| Hotline: 0983.970.780

Đối phó bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa

Thứ Năm 18/04/2019 , 08:30 (GMT+7)

Bệnh đạo ôn cổ bông không xa lạ với người trồng lúa, đặc biệt nông dân khu vực miền Bắc.

Tuy nhiên do đặc thù mùa vụ, vụ lúa xuân ở miền Bắc lúa thường trỗ vào giai đoạn thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, phát triển và gây hại.
 

Tác nhân gây bệnh đạo ôn cổ bông

Rất nhiều người nhầm lẫn là bệnh đạo ôn lá (cháy lá) và bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa là hai bệnh khác nhau. Tuy rằng hai tên gọi khác nhau nhưng đó là một bệnh và do một tác nhân gây bệnh là nấm Pyricularia oryzae gây ra. Việc gọi tên khác nhau chỉ để chỉ rõ bộ phận gây hại chính của chúng trên cây lúa.

19-18-52_nh_1
Triệu chứng bệnh đạo ôn cổ bông

Nếu gây hại trên lá thì gọi là “đạo ôn lá”, hoặc chỉ gọi là bệnh đạo ôn (miền Nam gọi là cháy lá), gây hại cổ bông thì gọi là “bệnh đạo ôn cổ bông”, gây hại cổ gié thì gọi là “bệnh đạo ôn cổ gié”,… Vì cùng một tác nhân gây bệnh, nên biện pháp phòng trừ là giống nhau.
 

Vì sao các biện pháp trừ bệnh hiệu quả thấp?

Sở dĩ việc trừ bệnh hiệu quả thấp, hoặc không có hiệu quả do vị trí gây hại là cổ bông chỉ có thể “phòng” chứ không thể trừ. Khi bệnh biểu hiện ra bên ngoài gây khô cổ bông, bạc trắng bông nghĩa là lúc vết bệnh đã ở giai đoạn mãn tính. Ngoài ra, lượng nước phun thiếu cũng là nguyên nhân quan trọng.

Thời gian từ khi bào tử nảy mầm, xâm nhiễm vào cổ bông đến lúc biểu hiện ra vết bệnh mãn tính từ 4- 6 ngày, tùy theo nhiệt độ, độ ẩm. Có nghĩa rằng, khi quan sát thấy bông bạc là nấm bệnh đã xâm nhiễm trước đó 4-6 ngày và không thể cứu vãn.

Khi chưa biểu hiện ra vết bệnh nhưng nếu bào tử đã nảy mầm (khoảng sau 5-6 giờ có ẩm độ), xâm nhiễm (khoảng 6-10 giờ) và sợi nấm phát triển trong mô cây (1-3 ngày) là giai đoạn cấp tính. Đối đạo ôn lá thì đây là lúc xử lý tốt nhất, nhưng với bệnh đạo ôn cổ bông thì đã muộn. Thuốc trừ bệnh đạo ôn có thể tiêu diệt được sợi nấm ở cổ bông, nhưng phần cổ bông đã bị nấm bệnh làm tổn thương hoặc phá hủy, chỉ đợi nắng lên cổ bông sẽ khô dần và bông bạc.

Vì vậy, đối với bệnh đạo ôn cổ bông, chỉ có thể phòng chứ không thể trừ. Nên các biện pháp trừ bệnh đạo ôn cổ bông hiệu quả thấp, hoặc nói thẳng ra là không có hiệu quả. Nhiều năm qua, do hiểu sai vấn đề, nên cơ quan BVTV thường chỉ đạo phòng trừ khi thấy bông bạc, dẫn đến việc nông dân tiền mất tật mang.
 

Khi nào cần phòng bệnh đạo ôn cổ bông?

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông chỉ có phòng bệnh mới mang lại hiệu quả, tuy nhiên không phải vì vậy mà chúng ta đồng loạt phòng bệnh cho tất cả các giống lúa, xứ đồng, mùa vụ. Để tránh lạm dụng thuốc BVTV, giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm, tồn dư thuốc trên nông sản và tác động xấu đến môi trường, cần phòng trừ trong các trường hợp sau:

+ Giống nhiễm: Là các giống lúa thường nhiễm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông ở các vụ trước, năm trước tại khu vực gieo trồng nào đó. Cùng một giống, nhưng ở vùng sinh thái này là giống nhiễm nhưng vùng khác có thể không phải là giống nhiễm.

+ Từng nhiễm đạo ôn lá: Cùng vụ SX, nếu giống đó từng nhiễm đạo ôn lá, thì nguy cơ nhiễm đạo ôn cổ bông rất cao, vì nguồn bệnh có sẵn, được tích lũy trên ruộng chỉ chờ điều kiện phát sinh.

