Đó là đôi bạn trẻ Thành An - Mỹ Thuận, cùng sinh năm 1995. Thiên đường họ tạo lập từ hơn 3 năm nay là một góc rừng ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Họ quyết định mạo hiểm khi cả 2 chỉ mới 23 tuổi, rời ghế giảng đường chưa lâu.
“Điên rồ” + “điên rồ” = Đồng thuận
Quá trưa, tôi có mặt ở UBND xã Quảng Sơn. Đi thẳng vào phòng Chủ tịch Nguyễn Văn Kiện, hỏi đường vào trang trại của đôi bạn trẻ Thành An - Mỹ Thuận, ông Kiện hỏi tôi trang trại ở thôn, bon nào? Tôi ngớ người không biết. Sau đó, tôi lấy hình ảnh 2 bạn này và cả khu trang trại cho ông Kiện xem, ông vẫn lắc đầu: “Chịu. Xã Quảng Sơn rộng mênh mông, nếu không biết thôn nào, bon nào thì tìm vài ngày cũng không ra”.
Cuối cùng, tôi may mắn liên hệ được một người quen, có số điện thoại của Thành An. Gọi cho An, cậu cho biết: “Trang trại tụi em nằm ở cuối Quảng Sơn, nhưng có một phần nằm ở đầu Đắk R’măng, rồi thêm 1 đoạn nằm trên địa phận Đắk Ha nữa. Từ UBND xã Quảng Sơn, anh hỏi đường đi Đắk R’măng, cứ theo đường đó đi thẳng khoảng 10km, đến đoạn đường đất, đi thêm 2km nữa là tới”. An nói rồi kết thêm câu: “Đường hơi xấu, anh đi chưa quen, chắc mất khoảng 45 phút”.
Đúng như lời An nói, sau hơn nửa tiếng “đánh vật” với con đường đèo dốc, nhiều ổ voi ổ trâu, thêm đoạn đường đất đỏ cực xấu, thấy An đang đứng bên đường vẫy tay. Theo chân An đi thêm vài trăm mét nữa trên con đường nhỏ, thấy trang trại của đôi bạn trẻ trước mắt.
Thấy An, mấy con chó nhào ra, vừa nhảy rối rít, vừa níu chân cậu. “Đàn chó này chắc được cưng lắm đây”, tôi thầm nghĩ. Như đoán được suy nghĩ của tôi, An vừa nựng mấy con chó vừa khoe: “Mấy anh chị 4 chân này không chỉ giúp tụi em bớt cô đơn, mà còn rất ngoan, rất giỏi. Mấy lần rắn độc bò vào phòng lúc đang ngủ, tụi nó vào tận giường sủa, lôi dậy, báo cho tụi em biết mà đuổi rắn ra ngoài, nếu không chẳng biết chuyện gì xảy ra”.
Sau khi đàn chó mừng chủ xong, không gian chợt im ắng, lúc nay tôi mới nghe thấy những âm thanh của rừng, đó là tiếng chim, tiếng nước suối chảy, và đặc biệt là tiếng gió rì rào. Âm thanh này tôi từng nhiều lần nghe khi đi rừng, và từng nghe những người bản xứ nói rằng, đó là tiếng thì thầm, tâm sự của cây rừng, của thần núi.
An vốn là trai Sài thành chính hiệu, sinh ra và lớn lên ở quận Bình Tân, TP.HCM, còn Thuận là cô gái Tây Nguyên (xã Lộc An, Di Linh, Lâm Đồng). Cho nên An bảo, có lẽ 2 người gặp nhau, rồi nên vợ nên chồng có lẽ là duyên số kiếp trước. Bởi giữa “rừng người” ở đại học, 2 người lại có thể “bắt sóng” được nhau.
Đặc biệt là cả 2 cùng có những suy nghĩ “điên rồ” giống nhau và… chẳng giống ai. Đó là không thích cái ồn ào, náo nhiệt phố thị, mà thích một căn nhà gỗ nho nhỏ trồng hoa xung quanh, một mảnh vườn trồng nhiều loại rau, củ. Xa hơn nữa có một mảnh rừng, một con suối, và một đàn chó suốt ngày lao nhao… sáng ngủ dậy không phải nghe tiếng còi xe, tiếng các loại động cơ, mà là tiếng suối chảy, chim hót, gió rừng. Ở nơi đó sẽ có 2 người, một người không bao giờ từ bỏ, và người kia cũng không bao giờ buông tay. Hàng ngày, cả 2 sẽ cùng nhau xới đất trồng cây, cùng đi hái rau rừng, lội suối bắt cá...
“Lúc mới quen, nghe cô ấy tâm sự như vậy, em rất ngạc nhiên, nghĩ sao lại có người suy nghĩ giống mình đến vậy. Đó là cuộc sống quá lãng mạn, toàn màu hồng, như tiểu thuyết. Vậy nhưng tụi em vẫn không ngừng suy nghĩ về nó. Cho đến khi tốt nghiệp ra trường, đi làm, vẫn nuôi ước mơ ấy”, An nhớ lại.
