| Hotline: 0983.970.780

Đời du mục: Phận chăn cừu thuê

Thứ Ba 06/01/2015 , 09:26 (GMT+7)

Sáng ở cánh rừng này, chiều chuyển qua ngọn đồi khác là hoàn cảnh sống của những người chăn dê, cừu, bò thuê ở Ninh Thuận.

Họ là những người có cuộc sống nghèo khó, quanh năm theo chân gia súc mưu sinh.

Nhà không, đất đai không, thậm chí giấy tờ tùy thân cũng không luôn, đấy là trường hợp của chị Pô Pô Thị Lan, một người chăn cừu thuê. Cả gia đình chị gồm bốn người đều sống nhờ vào đồng tiền chăn cừu và bán phân cừu.

NHIỀU SỐ KHÔNG

Ninh Thuận được ví là chảo lửa khổng lồ, nơi đây lượng mưa trung bình bằng 2/3 cả nước. Tuy nhiên, vùng đất khắc nghiệt này lại là nơi sinh sống của những đàn dê, cừu với số lượng rất lớn. Hàng ngàn hộ dân đã phất lên nhờ chăn nuôi trên vùng đất khó.

Có mặt tại Ninh Sơn, một trong những huyện có đàn dê cừu lớn của tỉnh Ninh Thuận, phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm được chị Pô Pô Thị Lan (dân tộc Chăm) hướng dẫn làm “thủ tục” để được đi chăn cừu cùng. Chị bảo: “Các anh tìm đến ông Lê Niên, chủ đàn cừu 200 con, nếu được đồng ý thì tôi cho đi cùng”.

Ông Niên ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn có thâm niên 25 năm nuôi dê cừu. Hiện ông thuê cả gia đình chị Lan trông đàn cừu cho mình.

17-55-25_nh-1
Chị Lan đeo lục lạc cho những con cừu hay tách đàn trước khi thả

17-55-25_nh-2
Gia đình chị Lan chăn cừu thuê

Lý giải về việc nhiều người từ chối không cho chúng tôi đi chăn cừu cùng, ông Niên cho hay: Thời gian qua có rất nhiều người lạ vào đây, với chiêu trò đi chăn cừu, sau đó bắt trộm, khiến người trông cừu lao đao. Mất vài con cừu, giá một con từ 2-3 triệu đồng, thì người chăn cừu thuê coi như một năm trắng tay.

Nói về đàn cừu của mình, ông Niên cho biết: Để có nguồn thức ăn, ông thường xuyên di chuyển khu vực chăn thả, nên cuộc sống người chăn cừu nay đây mai đó, họ mang theo con cái đi cùng.

Như đã hẹn trước, sáng sớm chúng tôi có mặt tại chuồng cừu đóng cách nhà ông Niên chừng 2 km để theo chân chị Lan đi chăn cừu. Mới 6 giờ sáng những ánh nắng chói chang dội xuống, gia đình chị ăn bữa sáng xong, sau đó ra chuồng bắt những con cừu mới sinh cho ở một chuồng riêng, con cừu nào thường hay đi lạc đàn, chị gắn lục lạc vào cổ.

Để đàn cừu đi ăn, chị Lan cùng chồng là anh Dương Duy Linh cầm trên tay một chiếc roi, tay kia xách một chai nước. Đi cùng anh chị có đứa con trai là Pô Pô Tùng 8 tuổi, còn  Pô Pô Hùng (10 tuổi) ở lại giữ lều. Cả ba người tay cầm roi dẫn đàn cừu tiến về khu vực bán sơn địa, cách chuồng khoảng 3 km cho cừu ăn.

17-55-25_nh-3
Mặc dù vất vả nhưng gia đình anh Linh chỉ được trả công 15 triệu đồng/năm

Chị Lan cho biết, quê chị ở thôn Thanh Dũ, xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Ba mẹ chị cũng từng chăn cừu thuê, chị nối nghiệp từ khi còn nhỏ. Cách đây 10 năm, chị gặp anh Linh, quê ở Cam Ranh (Khánh Hòa) đi làm công nhân cầu đường, rồi hai người nên duyên vợ chồng. Cưới nhau, hai vợ chồng không có nhà cửa, vốn liếng không, họ dắt nhau đi lên Tây Nguyên làm thuê một thời gian nhưng chẳng đủ ăn.

Khi sinh đứa con đầu Pô Pô Hùng, anh chị dắt nhau về đây chăn thuê cừu, bắt đầu cuộc sống du mục. Thường thì cạnh chuồng cừu có lều trông coi và gia đình chị ăn ngủ tại đây. Chị Lan và anh Linh vốn dĩ mù chữ, đến nay hai đứa con của chị bám theo chân cừu cũng chẳng được học hành gì.

“Hai vợ chồng hiện không có hộ khẩu, chứng minh thư nhân nhân, giấy khai sinh và không có một mảnh đất cắm dùi”, chị Lan tâm sự.

