| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới để môn Lịch sử trở nên gần gũi

Thứ Sáu 19/07/2019 , 18:13 (GMT+7)

Đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu khi mở đầu cuộc tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông.

Tọa đàm diễn ra chiều 18/7/2019, trong bối cảnh môn Lịch Sử tại Kỳ thi THPT Quốc gia chỉ có điểm trung bình 4,3 - tuy kết quả có tốt hơn năm ngoái - song vẫn tiếp tục là một trong hai môn có điểm trung bình thấp nhất.

Tọa đàm Đổi mới để môn Lịch sử trở nên gần gũi.


Học sinh không hứng thú

Chung tâm trạng buồn vì kết quả điểm trung bình Lịch sử lại thấp nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cho dù nhiều giáo viên dạy môn này đều thống nhất nhận định đề thi chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi, rất tường minh.

Nhìn từ khía cạnh sự hứng thú của học sinh với môn học này, cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An cho biết, ở trường môn Lịch sử vẫn được coi trọng nhưng học sinh không còn hứng thú với môn học này nữa, các em lựa chọn hướng khác. Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng của gia đình, mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ.

Còn theo cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền (trường THPT Việt Đức - Hà Nội), giáo viên dạy tốt, học sinh có hứng thú với môn học nhưng dù có thích thì môn Lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn.
 

Dạy môn Lịch sử cứng nhắc, giáo điều

GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam nhận định, bản thân môn Lịch sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung, dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng… nên học sinh rất sợ, khó nhớ.

GS Vũ Minh Giang cho rằng cách dạy Lịch sử hiện nay tương đối nghèo nàn, khô cứng.

GS Giang nhìn nhận: “Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động”.

Theo ông Vũ Minh Giang, đổi mới là cần thiết nhưng đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Lịch sử. Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người. Ngoài ra, “tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi”, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam nêu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đổi mới dạy và học môn Lịch sử là tất yếu.

Trước những ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong những ngày tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc. Những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn Lịch sử.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: “Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này”.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.