| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới công tác Văn phòng Bộ NN-PTNT: Chủ động, tiết kiệm, hiệu quả

Thứ Sáu 21/08/2015 , 09:41 (GMT+7)

Với chủ đề “Nâng cao chất lượng công tác phục vụ chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM”, Văn phòng Bộ NN-PTNT đang có nhiều kế hoạch đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, quyền Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT.

Thưa ông, hình thức tổ chức các hội nghị, cuộc họp trực tuyến của Bộ NN-PTNT thời gian gần đây được đánh giá rất tốt, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian cho các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên thời gian gần đây có vẻ số cuộc họp trực tuyến chưa nhiều?

Việc tổ chức họp trực tuyến đã được Bộ NN-PTNT thực hiện cách đây 5 năm. Hai năm đầu, Cty cung cấp dịch vụ đường truyền miễn phí sử dụng dịch vụ nên các hội nghị trực tuyến được tổ chức khá đều.

Tuy nhiên 3 năm trở lại, việc sử dụng dịch vụ phải trả phí tương đối đắt đỏ. Trung bình một cuộc họp trực tuyến kéo dài một buổi, mỗi đầu cầu sẽ tốn khoảng 6,5 triệu đồng phí dịch vụ. Nếu tổ chức trực tuyến 63 tỉnh thành cộng với 2 đầu cầu của Bộ thì chi phí mỗi cuộc họp sẽ khoảng xấp xỉ 380 triệu đồng/buổi. Nếu tất cả chi phí này đưa hết về Văn phòng Bộ chi trả thì đương nhiên không thể kham nổi. Vì vậy sau một số cuộc họp phải trả phí, Văn phòng Bộ đã đề xuất lãnh đạo Bộ có cơ chế chia sẻ gánh nặng chi phí cho văn phòng.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh chịu trách nhiệm ký hợp đồng với chi nhánh Cty cung cấp dịch vụ đường truyền để chi trả phí dịch vụ đối với các cuộc họp, hội nghị chuyên ngành về vấn đề NN-PTNT. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh lúng túng.

Có địa phương hiểu chưa đúng nói rằng Bộ đã trả kinh phí dịch vụ rồi, sao địa phương vẫn phải thanh toán, như vậy là phí chồng phí? Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Chính phủ và được chấp thuận cho phép từ tháng 6/2015 trở đi, được thực hiện cơ chế: Đối với tất cả hội nghị trực tuyến do Bộ tổ chức, Văn phòng Bộ có văn bản xin ý kiến Văn phòng Chính phủ, sau đó Văn phòng Chính phủ sẽ thanh toán cước phí cho các tỉnh thành tham gia các hội nghị, cuộc họp do Bộ NN-PTNT chủ trì. Văn phòng Bộ NN-PTNT chỉ trả cước phí đối với đầu cầu của Bộ mà thôi.

Về phía Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Bộ vừa qua cũng đã có chỉ đạo Văn phòng Bộ tham mưu cho các đơn vị trực thuộc của Bộ cần tăng cường các cuộc họp trực tuyến. Bởi họp trực tuyến không chỉ tiết kiệm được nhiều tỉ đồng chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian mà còn tăng hiệu quả, do không bị hạn chế về số lượng người tham dự.

Về hình thức tổ chức, nhiều hội nghị, cuộc họp bị đánh giá còn mất nhiều thời gian cho việc báo cáo mà chưa có nhiều thời gian cho thảo luận?

Những năm trước, thông qua hộp thư điện tử công vụ chung của Văn phòng Bộ và các đơn vị, trước các cuộc họp Văn phòng đều có gửi tài liệu vào thư điện tử công vụ để các đơn vị tham gia họp chủ động tham khảo.

Ngày 19/8/2015, Bộ NN-PTNT tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Phó Chánh Văn phòng Bộ cho các ông Trần Quốc Tuấn và ông Ngô Hồng Giang. Tại Quyết định số 3118/QĐ-BNN-TCCB ngày 12/8/2015 của Bộ NN-PTNT, ông Trần Quốc Tuấn được bổ nhiệm quyền Chánh Văn phòng Bộ NN-TPTN.

Tuy nhiên có tình trạng dần dần việc thực hiện công tác này bị sao nhãng, một phần do người phụ trách hòm thư công vụ của một số đơn vị khi luân chuyển công tác không bàn giao lại cho người sau. Vì vậy tài liệu, giấy mời gửi qua thư điện tử đôi khi có địa phương, đơn vị không mở ra kiểm tra cập nhật để xem nên không vẫn phải gọi trực tiếp thông báo hoặc vẫn phải giấy mời qua bưu điện rất tốn kém và chậm. Vì thế mà khi đi họp chưa nắm qua được nội dung báo cáo.

Bên cạnh đó, do vẫn phải chuyển giấy mời qua bưu điện nên có đơn vị phản ánh công văn giấy tờ đến quá chậm, có đơn vị nằm ngay sát nách Bộ nhưng mất cả tuần mới đến nơi do bưu điện phải tập trung về một nơi sau đó mới quay sang phân loại chuyển theo từng địa bàn. Gần đây, chúng tôi đã đề nghị phía bưu điện những công văn quan trọng đều phải gửi qua chuyển phát nhanh.

Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của ngành NN-PTNT. Xin ông cho biết Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch gì cho các sự kiện này?

Cùng với nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước, năm 2015 cũng là năm có rất nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của ngành NN-PTNT, bao gồm: Kỷ niệm 70 năm thành lập Bộ Canh nông (14/11); Đại hội thi đua yêu nước ngành NN-PTNT lần thứ 4; trao giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam 2015; lễ tôn vinh các DN vì nhà nông lần thứ nhất. Các sự kiện này sẽ được tổ chức tập trung vào ngày thành lập Bộ Canh nông (14/11).

Nhân dịp các sự kiện kỷ niệm lớn của ngành, hiện Bộ đang chỉ đạo Văn phòng cùng các đơn vị liên quan thu thập thông tin về lịch sử truyền thống để xây dựng một cuốn sách “70 năm ngành NN-PTNT”, dự kiến phát hành đầu tháng 11/2015. Hiện Bộ cũng đang xúc tiến xây dựng di tích địa lịch sử ngành NN-PTNT tại địa điểm thành lập Bộ Canh nông tại Cụm Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), dự kiến khánh thành vào dịp kỷ niệm thành lập Bộ Canh nông.

Trong năm nay, nhiều ngành khác như lâm nghiệp, thủy lợi... cũng có kỷ niệm 70 năm thành lập. Tuy nhiên, hiện Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 14/11 (ngày thành lập Bộ Canh nông) là ngày truyền thống ngành NN-PTNT.

Vì vậy đối với các lĩnh vực khác của ngành NN-PTNT như thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản, BVTV, nông nghiệp... nếu có kỷ niệm ngày truyền thống hay kỷ niệm năm chẵn thì chỉ được phép tổ chức gặp mặt truyền thống trong phạm vi phù hợp, tiết kiệm, trên tinh thần tăng cường tôn vinh, tăng cường vai trò cán bộ, đặc biệt tập trung cho hoạt động thiết thực như thăm hỏi lãnh đạo lão thành, hỗ trợ, thăm hỏi các gia đình cán bộ khó khăn...

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.