| Hotline: 0983.970.780

Dọc đường biên Mường Lát: [Bài 3] Lo mất vợ vì lớp xóa mù chữ

Thứ Tư 28/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Lớp học của thầy Túc đều là con em dân tộc Mông và bị mù chữ. Việc dạy học cho những học sinh đặc biệt cũng không không khác gì dạy trẻ lên ba.

Địu con đi học

Bản Suối Phái (xã Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa) chìm trong tĩnh mịch khi màn đêm buông xuống. Ánh sáng điện của vài hộ dân không soi tỏ mặt người, thi thoảng lại lóe lên như vừa nạp đủ pin. Điểm trường lẻ bị đánh thức bởi tiếng lẹt xẹt của vài đôi dép kéo lê dưới mặt đất. Mấy đứa trẻ cũng lắng xắng bám gấu váy mẹ chúng trên đoạn dốc trơn trượt để đến trường.

19 giờ 30 phút, 25 học sinh của lớp học xóa mù chữ đã có mặt và ngồi nghiêm ngắn trong phòng học. Thầy Đào Nguyên Túc - cán bộ đồn Biên phòng xã Tam Chung hôm nay đến trễ vài phút vì gặp đá tảng chắn đường.

Đồng bào dân tộc Mông đi học lớp xóa mù chữ vào buổi tối. Ảnh: Quốc Toản.

Đồng bào dân tộc Mông đi học lớp xóa mù chữ vào buổi tối. Ảnh: Quốc Toản.

Ở bản Suối Phái, người Mông sống khá hòa đồng với các dân tộc anh em khác ở Mường Lát đặc biệt là người Kinh dưới phố huyện, thông qua giao thương, buôn bán. Việc giao lưu giữa các dân tộc cũng giúp họ hiểu tiếng Việt đôi phần. Tuy nhiên, cách phát âm và viết chữ của dân bản đang còn gượng gạo.

Bài liên quan

Lớp học của thầy Túc có thói quen hát Quốc ca đầu giờ. Đây là cách mà thầy Túc phải tạo sự thoải mái cho học sinh trước khi bước vào tiết học ôn tập. Dù âm thanh vang lên không tròn vành, rõ chữ, thế nhưng hầu hết học sinh đều mấp máy, ngân nga theo giai điệu đến bài hát.

Không giống các học sinh đến tuổi vào lớp 1, phương pháp giảng bài của thầy Túc đối với học sinh người Mông là “nói to, viết rõ” và lặp đi lặp lại nhiều lần để học sinh nhớ lâu. Các từ ghép khó được thầy Túc yêu cầu học sinh ghi vào vở về nhà luyện phát âm và viết chữ.

Tại lớp học, Hờ Thị Tớ (sinh năm 2004) là người học cao nhất so với các chị em phụ nữ trong bản. Tớ học hết lớp 9, đọc thông, viết thạo nên bà con dân bản tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Suối Phái. Tớ cũng muốn học hết chương trình phổ thông, nhưng do gia đình không có điều kiện nên đành dở dang việc học giữa chừng.

Tớ nói sõi tiếng Việt và không thuộc thành phần xóa mù chữ nhưng vẫn đến lớp với tư cách “trợ giảng” cho thầy giáo Đào Nguyên Túc. Tớ ngồi bàn đầu, tay ôm chặt đứa trẻ đang say giấc, rồi vặn nửa người, ngó xuống bàn dưới, dùng bút chỉ vào từng nét chữ, giúp dân bản đánh vần. Khi thầy Túc hướng dẫn học sinh ghép những âm, vần khó nhớ, Tớ có nhiệm vụ phiên dịch lại lời của thầy Túc bằng tiếng Mông để học sinh hiểu ý nghĩa của từ, sau đó hướng dẫn bà con đánh vần lại từng chữ theo tiếng Việt.

Phía cuối lớp, Thào Thị Mo nép mình một góc. Năm nay Mo mới hơn 30 tuổi nhưng đã có tới 5 mặt con. Vợ chồng Mo sống nhờ mấy sào nương rẫy. Sáng sớm Mo dậy sớm lo cho mấy đứa lớn ăn tạm ít đồ ăn còn sót lại từ đêm qua rồi đưa con đến trường. Mọi chuyện thu xếp đâu vào đó, Mo địu đứa con út lên rừng làm rẫy, trồng sắn với chồng, tối lại tham gia lớp học xóa mù chữ.

Mo tham gia lớp xóa mù chữ cách đây 2 tháng, cũng hiểu đôi phần tiếng Việt nhưng có vẻ còn ngại giao tiếp. Mo ham học nên hôm nào cũng là người đến sớm nhất lớp. Sau lưng, Mo địu đứa trẻ đang ngủ ngon lành rồi phát âm “ê, a” theo khẩu hình miệng của thầy Túc.

Mo đem theo con trai chưa đầy 1 tuổi đến lớp để tiện chăm sóc. Ảnh: Quốc Toản.

Mo đem theo con trai chưa đầy 1 tuổi đến lớp để tiện chăm sóc. Ảnh: Quốc Toản.

