Theo ông Tạ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), từ năm 2009 trở về trước, địa phương luôn có từ 1.000 - 1.500 lao động hành nghề bới rác.
>> Người bới rác nhặt được 11 cây vàng
>> ''Quân đoàn'' nhặt rác giữa Thủ đô
Lúc nghề sản xuất gạch, ngói thủ công lên ngôi, thu hút nhiều lao động nên số người bới rác giảm chỉ dăm bảy trăm lao động trực tiếp cộng với cũng chừng đó lao động gián tiếp (giặt giũ, vệ sinh, phân loại rác ở nhà). Cách đây vài tháng, thực hiện chủ trương phá bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn, có 263 lò gạch bị tháo dỡ, 162 ông chủ phải ra đường thất nghiệp và 5.670 lao động bỗng chốc thành kẻ vô công, rồi nghề.
Dù Bắc Sơn được quy hoạch là vùng sản xuất vật liệu xây dựng trọng điểm của huyện Sóc Sơn với định hướng chính là làm gạch không nung và tuynel nhưng số vốn đầu tư cho một lò quá lớn (20-25 tỉ) nên hiện tại mới có chừng mươi ông chủ góp tiền làm một cái mà cũng chỉ dở dang.
Dự kiến khi lò này đi vào hoạt động sẽ chỉ giải quyết được 50-70 lao động, nửa vạn con người sẽ đi đâu, về đâu nếu không phải phần lớn sẽ lại vác móc sắt, đeo bao tải ra bãi Nam Sơn bới rác? Nỗi niềm ấy khiến cho ông Chủ tịch xã cứ lo đứng lo ngồi suốt mấy tháng nay mà xem chừng vẫn bí bách.
Bắc Sơn vốn là cái rốn nghèo của huyện Sóc Sơn, là “vùng trũng” trong đầu tư bởi chẳng nhà máy, xí nghiệp nào chịu về bãi rác chứ đừng nói xa vời là lôi kéo được ngành dịch vụ, du lịch vào. Năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn tới 49% nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 10,4%. Đúng là một kỳ tích!
Nhưng cứ như ông Tạ Hồng Thái phân trần, kỳ tích ấy nhuốm một gam màu xám bởi vì đó là giảm nghèo theo kế hoạch được trên giao với định mức giảm từ 3-5% trên tổng dân số. Cách làm ấy hoàn toàn không bền vững vì sản xuất nông nghiệp đầy rủi ro, vì ngành nghề bấp bênh và vì nhiều lý do khác.
Ông Chủ tịch xã Bắc Sơn: "Không có công ăn việc làm, sắp tới sẽ có thêm cả trăm người dân đi bới rác"
“Ví dụ mỗi năm trên giao định mức giảm 3% trên tổng dân số thì Bắc Sơn phải giảm nghèo cho cỡ 100 hộ. Vì định mức chỉ tiêu ấy chính quyền phải rà soát làm sao cho đủ. Chẳng hạn mình tính một lao động làm ngoài thu về 150.000 đồng/ngày đã thừa đủ cho gia đình đó thoát nghèo nhưng thực tế mỗi tháng người ta chỉ vài buổi có việc hoặc thất nghiệp dài dài thì làm sao?
Một thực tế khác có một số hộ cận nghèo nhưng cũng muốn xin vào danh sách nghèo vì nhà đó có người đau yếu phải cần đến cái sổ bảo hiểm y tế hoặc nhà đó trông chờ sự hỗ trợ chính sách mỗi dịp lễ tết của nhà nước. Tỷ lệ 10,4% số hộ nghèo còn lại của xã Bắc Sơn toàn thuộc dạng “xương xẩu” khó mà thoát nổi vì già yếu, đơn thân, vì thiếu vốn, vì nuôi con nhỏ nay lại đang cộng thêm cả ngàn người thất nghiệp vì phá bỏ lò gạch thủ công…”. Ông Chủ tịch bỏ dở câu nói, mặt chuyển đăm chiêu, mắt đau đáu nhìn về nơi vô định.
Từ cột mốc năm 1998 bãi rác Nam Sơn về, đem lại cỡ 10% thu nhập cho người dân ở xã Bắc Sơn trong đó có chừng 100 hộ khá lên từ thu nhặt rác. Nhưng hậu quả môi trường của nghề chưa bao giờ được công nhận là một nghề này cũng rất nặng nề khi 6-8 tháng thôn xã hứng chịu khí thải hôi thối, độc hại thốc tháo quần theo hướng gió Đông Nam.