17-55-25_nh-4
Chị Lan và đứa con trai đóng phân cừu vào bao đem bán

17-55-25_nh-6
Cậu bé Pô Pô Tùng đi chăn cừu cùng ba mẹ

Tôi hỏi: Sao lại không làm giấy tờ? Chị cho hay: “Mình mù chữ nên chẳng biết cách làm, ba mẹ mất rồi chẳng có hộ khẩu nữa. Mà có làm thì tiền đâu cho con đi học, tiền chăn cừu thuê chỉ đủ ăn. Tụi nó lớn lên cho đi chăn cừu nên chẳng phải học làm gì cả!”.

Đến khoảng 10 giờ, việc trông cừu giao lại cho chồng và đứa con trai, chị Lan về căn lều tạm bợ bên chuồng cừu nấu bữa cơm trưa. Sau khi cho đứa con trai đầu ăn xong thì chị mang cơm ra cho chồng và con. Bữa cơm của họ được dọn ra ngay giữa đồng dưới cái nắng chói chang.

Ninh Thuận có diện tích tự nhiên trên 3.360 km2, chủ yếu là núi đá, rừng và sa mạc cát. Đây là địa phương khô hạn nhất nước, nhưng đã hình thành những con vật nuôi “độc” đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo số liệu của Sở NN-PTNT Ninh Thuận, hiện tổng đàn bò của tỉnh có 84.485 con; dê 64.696 con và cừu 86.910 con. Số lượng đàn gia súc được tập trung chủ yếu ở huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Bác Ái, Ninh Sơn, Hải Ninh, Thuận Bắc và Ninh Phước.

“Từ ngày chủ chuyển đàn cừu đến đây gần chuồng nên đi về lo cơm nước được, còn trước đây, chăn cừu đi xa thì chỉ ăn buổi sáng, rồi đến chiều về ăn. Mỗi ngày chỉ hai bữa cơm, cứ đà này, nắng nóng kéo dài, đồng khô, cỏ cháy, nguồn thức ăn khan hiếm thì chủ chuyển đàn cừu đi thôi”, anh Linh nói.

CÔNG XÁ BÈO BỌT

Gia đình chị Lan được ông Niên trả tiền công 15 triệu đồng/năm, với điều kiện cừu ăn phải no, mất con nào phải đền cho chủ con đó. Cộng với số tiền mỗi tháng chị bán phân cừu được 2 triệu đồng nữa. Phân cừu được người trên Đà Lạt (Lâm Đồng) xuống mua nhiều, cái này chủ không lấy, cho người chăn cừu hưởng. Tổng thu nhập gia đình chị gần 40 triệu đồng/năm. Tính ra, số tiền này qua ít để nuôi 4 miệng ăn.

Theo chị Lan, số tiền này ông Niên trả cao hơn so với nhiều người chăn cừu thuê ở đây. Thường người ta trả 8 triệu đồng/năm, nhưng vợ chồng anh chị chăn cừu, con nào con nấy mập, không bị mất nên được ông Niên thưởng. “Cừu no cho phân nhiều mình bán được nhiều, cừu mập được chủ thưởng, do đó mình phải chăm sóc cừu thì mới có hưởng”, chị Lan chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, bà Măng Thị Mùa, ở thôn Lá Ngựa, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn chăn 80 con dê trên núi Hòn Dài. Mỗi năm bà Mùa được chủ trả 10 triệu đồng và tiền bán phân dê được khoảng 10 triệu đồng, bà phải tự lo cơm nước hằng ngày. Mặc dù thu nhập rất “bèo” nhưng không còn lựa chọn nào khác, bà bám theo đàn dê để mưu sinh.

17-55-25_nh-7
Bà Măng Thị Mùa chăn dê thuê

Đi chăn dê cùng bà có cháu gái là Măng Thị Hảo, chăn 150 cừu. Cả dê cừu lẫn lộn, hai người quản chúng.

“Buổi sáng mình ăn thật no rồi thả dê cừu đi ăn cho đến 3 giờ chiều. Bữa trưa lót dạ bằng nước, đến chiều về ăn luôn, dần thành quen nên chẳng đói. Một năm không ốm đau thì mình còn có chút tiền đem về nhà nuôi con, còn không sẽ trắng tay”, bà Mùa tâm sự.

Mỗi khi mất dê, mất cừu thì như bà Mùa và Hảo sẽ bị chủ tính giá trị mỗi con rồi trừ vào tiền công. Do đó, nếu mất một con dê hay cừu, coi như cả năm đi làm thuê chẳng tích cóp được được đồng tiền nào.

“Gặp những chủ tốt bụng họ xem mất cừu trong trường hợp nào thì tha, còn có chủ thì mất phải đền. Trong đời chăn dê cừu, tôi đã làm mất 3 con và bị chủ phạt tiền”, bà Mùa cho hay.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm