Người Ê Đê có 2 món tiết canh là Mtah và Priêng Láp. Trong đó, Mtah là tiết canh trâu, bò, dê; còn Priêng Láp là tiết canh heo, chính là món tiết bóp hay Lút Ma Tắc. 
Ngoài món tiết bóp, người Ê Đê còn có món Chim brông, hay còn gọi là thịt lam, vô cùng thơm ngon, ăn một lần sẽ nhớ mãi. 
Thịt lợn tươi còn bốc hơi, sau khi ướp gia vị, được bỏ vào ống lồ ô tươi, nút bằng lá chuối xanh, nướng trên bếp than. Khi ống tre cháy sém vàng, là thịt đã chín.

H’lê Lép, năm nay 16 tuổi, tủm tỉm cười, cho biết: “Mỗi khi nhà nào trong buôn sắp có đám cưới hay về nhà mới là các gia đình còn lại đều chuẩn bị sẵn những ché rượu ngon, con gà, mớ rau rừng… để mang đến chung vui với chủ nhà”.

Sau khi thầy cúng làm xong thủ tục tế lễ, những người phụ nữ tập trung vào bếp nấu nướng, còn đàn ông chuẩn bị làm món đặc biệt, có tên là Lút Ma Tắc (tiết bóp - PV) để đãi khách.

Thưởng thức Lút Ma Tắc

Sau khi mổ bụng con lợn, họ bắt đầu thái nhỏ rất nhiều loại rau rừng và nhiều loại gia vị khác, trong đó nhiều loại rau, gia vị mà tôi chưa từng thấy.

Một người khác dùng con dao to bản lạng từng lát thịt mỏng ở hai bên đùi, cả rau, gia vị và thịt lợn tươi được nhét vào bụng con lợn đang sềnh sệch máu tươi, còn bốc hơi nóng, trộn đều.


Những người đàn ông đang thui heo, và làm món Lút Ma Tắc ngoài sân

Cạnh đó, một nhóm thanh niên khác dùng que lồ ô vót nhọn xiên thịt để nướng, nấu những món ăn truyền thống trong chiếc nồi đồng to tướng.

Sau khi món thịt trộn máu tươi trong bụng con lợn hoàn thành, chúng tôi được các chàng trai Ê Đê mời dùng thử. Thấy tôi rùng mình lắc đầu, anh bạn đi cùng bảo: “Họ mến khách nên mới mời. Dùng thử đi, ngon lắm. Không ăn là họ buồn đấy”.

Nghe vậy, tôi cố thoái thác: “Thịt chưa chín mà, ăn vậy không sợ đau bụng sao?”. Nghe vậy, cô gái trẻ tên H’ Lan, cười trấn an: “Ô, không sợ đâu. Lúc mình thui trên lửa, con heo chín rồi, chín từ trong ra ngoài, ăn ngon, ăn bổ lắm, không bệnh gì đâu”.

A Thu, 30 tuổi, như nhiều đàn ông Ê Đê ở làng, từng rất nhiều lần tham gia lễ ăn mừng nhà mới cũng như thưởng thức món Lút Ma Tắc có từ ngàn xưa của tộc người mình, nói thêm rằng, Lút Ma Tắc là món ăn truyền thống từ bao đời nay của tộc mình, không có hại gì cho sức khỏe hết, bởi thịt chín bên trong, mình bỏ nhiều ớt, ớt cay làm chín thịt.

Sau những lời chân tình của các chàng trai về món máu, thịt tươi này, tôi đành xuôi tai, “nhắm mắt liều” thưởng thức. Và, cảm giác rờn rợn qua đi khi miếng Lút Ma Tắc đầu tiên trôi xuống cổ họng. Đó là mùi thơm lựng, bùi bùi, chan chát đầu lưỡi của các loại rau rừng, cay nồng của ớt xanh, là cái ngọt lịm của miếng thịt heo rừng còn bay mùi khói…


Còn phụ nữ vào bếp…

“Hồi mới lên đây, lần đầu nhìn thấy họ làm món Lút Ma Tắc, tôi cũng ớn lắm. Nhưng khi ăn rồi thì thấy đây là một trong những món ngon nhất mà tôi từng thưởng thức. Nhìn thấy ghê, nhưng thực chất là rất sạch, vì con heo trước khi làm thịt đã được họ vệ sinh từ trước đó cả mấy tuần rồi. Đến khi làm thịt, họ nướng và ăn khi nó chưa kịp hết hơi ấm của thịt”.

Tôi hỏi: “Ở trên này bà con có ăn thịt thú rừng kiểu như mình không?”. Hiểu ý, anh bạn tôi trầm ngâm một lát rồi đáp: “Cũng ăn, nhưng không ăn kiểu bất chấp. Họ cũng đi săn, nhưng có nguyên tắc chứ không phải cứ thấy con gì bắn con đó. Ví dụ như chuyện ăn bào thai (hà nàm), óc các loại thú như hổ, gấu, khỉ… với họ, đó là tàn ác. Sẽ bị trừng phạt. Rừng núi hay các loại thú, toàn người mình tận diệt. Đó là sự thật”.

Ngồi bên cạnh, Tun Khôi cũng bảo: “Đi rừng gặp con thú có thai, không được giết nó, nó còn sinh con, làm mẹ nữa”.

Giữa không gian lành lạnh, bên bếp lửa cháy bập bùng, những chàng trai, cô gái, đàn ông, đàn bà đang lâng lâng men rượu cần. Họ cùng khoác vai nhau và những tiếng nói cười như rôm rả hơn.


Những ché rượu cần thơm lừng hương nếp nương

Chúng tôi giã từ Tun Khôi khi bữa tiệc đã tàn, mọi người ai cũng ngất ngư, nhiều người đã lăn ra sàn ngáy o o.

Trước khi chia tay, Tun Khôi không quên dúi vào tay khách những xâu thị lợn rừng được xâu bằng những que lồ ô tươi hơ lửa.

Rời thôn Choa A với tâm trạng lạ kỳ, cảm ơn những người vùng cao cho chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn về một vùng đất cùng những món ăn lạ, và cả luật tục có từ ngàn xưa của tộc người nơi này.


Dù có bà con ruột thịt hay không, hễ nhà ai có việc lớn là dân làng tự động đến giúp sức, chung vui

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm