| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời nhờ nuôi tôm trên đất lúa

Thứ Bảy 25/05/2024 , 17:58 (GMT+7)

TRÀ VINH Chuyển cây trồng kém hiệu quả sang mô hình luân canh lúa - tôm, nông dân có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, gấp từ 2 - 3 lần trước đây.

Tại Trà Vinh, những năm gần đây, mô hình luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ tôm đang trở thành lựa chọn của nhiều nông dân do mang lại lợi nhuận khá cao, giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ dân ở địa phương.

Ông Trần Văn Tiền ở ấp Vàm Ray (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) phấn khởi cho biết, trước đây gia đình ông trồng 1ha mía nhưng cứ quanh quẩn điệp khúc được mùa mất giá. Sau nhiều năm trăn trở, ông quyết định vay vốn ngân hàng để chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi tôm.

Ở huyện Trà Cú, nhiều hộ dân từ khó khăn đã vươn lên khá giả nhờ chuyển sang canh tác lúa - tôm. Ảnh: Hồ Thảo.

Ở huyện Trà Cú, nhiều hộ dân từ khó khăn đã vươn lên khá giả nhờ chuyển sang canh tác lúa - tôm. Ảnh: Hồ Thảo.

Mỗi năm, sau khi thu hoạch 2 vụ lúa, ông tiếp tục cho nước vào để nuôi thêm một vụ tôm và cua luân phiên cho đến khi mưa xuống để trồng lúa.

Theo ông Tiền, mô hình luân canh lúa - tôm ít rủi ro, không cần nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc. Những năm trúng giá, thu nhập gia đình ông tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây trồng mía (khoảng 80 triệu đồng mỗi năm với 1ha đất canh tác).

"Ban đầu ở đây chỉ có một vài hộ làm theo mô hình này, nhưng bây giờ đã có nhiều hộ tham gia hơn. Mô hình này rất chắc ăn bởi nếu lúa không đạt năng suất thì vẫn có tôm và nếu tôm rớt giá thì còn có cua để bù lại", ông Tiền khẳng định.

Tại xã Hòa Minh (huyện Châu Thành, Trà Vinh) hiện có hơn 100 hộ nông dân đang nuôi tôm và trồng lúa hữu cơ trên diện tích khoảng 45ha.

Theo người dân, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến nước mặn kéo dài đến tháng 6 hàng năm. Nhưng vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, khi có nhiều mưa, nước ngọt đẩy nước mặn trở lại biển, tạo điều kiện cho bà con trồng lúa và nuôi tôm càng xanh. Khi mùa lúa kết thúc, bà con thu hoạch tôm, rồi khi nước mặn rút họ tiếp tục thả tôm sú. Mô hình tôm - lúa thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Bà Lê Thị Hiếu ở xã Hòa Minh chia sẻ, tôm nuôi trên đất lúa trong khoảng 7 tháng có thể thu hoạch được bởi chúng ăn các vi sinh vật và tàn dư của cây lúa trên ruộng, đồng thời con tôm được hưởng lợi từ việc cây lúa lọc sạch môi trường nước. Mô hình kết hợp này vừa giúp cây lúa xanh, phát triển tốt, vừa giúp tôm, cua mau lớn, nặng kí và bán được giá cao.

“Tôm từ 7 đến 10 con/kg có giá từ 250 đến 300 ngàn đồng/kg, từ 11 đến 14 con/kg có giá từ 150 đến 200 ngàn đồng và từ 15 đến 17 con/kg có giá từ 150 đến 190 ngàn đồng/kg. Vụ vừa rồi tôi lãi gần 80 triệu đồng, nếu so với trước thì cao hơn gấp 2 lần”, bà Hiếu phấn khởi.

Trung bình lợi nhuận từ mô hình lúa - tôm khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Hồ Thảo.

Trung bình lợi nhuận từ mô hình lúa - tôm khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Hồ Thảo.

 

Những năm qua, mô hình nuôi tôm - lúa tại Trà Vinh được chính quyền địa phương đánh giá cao. Đây là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, phù hợp với khả năng sản xuất của đa số các hộ nông dân trong vùng khi chuyển đổi từ các mô hình kém hiệu quả. 

Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú (Trà Vinh), trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50ha trồng lúa xen canh nuôi tôm. Mô hình tôm - lúa tuy có bước phát triển nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ. Ngoài ra, trong quy trình canh tác lúa - tôm, việc áp dụng cơ giới hóa chưa được nhiều, đặc biệt là trong thu hoạch lúa.

Vì vậy thời gian tới, cần định hướng sản xuất tôm - lúa theo hướng nông an toàn, theo hướng hữu cơ, đạt chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), ứng dụng công nghệ, quy hoạch vùng nuôi, xây dụng thương hiệu riêng hướng đến thị trường xuất khẩu.

Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ vốn vay cho 92 hộ dân tại huyện Trà Cú với tổng số vốn hơn 3,8 tỷ đồng để chuyển đổi từ đất canh tác kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa. Hội Nông dân huyện Trà Cú cũng đã tổ chức 6 buổi tập huấn để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi tôm toàn đực cho 185 hội viên.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ mới có 9 trang trại đáp ứng 100% điều kiện chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có 1.093 trang trại chăn nuôi và 233.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 145.000 con trâu, bò; 749.000 con lợn và trên 15,7 triệu gia cầm.

Hanvet giới thiệu vacxin dịch tả lợn Châu Phi 'HANVET ASF VAC'

HẢI PHÒNG Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú y Hanvet vừa tổ chức giới thiệu vacxin HANVET ASF VAC với những số liệu thử nghiệm khá ấn tượng.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm