Bà Nguyễn Thị Hồng, vợ ông Thông cho biết, dịp này khách tìm đến là cô cậu học sinh hoặc trẻ em được ba mẹ đưa về ngắm nho chín. Vườn rộn ràng nhất là vào dịp tháng tám âm lịch nhân hội yến Diêu Trì.
Vườn nho rừng của vợ chồng bà Hồng trở thành điểm du lịch |
Vườn nho vốn là khu vực trồng cao su xanh tốt, cho thu nhập ổn định. Tuy vậy ông Thông đã quyết định đột phá khi chuyển qua trồng giống nho rừng. Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Thông bày tỏ mong muốn giản gị của mình là đem hương vị nho rừng Tây Ninh ra cả nước.
Ông Thông kể: “Hồi trước đất rừng nhiều, chứa những sản vật phong phú và đa dạng. Ngày nay rừng đã cạn, tôi quyết định trồng nho rừng để lưu giữ lại một phần giá trị của rừng, hy vọng hương vị của rừng sẽ lan tỏa đến những người ở nơi xa”.
Tâm nguyện của ông Thông giờ đã thành hiện thực. Sản phẩm rượu vang Cy và mật nho đã được vợ chồng ông Thông đăng ký thương hiệu độc quyền và được nhiều khách hàng ở Hà Nội, TP.HCM biết đến.
Bà Hồng khoe, sản phẩm vang Cy được nhiều người đặt hàng, khi có đơn hàng, ông Thông và các con lại đóng gói cẩn thận để gửi đi. Trước khi vườn nho rừng cho hương vị ngọt ngào, êm ái thì vợ chồng ông Thông đã từng phải “ngậm đắng” suốt thời gian dài.
Ban đầu việc lấy giống rất dễ dàng, nhưng người trồng lại không “hiểu ý” của cây nên chẳng thể chăm sóc cho xanh tốt. Tưởng nho rừng ưa ăn phân, ưa thuốc như các loài rau củ khác nên ông Thông đã chăm bón “vượt mức” khiến vườn chết sạch.
Không nản lòng, ông tiếp tục lặn lội lên khu vực giáp ranh biên giới Campuchia, thuê người lội rừng để kiếm cây về “ươm” lại. Vườn nho xanh tốt lại chết, chết rồi lại được trồng mới... Cứ tiếp tục đầu tư, trải nghiệm như thế cho tới khi thành công thì ông Thông khẳng định rằng, nho rừng không ưa phân bón, không cần thuốc trừ sâu. Nó thực sự là loại thực phẩm sạch hoàn toàn. Ông chỉ cần dùng phân bò, phân rác để bón cho vườn cây là đủ.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng vườn nho rừng của vợ chồng ông Thông là cây giác, hiện còn trên núi Bà Đen. Tuy vậy bà Hồng khẳng định dù cùng ở trạng thái thân dây, trái chùm như nhau nhưng trái giác và thân giác nhỏ hơn rất nhiều. Bà Hồng cũng trưng ra thân giác và giải thích sự khác biệt giữa cây giác và cây nho rừng trong vườn nhà. Theo các tài liệu nghiên cứu, trái giác và trái nho rừng nếu biết chế biến đều tốt cho sức khỏe. Và nếu người nông dân có thể trồng, chế biến sản phẩm sạch cho thị trường, làm giàu cho chính mình thì lại là một điều tuyệt vời, đáng được xã hội ghi nhận và trân trọng.
Bà Hồng giới thiệu hương vị rượu vang, mật nho đến với thực khách |
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Thông cho biết gia đình mình đang tiếp tục mở rộng sản xuất. Vợ chồng ông đã chuyển giao giống và kinh nghiệm cho vài hộ dân ở xã Phan mở vườn, tới vụ thu hoạch sẽ bao tiêu sản phẩm. Trước đây xưởng rượu vang Cy Tây Ninh thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg. Đợt này giá lên nên thu mua 20 ngàn đồng/kg. Bà Hồng cho biết, nếu đầu tư trồng nho chế biến rượu vang và mật thì cây nho rừng cho giá trị kinh tế hơn nhiều so với trồng cao su.