Sau khi ra trường, cả 2 cùng có việc làm tương đối ổn định, thu nhập của cả 2 tương đương khoảng 30 triệu đồng/tháng. Mỹ Thuận hợp tác với một người bạn thu mua, chế biến, sản xuất hạt mắc ca. Thuận làm marketing, người bạn cung cấp và sản xuất. Đây cũng là lúc Thuận quyết tâm hơn trong việc tìm một trang trại ở Tây Nguyên để canh tác, chế biến các sản phẩm mắc ca, tự chủ nguồn nguyên liệu và chất lượng.
Sau nhiều tháng rong ruổi xe máy khắp Tây Nguyên tìm đất, cuối cùng, trang trại 10ha này đã lọt vào mắt xanh đôi bạn trẻ. “Lần đầu theo người chủ đất từ UBND xã Quảng Sơn vào đây, đi hơn chục cây số đường vắng tanh, nửa đường sau toàn xuyên rừng, thấy bất an. Nhưng vào đến nơi, đứng trên khu đất, cảm giác thấy bình yên, dễ chịu. Ưng ý lắm, nghĩ có lẽ là khu đất này chọn mình rồi”, An kể tiếp.
Sau hơn 3 năm làm nông dân, đôi bạn trẻ An - Thuận đã “ra dáng” nông dân, khoẻ khoắn hơn, mạnh mẽ hơn, nước da đượm màu nắng gió. Đôi bàn tay cứng hơn, thô ráp hơn, khác hoàn toàn hình ảnh cách đây 3 năm. Khi đó, vừa tốt nghiệp Đại học Tài chính - Marketing, với công việc marketing và bán hàng, cả 2 thường xuyên đi tiếp xúc, gặp gỡ khách hàng, nên quần áo, trang phục lúc nào cũng bảnh bao.
"Mình nhận ra, nếu bản thân dám nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc đời, tức là mình đang làm chủ vận mệnh. Còn nếu vẫn đổ lỗi tại sếp, tại ba mẹ, tại hoàn cảnh... thì tức là vẫn còn giao vận mệnh của mình cho người khác nắm. Không có nghề nghiệp nào phù hợp với tất cả mọi người. Không phải ai sinh ra cũng để “trồng rau, nuôi cá”. Cho dù làm bất kể việc gì, nếu có khát khao, hoài bão thì hãy cứ làm, cứ thử dấn thân và trải nghiệm, đừng ngại gì cả. Nếu sai, làm lại từ đầu trên một con đường khác. Chỉ cần đừng lung lay ý chí, nghị lực và biết rút ra những thứ cần thiết cho đời mình", An tâm sự.
Quyết tâm + quyết tâm = thành công
An cao 1,71m, khi còn ở Sài Gòn, nặng 64kg, dáng người cao, khá chuẩn. Nhưng sau 3 tháng lên làm nông dân, An chỉ còn 55kg. “Lúc mới lên tụi em gặp những khó khăn gì?”, tôi hỏi.
“Khó khăn thì kể cả ngày không hết. Mới lên thì tối nằm không có giường, lạnh ngủ không được, âm thanh lạ lẫm của núi rừng cứ văng vẳng bên tai, ngay cả trong giấc ngủ. Lâu lâu lại có “khách không mời” ghé thăm, đó là rắn, chuột. Cũng may là trước khi lên đây, tụi em đã tìm hiểu qua các trang trại khác trên mạng, học hỏi được nhiều. Trong đó lưu ý nhất là rắn. Nên tụi em lại tiếp tục tìm hiểu về các loài rắn, phân biệt đâu là rắn độc, rắn không độc, đặc tính của từng loài. Nhờ vậy mà khi gặp chúng, tụi em không hoảng. Có lần thấy con rắn rồng vào nhà, loài rắn này rất hiền, không có độc, chỉ chuyên săn chuột. Nó vào nhà, bò lên vách nhà, lần ra ổ chuột, “xử lý” xong nó tự động bò ra ngoài”, An kể.
“Đã có khi nào tụi em vì những khó khăn, vất vả mà lung lay ý chí, muốn buông tay?”, tôi hỏi tiếp. An đáp: “Lao động chân tay chưa quen, làm một nghỉ hai. Rồi không ít lần 2 đứa thay nhau lăn ra cảm cúm, bệnh lặt vặt. Những lúc như vậy, nằm nghĩ nếu giờ này ở Sài Gòn, chắc đang nhâm nhi ly trà sữa mát lạnh. Còn bây giờ đang ở đây, hì hục kéo cả trăm bao phân chuồng đi rải khắp vườn, người vừa hôi vừa bẩn. Có những lúc mồ hôi ướt hết áo, đau nhức hết người, tay chân chai sần, hai đứa ngồi bệt xuống đất chả nói với nhau câu nào”.
Ở đây được 3 tháng thì ba mẹ lên thăm, nhìn thấy em ốm nhom, da sạm đen, ông bà xót lắm, cứ kêu về. Bản thân tụi em cũng đôi lần lung lay ý chí những khi hết tiền hay khó khăn. Về lại phố thị, mình cũng có tấm bằng, vẫn đi xin việc kiếm cơm được thôi, nhưng chỉ có điều chắc mình không “bằng lòng” được. Nên em bảo mẹ, con ốm, đen, nhưng con khỏe hơn, chân tay rắn chắc hơn trước nhiều. Quan trọng là, nếu bây giờ mình buông tay, thì chắc chắn không bao giờ làm được việc gì lớn nữa.
