| Hotline: 0983.970.780

Canh tác tôm - lúa, nông dân rủng rỉnh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày

Thứ Ba 02/04/2024 , 09:56 (GMT+7)

Mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới, nông dân canh tác tôm - lúa rút ngắn thời gian thu hoạch, tôm đạt kích cỡ lớn, cho năng suất, lợi nhuận cao.

Cánh đồng canh tác tôm - lúa ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào thời điểm thu hoạch tôm sú. Ảnh: Kim Anh.

Cánh đồng canh tác tôm - lúa ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào thời điểm thu hoạch tôm sú. Ảnh: Kim Anh.

Canh tác tôm - lúa được đánh giá là mô hình nông nghiệp thuận thiên, độc đáo gắn liền với một số địa phương ven biển ĐBSCL như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Đặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa nước mặn - ngọt, tạo điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm cùng sinh trưởng. Tôm nuôi có nguồn thức ăn tự nhiên, không bị bệnh và cũng không cần dùng đến thuốc. Mặt khác, cây lúa cũng có điều kiện phát triển mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.

Nơi cuối trời Tổ quốc, mùa này nước mặn đã tràn trên khắp cánh đồng của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây cũng là lúc bà con nông dân cho đất đai được nghỉ ngơi, nằm phơi mình giữa nắng gió để chờ mùa lúa mới. Trên những cánh đồng, bà con giữ lại một phần nước mặn để bắt đầu thả nuôi tôm.

Nơi đây trước kia vốn là vùng chuyên canh 2 vụ lúa trong năm, lợi nhuận bà con nông dân vì thế tương đối thấp. Từ năm 2000, chính quyền tỉnh Cà Mau thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất sang mô hình canh tác tôm -  lúa thuận tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tôm được nuôi hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, với nguồn thức ăn phong phú, giàu dinh dưỡng từ các loài thủy sinh do cây lúa tạo ra. Ảnh: Kim Anh.

Tôm được nuôi hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, với nguồn thức ăn phong phú, giàu dinh dưỡng từ các loài thủy sinh do cây lúa tạo ra. Ảnh: Kim Anh.

Từ tháng 8, bà con nông dân bắt đầu sạ lúa, đến tháng 11 sau khi thu hoạch xong sẽ tiến hành cải tạo đất, phơi đầm rồi sử dụng vôi để xử lý nước. Khi đến thời điểm thích hợp bắt đầu thả nuôi tôm sú trong ruộng lúa. Ngoài ra, bà con nông dân cũng mạnh dạn thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm vi sinh trong cải tạo ao nuôi, nhờ đó hiệu quả từ mô hình tăng lên gấp nhiều lần.

Mặt trời đã lên cao, ông Nhan Văn Dũng ở ấp Giao Vàm, xã Lợi An mới bắt đầu đẩy thuyền, lội xuống đầm tôm gỡ những chiếc lú đã được đặt sẵn từ tối hôm trước. Nhiều năm kinh nghiệm, ông biết rõ vị trí nào sẽ thu được nhiều tôm, thế nên chưa đầy 1 giờ đồng hồ hơn 50kg tôm được gom gọn vào xô, chuyển về nhà phân loại chờ thương lái đến thu mua.

Thời điểm này giá tôm sú cũng cao hơn trước, dao động từ 140.000 - 310.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Theo ông Dũng vào vụ thu hoạch, mỗi ngày nông dân thu được 50 - 80kg tôm là chuyện thường. Nhờ đó mà ông rủng rỉnh bỏ túi tiền triệu mỗi ngày.

Nông dân Nhan Văn Dũng một trong những hộ dân đang phát triển và khá thành công với mô hình tôm – lúa ở huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân Nhan Văn Dũng một trong những hộ dân đang phát triển và khá thành công với mô hình tôm – lúa ở huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài là một trong những nông dân đang phát triển khá thành công với mô hình tôm - lúa. Ông Dũng cũng là người tiên phong ứng dụng chế phẩm vi sinh thay thế cho vôi để cải tạo 1ha đất của gia đình.

Theo ông Dũng với đặc thù canh tác tôm - lúa, bà con ấp Giao Vàm rất “ngại” sử dụng các sản phẩm phân, thuốc hóa học trong ruộng lúa. Chế phẩm vi sinh giúp phân hủy rơm rạ nhanh, sanh ra ốc gạo, trùn trĩ. Nếu như trước trung bình trên 3 tháng nuôi, đầm tôm của ông Dũng có thể thu hoạch tôm ở kích cỡ 40 con/kg. Thì hiện nay thời gian này đã được rút ngắn còn 2 - 2,5 tháng tôm vào size 20 con/kg.

Vụ đông xuân 2023 - 2024 vừa thu hoạch xong, năng suất cũng đạt 6 tấn/ha. Ông tiếp tục luân phiên thả 3 đợt tôm, với số lượng con giống trung bình từ 24.000 - 30.000 con/đợt.

Theo thống kê toàn ấp Giao Vàm hiện có khoảng 376ha canh tác theo mô hình tôm - lúa. Anh Nguyễn Vũ Lâm đang canh tác khoảng 2,5ha tôm - lúa ở ấp Giao Vàm bộc bạch, để gắn bó và phát triển bền vững với mô hình này, bà con rất chủ động trong việc ứng dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, khép kín tối đa chuỗi sản xuất.

Nông dân ứng dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo ao, hạn chế dịch bệnh trên con tôm trong quá trình nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân ứng dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo ao, hạn chế dịch bệnh trên con tôm trong quá trình nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, doanh nghiệp đã và đang hợp tác với bà con nông dân để triển khai và phát triển mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận ASC/BAP/hữu cơ, sinh thái.

Nếu kế hoạch này triển khai thành công, mô hình này không chỉ mang tính bền vững về môi trường, mà còn đảm bảo bền vững kinh tế cho người dân với thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ mỗi năm trên một hecta đất canh tác.

"Nhiều hộ liên kết với nhau để thành lập tổ hợp tác, nhiều tổ hợp tác liên kết thành hợp tác xã kiểu mới. Lúc đó cần tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh cấp nước, kênh thoát nước và đường giao thông nội bộ để cơ giới hóa trong khâu giống, thu hoạch, giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng lên gấp 2-10 lần”, ông Quang đưa ra giải pháp để nâng cao lợi nhuận từ canh tác tôm - lúa.

Trung bình, mô hình tôm - lúa cho năng suất từ 5 - 8 tấn lúa/ha và 300 - 1.000kg tôm. Ảnh: Kim Anh.

Trung bình, mô hình tôm - lúa cho năng suất từ 5 - 8 tấn lúa/ha và 300 - 1.000kg tôm. Ảnh: Kim Anh.

Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 200.000ha canh tác theo mô hình tôm - lúa và khả năng có thể phát triển lên 1 triệu ha. Để bà con nông dân đạt được lợi nhuận từ 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm, ngoài vấn đề liên kết hợp tác tạo ra những cánh đồng tôm - lúa lớn, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề quan trọng.

Ông Quang tin tưởng, tương lai mô hình canh tác tôm - lúa sẽ phát triển mạnh và nhanh chóng trở thành mô hình sản xuất nông nghiệp chủ lực của vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.