Khi nguồn nước từ suối Cầu Lai và nguồn nước ngầm đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi các hồ ao trong làng đen ngòm nước rác, toàn bộ giếng khơi giờ gần như phải bỏ hết để chuyển sang giếng khoan. Khi xóm làng, nhà nhà biến thành những bãi rác phụ bởi công việc vệ sinh, phân loại phế thải tại gia. Khi xảy ra những trường hợp tai nạn lao động như ông Đặng Văn Tứ ở thôn Lai Sơn bị vật bẩn bắn vào mắt gây mù hay một số ca bới rác phải đi viện vì hít nhầm khí độc.
Gánh nặng môi trường nặng nề cùng nghề bới rác
Nếu đặt lên bàn cân, giữa mối lợi kinh tế rất nhỏ với tác hại môi trường to lớn, phần đa người Bắc Sơn sẽ không ngần ngại chọn yếu tố môi trường vì thấm thía lắm rồi cảnh các bệnh hô hấp, khó thở, đau đầu, chóng mặt đến rộc rạc thân thể bởi ô nhiễm. Đã đành, thành phố cần phải có bãi rác, nhưng khi bãi rác về địa phương họ được hưởng những quyền lợi gì ngoài mỗi chuyện được toàn quyền bới rác?
Như một sự đã rồi, giai đoạn I của bãi rác đã ngốn mất của thôn Lai Sơn 10 ha nhưng trong dự kiến mở rộng bãi rác giai đoạn II tới sẽ nuốt tiếp 40 ha nữa. Điều đó khiến không chỉ người dân thấp thỏm lo cho chất lượng môi trường tồi tệ sắp tới mà khiến cho cả chính quyền xã phải gửi công văn tha thiết đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch. Tiếng nói của kẻ dưới luôn yếu ớt một cách tội tình.
Anh Đặng Văn Đại ở thôn Lai Sơn là một điển hình đổi đời… ngược từ bãi rác. Trước đây anh đi bới rác, dành dụm được ít vốn xây lò gạch, đứng lên làm ông chủ của 30 lao động. Sản xuất được hơn 1 năm đùng cái, trên có chủ trương phá bỏ lò gạch thủ công, vốn đầu tư chưa kịp thu hồi, anh sinh mắc nợ tới 200 triệu đồng. Hôm trước xã đánh giấy thông báo cấm lò, hôm sau vợ chồng anh Đại xách bao tải, vác móc sắt đèo nhau thẳng tiến đến bãi rác Nam Sơn để bới.
Ở những thôn gần bãi rác Nam Sơn, đám cưới, đám ma ruồi bọ đậu kín cỗ bàn trông như xôi đỗ đen, không ai dám đụng đũa. Bởi thế trước khi bắc rạp nhà nào nhà nấy đều phải phun thuốc diệt côn trùng mà các đĩa từ rau, dưa, thịt thà đến hoa quả vẫn bọc kín trong nylon tận lúc ăn mới dám mở. |
Nề nếp cũ lại trở về khi mỗi tháng vợ chồng anh Đại phải nộp phí theo cặp mất 400.000đ cho chủ lán để được bới đống rác mới. Mẹ anh là Nguyễn Thị Dổi dù đã bước vào tuổi 60, mắt cặp nhèm rồi cũng lọm khọm vào bãi nhặt nhạnh thêm giúp con cái trả nợ. Không có tiền đóng phí nộp để được đứng lán, bà chỉ bới rác cũ, rác thừa của người khác, trung bình mỗi buổi thu được vài chục ngàn bạc lẻ.
Hôm tôi đến, một ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, lạnh lẽo chẳng chút không khí đầu xuân. Ông chủ lò gạch ngày nào nay đầu trọc lốc, cặm cụi bới bới tìm tìm trong đống rác to tướng nơi góc vườn để lọc ra những mẩu dây điện có cái lõi đồng bé tẹo.
Ông chủ lò gạch ngày nào nay phải đi bới rác
Hỏi chuyện quay trở về nghề bới rác, anh cười mà như mếu: “Gia đình em có 8 khẩu gồm bà nội, bố mẹ, 2 vợ chồng, 2 đứa con cùng một cô em gái. Mẹ già yếu, thỉnh thoảng mới đi bới được, bố tàn tật, mồm ăn thì có mồm nói thì không (bị câm) chẳng giúp được mấy việc nhà nên ngoảnh ngược ngoảnh xuôi trơ mỗi vợ chồng em là lao động chính. Chẳng biết bao giờ trả nổi cục nợ xây lò gạch ngày nào”.
Cả trăm ông chủ năm xưa cùng ngàn lao động lò gạch của Bắc Sơn liệu có tiếp nối bước chân của ông chủ Đại?