Với lại, sau một thời gian, dù ngắn, nhưng mình cũng đã làm được khối thứ, cảm giác nhìn thành quả do chính tay mình làm ra, nó thú vị lắm. Lần sau mẹ lên, mẹ ra nhổ cỏ, ngắm hoa, cảm nhận cuộc sống. Rồi mẹ bảo về đây quên hết mệt mỏi, chẳng phải bon chen với ai nữa. Và mẹ thay đổi suy nghĩ lúc nào không hay. Sau đó, mẹ cũng “bắt chước” con, quyết định sẽ bỏ phố về vườn”.
“Đó là ba mẹ An, còn ba mẹ em, mặc dù cũng là người nông thôn nhưng khi tới đây, ông bà chỉ biết lắc đầu, sao lại có đứa con gái liều lĩnh và dở hơi như thế, dám ở nơi quá vắng vẻ thiếu điều kiện, tiện nghi thế này, rồi cũng đôi lần kêu em hãy suy nghĩ lại. Nhiều luc ngay chính em còn không hiểu mình, cha mẹ không hiểu nổi em luôn mà”, Thuận cười hóm hỉnh.
“Chưa từng có kinh nghiệm, làm thế nào để vợ chồng em quen với công việc làm vườn, ruộng nương, cây trồng, và nhất là sống ở một môi trường khác trước hoàn toàn?”, tôi hỏi tiếp.
“Trước khi về đây, tụi em đã lùng sục mọi ngõ ngách cõi mạng, facebook về các vườn, trang trại để học hỏi kinh nghiệm. Tìm được trang nào là lướt và đọc không ngừng nghỉ, ngắm nhìn từng bông hoa, từng bó rau, nhìn màu đất, nhìn bao phân cũng thấy rộn ràng hạnh phúc khó tả. Cảm giác có một nông trại như có tất cả, mọi thứ đều cuốn hút mình và tạo động lực cho mình.
Để có đam mê, yêu quý từng ngọn rau cây cỏ, mảnh vườn của mình, cần một quá trình làm vườn đúng nghĩa, làm thật, lao động thật và không quên dừng lại chiêm nghiệm, suy ngẫm, cảm nhận khu vườn. Nếu chỉ lao động mà quên mất cảm nhận thì việc làm nông trở thành công việc vất vả cực nhọc. Nếu không trực tiếp chăm sóc khu vườn, trồng cây, đổ mồ hôi dưới cái nắng, cái mưa thì sẽ thiếu chiều sâu, kinh nghiệm, không thể có cảm nhận sâu sắc hay đam mê. Đó chính là một trong những động lực để tụi em gắn bó và ngày càng yêu quý trang trại của mình”, Thuận trải lòng.
Tôi quay sang hỏi An: “Bây giờ chắc tụi em không muốn về Sài Gòn ở đâu nhỉ?”. An đáp ngay: “Tụi em vốn đã không thích cuộc sống xô bồ ở thành thị, thích hòa mình vào thiên nhiên như thế này từ lâu rồi. Nhất là trong tình hình dịch đang căng thẳng, ở đây vô cùng an toàn. Khi làm việc mệt, ngả lưng xuống lớp cỏ mát rượi, nhìn trời xanh, nghe tiếng suối róc rách, cảm giác như đang bồng bềnh vào cõi mộng. Rồi khi nhìn thấy những hạt đậu nảy mầm, có thể hét to giữa cánh đồng vì sung sướng. Với tụi em, hạnh phúc nhất là được làm chủ một trang trại, tự chủ cuộc sống, muốn có điều kiện để thỏa thích sáng tạo”, An đáp.
Sau khi đến trang trại, vợ chồng An đã chồng hơn 1.000 cây chuối, đầu tư, cải tạo 1,5ha mắc ca và 1ha cà phê, bồ kết. Ngoài ra, còn trồng rất nhiều cây lâu năm với mục đích gây rừng. Tại trang trại này, còn có một vườn mít 2,5ha trồng giống mít cũ hơn 10 năm tuổi, cây nào cây nấy sum xuê và rất nhiều trái. An cho biết, đã có vài người đến hỏi mua để lấy gỗ, nhưng đã bị từ chối thẳng. “Trồng bao lâu mới có vườn mít đẹp như vậy, nỡ lòng nào chặt đi”, An nói.
Còn Mỹ Thuận, sau hơn 2 năm miệt mài lao động, cô vẫn nhí nhảnh, hóm hỉnh và lạc quan như xưa, vẫn không ngừng nỗ lực. Nhờ vậy, cô đã chiết xuất thành công tinh dầu mắc ca, bơ, và thành công cho ra sản phẩm dầu gội bồ kết cà phê. Sản phẩm làm thủ công, số lượng chưa đáng kể, nhưng đã được bạn bè đón nhận nồng nhiệt nhờ chất lượng.