| Hotline: 0983.970.780

Đời sống khổ trong vùng nông thôn mới: [Bài 1] Lãnh đạo huyện bảo không phải cãi nữa

Thứ Năm 07/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Mấy năm rồi tôi mới trở lại 3 xã vùng cao Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ngồi nghe chuyện ép về đích nông thôn mới.

Bà Bùi Thị Ệu ở xóm Cá xã Quyết Chiến trong ngôi nhà nát, đang làm thủ tục bán đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Bùi Thị Ệu ở xóm Cá xã Quyết Chiến trong ngôi nhà nát, đang làm thủ tục bán đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bỏ phí Sa Pa ở xứ Mường

Đề án "Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” mới đây đã làm nức lòng cả ngàn người dân cùng cán bộ. Tiềm năng thì lớn nhưng hiện trạng của các xã vùng cao huyện Tân Lạc lại quá buồn. Từ quốc lộ 6 lên đây giao thông là nỗi khiếp đảm bởi vừa xấu vừa thắt cổ chai, còn đời sống của dân thì vẫn nhiều hộ sống nghèo khó.

Trong khi đó hàng ngàn ha đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp ở độ cao xấp xỉ 1.000m với khí hậu mát lạnh được ví như Sa Pa của xứ Mường bị bỏ phí. Ông Bùi Thanh Truyền cựu Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cũ hiện sáp nhập thành xã Vân Sơn nhận xét, định hướng làm hữu cơ thì bà con cứ trồng nhưng đầu ra ở đâu thì tỉnh, huyện chưa mấy quan tâm. Chẳng bù cho bên tỉnh bạn Sơn La, họ tổ chức sản xuất rồi kết nối nông sản xuất khẩu đi khắp các nước. Sản phẩm hữu cơ muốn đẩy được giá thì Nhà nước phải có cơ chế giới thiệu, quảng bá giúp dân chứ giờ mang ra thị trường thì cứ cái gì mẫu mã đẹp, giá rẻ là người ta mua thôi, không mấy ai quan tâm đến an toàn thực phẩm.

Về phát triển du lịch, tỉnh định hướng vậy nhưng chưa có sự hỗ trợ cụ thể nào cho bà con nên nhiều nhà muốn làm mà nguồn lực ít, đành chịu. Rồi là việc đào tạo làm dịch vụ thế nào, giới thiệu, quảng bá du lịch ra sao cũng kém nốt. Chỉ cách đó một quãng đường là mấy bản vùng cao Son Bá Mười của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, giao thông được đầu tư, các homestay được tổ chức khá quy củ, bắt đầu thu hút khách.

Bà Bùi Thị Ệu ở xóm Cá xã Quyết Chiến trong ngôi nhà nát, đang làm thủ tục bán đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Bùi Thị Ệu ở xóm Cá xã Quyết Chiến trong ngôi nhà nát, đang làm thủ tục bán đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giữa bối cảnh buồn chung đó, tôi được nghe nói về xã Quyết Chiến đã về đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2021 nên muốn tìm hiểu. Ông Bùi Văn Biện cựu Bí thư xã Quyết Chiến đang mắc bệnh trọng nên khá yếu nhưng vẫn đồng ý tiếp chuyện tôi. Ông thẳng thắn rằng: Họp Ban chỉ đạo của huyện về triển khai chương trình NTM, các xã xuống, chúng tôi báo cáo Quyết Chiến không thể về đích được vì tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân chỉ hơn 20 triệu đồng/năm, đường nội đồng chưa được bê tông hóa…Lãnh đạo huyện bảo không phải cãi nữa. Năm tới xã nào về đích NTM? Quyết Chiến thế là xong. Không làm được thì các anh phải chịu trách nhiệm.

Bảo thế thì chúng tôi chịu, cứ phải về đích thôi. Giờ đường nội đồng của nhiều xóm vẫn đất là chính, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp khiến người dân có ý kiến. Như xóm tôi có gần 40 ha đất nông nghiệp nhưng giờ không phải là đất của người dân nữa rồi mà là đất đang tranh chấp. Trước đây người dân ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất 10 năm nhưng về sau chẳng biết thế nào trong quyết định thuê đất lại thành 50 năm. Sau 10 năm người dân (vác dao, vác cuốc-PV) đi tự thu hồi, hiện đất họ đang sản xuất tuy nhiên trên giấy tờ vẫn do Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh quản lý…

Một người dân xóm Cá đang vác cây bương đi bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người dân xóm Cá đang vác cây bương đi bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn ông Đinh Công Khoa-Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến lại khẳng định việc công nhận NTM giai đoạn trước (năm 2021) không bị nợ tiêu chí nào, tuy nhiên nếu so sánh với các tiêu chí của giai đoạn này thì chưa đảm bảo như tỷ lệ hộ nghèo 18%, nhà văn hóa không có sân thể thao, điện còn yếu trong thời gian cao điểm, cảnh quan môi trường, hồ sơ điện tử khám bệnh chưa đạt…Đường giao thông từ quốc lộ 6 lên 3 xã vùng cao của huyện Tân Lạc gồm Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông quá xấu nhưng lại thuộc địa bàn hành chính của xã khác chứ không phải của Quyết Chiến nên không nằm trong tiêu chí đánh giá NTM.

Chuyện giảm nghèo đang rất khó vì phần lớn dân làm nông nghiệp, trong khi đó hơn 60 ha rau su su mấy năm nay có hiện tượng héo rũ, chết chưa rõ nguyên nhân, giờ ước chỉ còn khoảng 40 ha. Thu nhập bình quân đầu người của xã đang 38 triệu đồng/người/năm được tính toán bằng cách lấy 3 hộ khá giả, 3 hộ trung bình, 3 hộ khó khăn xem mỗi tháng thu và chi bao nhiêu rồi ra con số chung cả xã. Bởi thu nhập thấp nên vốn đối ứng của người dân khi tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng NTM là chuyện xa vời. Xã có diện tích 26 km2 trong đó đất nông nghiệp gần 300 ha, dân số hơn 1.700 người với 5 xóm thì 3 xóm thuộc diện 135 gồm Khao, Cá, Hưng.

"Nếu về đích nông thôn mới thì phải mới về thu nhập, mới về khu dân cư nhưng tôi vẫn chưa thấy những thứ đó mới, nhiều bà con phải xuống Hà Nội làm thuê".  Ông Bùi Văn Biện cựu Bí thư xã Quyết Chiến nói.

Nhức nhối nhất là chuyện thu nhập thấp

Tôi chọn xóm Cá-nơi khó khăn nhất để thực tế. Đinh Công Thọ-Bí thư xóm Cá đã nhiệt tình mời tôi về nhà mình. Đêm đó, bên chén rượu nồng, anh giải thích, sở dĩ có tên xóm Cá bởi ngày xưa suối có rất nhiều cá. Giờ cá ít đi mà người lại đông lên với 99 hộ, 478 khẩu trong khi đất nông nghiệp chỉ có 68 ha.

Nhức nhối nhất là chuyện thu nhập thấp. Nuôi con gì, trồng cây gì vẫn là một bài toán nan giải. Mấy năm nay chăn nuôi thì dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi trên lợn, dịch cúm gà diễn ra liên tục; trồng trọt thì bị bệnh héo rồi chết trên cây su su, bệnh bị vàng lá trên cây lúa. Do dịch bệnh và giá bán quá thấp mà đàn trâu của xóm trước 180 con giờ còn 35 con, đàn bò trước 200 con, giờ còn 120 con. Khoảng 90% gia đình có lao động đi làm ăn xa nhưng toàn là phụ hồ, kiếm sống bấp bênh mà phải nuôi mấy người ở nhà. Như vợ Bí thư đi phụ hồ ngoài Hà Nội, tháng được khoảng 8-9 triệu đồng, bản thân anh cũng thỉnh thoảng tranh thủ đi làm vài ngày rồi về lo việc xóm.

Hai bà cháu ở xóm Cá đi xem mở đường dân sinh tự làm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai bà cháu ở xóm Cá đi xem mở đường dân sinh tự làm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ hồi có chương trình NTM phải nói thẳng thắn rằng một số tuyến đường, nhà văn hóa, trường học được xây dựng hay tu bổ nhưng đường giao thông nội đồng trong xóm vẫn còn đang dang dở. Về đích NTM cũng khiến cho một số giáo viên mà nhất là người có trình độ xin sang xã bên như Vân Sơn, Ngổ Luông vì vẫn là 135 nên lương cao hơn. Giáo viên mà không giỏi thì làm sao học sinh giỏi được?

Đường cụt nên việc giao thương của xóm Cá rất khó khăn, lại thêm lắm dốc xe tải phải tăng bo hàng, đáng một chuyến thành hai nên cái gì mua thì đắt, bán thì rẻ. Như ở trong xóm xây nhà 1 tầng bằng ở nơi khác xây 2 tầng, trong khi đó 1 kg bương ở ngoài bán được 800đ mà ở đây chỉ được 500đ/kg. Để phá thế đường cụt, dân trong xóm mong ước Nhà nước đầu tư tuyến đường nối với xã Thành Sơn của huyện Mai Châu, tuyến đường nối với xóm Khời của xã Phú Cường chứ không phải là lối mòn đi bộ còn khó như hiện nay.

Thầy cúng xin thần núi, thổ địa cho phép mở đường dân sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thầy cúng xin thần núi, thổ địa cho phép mở đường dân sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng chờ mãi mà chẳng thấy đâu, thế nên buổi sáng hôm sau tôi đã chứng kiến lễ động thổ con đường đất dân sinh nối từ xóm Cá sang xã Thành Sơn phục vụ cho việc làm nông, mỗi hộ đóng góp mấy trăm ngàn đồng. Bình thường họ phải đi bộ để gùi ngô, lúa, rau su su mấy cây số đường núi về nhà, làm đường như thế là để xe máy có thể đi được.

Thầy cúng Đinh Công Nhinh chủ trì buổi lễ xin thần núi, thổ địa cho phép với lễ vật là một con gà cùng ít bánh. Số lượng thầy cúng từ nhỏ đến to trong xóm Cá dễ đến hàng chục người. Nhỏ thì cầu vía, làm mụ, to thì làm mát nhà, làm đám ma. Hễ người ốm, vật ốm đều phải nhờ đến thầy đuổi bệnh đi nhưng chẳng có thầy nào đủ tài phép để đuổi cái nghèo đi khỏi con dốc của xóm Cá. (còn nữa).

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.