19-18-52_nh_2
Bệnh đạo ôn cổ bông tại Hà Tĩnh năm 2016

+ Lá đòng có vết bệnh mới: Lá đòng là lá sát bông lúa, được hình thành muộn nhất. Nếu lúa sắp trỗ hoặc đã trỗ mà trên lá đòng có vết bệnh đạo ôn mới, thì cần phòng trừ đạo ôn cổ bông.

+ Rốn dịch đạo ôn: Là nơi hàng năm bệnh đạo ôn cổ bông thường phát sinh gây hại hoặc trong cùng vụ nơi đó là rốn dịch đạo ôn lá (kể cả giống đó không nhiễm đạo ôn lá). Vì nguồn bệnh tích lũy rất lớn, điều kiện tiểu khí hậu thuận lợi cho bệnh phát triển.

+ Trồng đại trà 1 giống làm giảm đa dạng sinh học: Các khu vực trồng đại trà một giống lúa thuần, hoặc đặc biệt là một giống lúa lai 3 dòng thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao vì SX hạt giống lai thường sử dụng bất dục đực tế bào chất, nên nếu xảy ra dịch bệnh nào đó sẽ diễn ra đồng loạt do đồng tế bào chất.

+ Thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển: Trời âm u, có sương mù, có mưa vừa, mưa phùn, ẩm độ không khí cao, nhiệt độ từ 20-28oC rất thuận lợi để bệnh phát triển. Ngoài ra cần lưu ý, qua thực tiễn nhiều năm nay nếu ban ngày khô ráo, nắng nóng mà ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới 30oC, có sương ẩm là điều kiện tốt nhất bùng phát đạo ôn cổ bông.

Theo lý thuyết, nấm bệnh đạo ôn chỉ phát triển tốt trong khoảng 20-28oC, nên khi nhiệt độ ban ngày cao, không khuyến cáo phòng trừ. Tuy nhiên nắng nóng, khô ráo ban ngày rất thuận lợi để bào tử nấm bệnh phát tán. Sương ẩm và nhiệt độ thấp về đêm thuận lợi để bào tử nảy mầm và xâm nhiễm.

Chỉ cần sau một đêm quá trình xâm nhiễm hoàn thành, nếu ngày hôm sau nắng nóng nấm bệnh đã xâm nhiễm có thể ngừng phát triển, nhưng đêm đến nhiệt độ thấp sợi nấm phát triển rất nhanh, cùng với việc trồng đại trà một giống đã gây đại dịch đạo ôn cổ bông tại Hà Tĩnh năm 2016.
 

Nên phòng bệnh khi nào?

Thời điểm là yếu tố then chốt nhất đối với phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Thời điểm phun phòng thích hợp nhất là lúc lúa bắt đầu trỗ (đã trỗ lác đác một vài bông trên ruộng). Nông dân thường gọi thời điểm này, là trỗ lác đác, trỗ le te, rạn áo the, nứt đòng, trỗ vài bông,…

Cụ thể là trước lúc cổ bông đi qua mắt (nách) lá đòng. Nách lá đòng là nơi đọng sương và bào tử nấm bệnh chờ sẵn, khi cổ bông đi qua nách lá đòng cũng là lúc tiếp xúc với môi trường bên ngòai, do cấu tạo đặc thù của cổ bông rất dễ bám dính bào tử.
 

Lượng nước phun bao nhiêu là đủ?

Chúng ta không thể dựa vào lượng nước phun trên một đơn vị diện tích khi xử lý đạo ôn cổ bông mà phải tuân thủ nguyên tắc “pha đúng nồng độ, phun ướt đều trên lá”. Tùy độ lớn của cây lúa, tiết diện lá của giống lúa, số dảnh lúa/đơn vị diện tích để điều chỉnh lượng nước. Thông thường lượng nước cần gấp 1,5-2 lần so với xử lý đạo ôn lá.

Tuyệt đối không áp dụng lượng nước phun của giai đoạn đạo ôn lá cho đạo ôn cổ bông, vì giai đoạn đạo ôn lá cây lúa chủ yếu đang thời kỳ đẻ nhánh, cây nhỏ, lá nhỏ, dảnh ít nên lượng nước phun ít hơn.

Có thể sử dụng những loại thuốc nào để phòng bệnh?

Một số thuốc có chứa các hoạt chất như Tricyclazole (Filia 525 SE,…), Fenoxanil (Katana 20 SC,…),… thường dung phổ biến nhất, mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, có thể sử dụng nhóm Strobilurin như Azoxystrobin (Amistar Top 325 SC,…), Trifloxystrobin và nếu trong một vụ mà trước đó đã sử dụng 2 lần nhóm này thì không nên sử dụng tiếp để hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Lưu ý, cùng một nhóm nhưng Trifloxystrobin tính lưu dẫn yếu cũng nên hạn chế dung giai đoạn này.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.