Vui nhất lớp học vẫn là chuyện vợ chồng Giàng A Dế và Hờ Thị Máy. Ban đầu, Dế không đồng ý cho vợ đi học vì sợ… mất vợ. Chồng khuyên răn, thậm chí cấm cản cũng không ngăn được cơm khát chữ của Máy. Không ngăn được vợ đi học, Dế đêm nào cũng đến đứng ngoài cửa sổ để theo dõi vợ và chở người phụ nữ của gia đình về nhà sau khi tan trường.

Cũng không rõ từ khi nào Dế bắt đầu yêu thích việc học chữ. Hôm đó, Dế cùng vợ đến lớp học rõ sớm gặp thầy Túc và đề đạt nguyện vọng tham gia lớp học xóa mù chữ. Hiểu tâm lý học trò, thầy Túc bố trí vợ chồng Dế ngồi cạnh nhau để tiện bảo ban chuyện học tập. Vợ Dế cơ bản đọc thông, viết thạo nên Dế bắt chước học khá nhanh. Nay Dế đã viết và giao tiếp thành thạo bằng tiếng Việt với người Kinh.

Người thay đổi quan niệm về sự học của người Mông

Đại úy Đào Nguyên Túc cho biết, lớp học xóa mù chữ tại bản Suối Phái do Đồn Biên phòng Tam Chung phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện Mường Lát, Hội liên hiệp phụ nữ xã và Trung tâm học tập cộng đồng xã Tam Chung (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) thực hiện từ tháng 4/2024 với 38 học sinh là người dân tộc Mông. Lớp học gồm đầy đủ các thành phần giới tính và độ tuổi khác nhau (từ 20 tuổi đến 55) tuổi được tổ chức vào các ngày chẵn trong tuần từ 19 giờ đến 21 giờ, để ban ngày các học viên vẫn có thời gian lao động, sản xuất.

Thầy giáo Đào Nguyên Túc ân cần chỉ bảo học sinh từng nét chữ tới cách phát âm. Ảnh: Quốc Toản.

Thầy giáo Đào Nguyên Túc ân cần chỉ bảo học sinh từng nét chữ tới cách phát âm. Ảnh: Quốc Toản.

Trước khi mở lớp, bản Suối Phái có 62 hộ dân và hơn 400 nhân khẩu, nhưng có tới 70% dân số mù chữ và tái mù, chủ yếu thuộc người ở độ tuổi từ 45-50 tuổi. Bởi vậy, giáo án của thầy Đào Nguyên Túc cũng khác biệt so với chương trình xóa mù chữ, bởi đối tượng tiếp cận kiến thức khá đặc biệt.

“Phụ nữ người Mông chủ yếu chăm lo việc sinh đẻ và phụ giúp chồng việc trong nhà. Họ ít giao tiếp với xã hội nên kiến thức và kỹ năng sống hạn chế. Do vậy, ngoài việc dạy tiếng Việt, giáo viên phải lồng ghép trong bài giảng cả kỹ năng sống (phòng chống dịch bệnh, thiên tai, chống say nắng, say nóng) và bình đẳng giới trong xã hội hiện đại”, thầy Túc chia sẻ.

Sau gần 3 tháng tổ chức lớp, hầu hết các học sinh tại lớp học đã cơ bản biết viết và đọc tiếng Việt và làm được phép tính cộng trừ đơn giản. 

Lớp học được tổ chức vào ban đêm để ban ngày các học viên có thời gian đi làm rẫy. Ảnh: Quốc Toản.

Lớp học được tổ chức vào ban đêm để ban ngày các học viên có thời gian đi làm rẫy. Ảnh: Quốc Toản.

Sau thời gian đảm nhiệm vai trò là giáo viên xóa mù chữ, thầy Túc nhận thấy, người Mông cũng ham học chữ như bao người, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều người không có cơ hội học tập. Lớp học của thầy Túc có 38 học viên thì có tới 4 cặp vợ chồng tham gia xóa mù chữ.

Thầy Túc nhớ nhất cặp vợ chồng Lý A Pó. Pó bị liệt tay nhưng rất thông minh, còn vợ bị bệnh não nhưng nuôi 5 đứa con nhưng họ vẫn miệt mài, chăm chỉ đến lớp. Vợ chồng Pó thường lên rẫy hái măng và ra chợ huyện buôn bán nên cần cái chữ để giao tiếp với người Kinh. Sau 3 tháng, Pó không những biết tính toán mà còn biết sử dụng thành thạo điện thoại để chuyển, nhận tiền qua tài khoản.

Chuyện con chữ của người Mông khiến chúng tôi nhớ lại câu chuyện dở khóc, dở cười của ông Lầu Minh Pó (nguyên Phó Bí thư huyện ủy Mường Lát) vừa kể chiều qua. Ông Pó kể: “Nhiều người trong dòng tộc khuyên tôi không nên cho con đi học, bởi vừa tốn tiền vừa khó lấy chồng. Nghe xong tôi đáp lại, chả sợ, dân bản không lấy thì người dưới xuôi lấy”. Năm 1998, con gái đầu của ông Pó là người Mông đầu tiên tại xã Pù Nhi tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm Thanh Hóa và hiện là giáo viên đang công tác tại huyện Mường Lát.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.